Nhớ 'Nụ cười 307' Trần Kim Trắc

Nhớ về ông với những kỷ niệm mà ông "truyền lại" rất chân tình. Bài viết như nén nhang lòng cầu mong ông thanh thoát nơi miền cực lạc...

Nhà văn Trần Kim Trắc. Ảnh chụp cách đây 10 năm khi ông 80 tuổi. Ảnh: NGUYỄN TÝ

"Trắc" trở từ cái tên

Ông sinh năm 1929 tuổi con rắn nhưng là rắn nước nên không có độc. Ba ông đặt tên ông là Trắc, nghĩa là cây trắc bá diệp, loại gỗ quý hiếm, còn Kim là vàng. Cho tới chừng mẹ ông mất, ba ông đi bước nữa, mâu thuẫn mẹ ghẻ con chồng, đại để như vậy. Ba ông lại hối hận. Ông nói vì đặt tên con là “Trắc” nên con “trắc trở” lắm.

Năm 1954, nhà văn Trần Kim Trắc tập kết ra Bắc, công tác tại phòng Văn nghệ Quân đội. Ông có một số khuyết điểm nên nếu tính về công lao thì đó là “công cốc”. Ông phiêu bạt lãng tử làm đủ mọi nghề để kiếm sống như thợ sơn tràng (bây giờ gọi là lâm tặc, nhưng thời đó là khai thác gỗ), phu bốc vác, làm ruộng, chế biến thực phẩm, cuối cùng là nghề nuôi ong.

“Lòng lại dặn lòng là tại mình cũng như Phật nói: “Bể khổ ta không qua ai qua” nhưng nhờ “bể khổ” ấy tôi học thêm rất nhiều trong suốt quá trình kiếm sống, kiếm yêu… Mỗi sự cố trên trường đời đều là những đề tài rất bổ ích cho “nghiệp” văn sau này, mà cái đó mình chỉ là thư ký nhìn rồi ghi lại” - nhà văn Trần Kim Trắc trải lòng.

Nhà văn Trần Kim Trắc trong một lần trao Tặng thưởng cho nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Ảnh: NGUYỄN TÝ

Sinh thời cố nhà văn Nguyễn Khải từng viết về ông: “Một đời người không may mắn mà không có một truyện nào hàm chứa sự bất bình, nỗi oán hận hoặc những nhận xét chua chát, cay nghiệt. Câu văn thật nhẹ, thật thanh thoát và tươi tắn. Và rất vui”.

Ông bôn ba trường đời để sau 40 năm ông mới trở lại làng văn. Ông xuất hiện trở lại với truyện ngắn “Ông Thiềm Thừ” và được Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam - 1995. Vì trước đó ông đã đoạt Giải thưởng truyện ngắn đầu tay Cái lu (1954) đoạt ngay giải Nhì giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1945-1954.

"Nụ cười 307" lí lắc rất Nam bộ

Nhà văn Trần Kim Trắc trung thành với sở trường viết truyện ngắn (đã có hơn 200 truyện) bằng ký ức. Những truyện ngắn sau này ông vẫn xài “vốn tự có” và quan sát bằng hiện thực trước nhà mình.

Tác phẩm của nhà văn Trần Kim Trắc. Ông viết văn lí lắc nên sau này có nhiều truyện hài hước trên Tuổi Trẻ Cười.

Trước, ông viết về người lính vì ông từng là người lính của tiểu đoàn chủ lực nổi tiếng 307 với nhiều chuyện vui sống và chiến đấu giờ nhớ không xiết (ông đã in “Nụ cười 307”). Ông viết bằng góc độ đề cao, sau chuyển sang viết góc độ “dễ thương” thì đề tài trở lại, vừa viết vừa cười vì cái hóm hỉnh, lí lắc có khi chảy nước mắt vì thật thà, dễ thương của anh lính.

“Trí tưởng tượng như vùng đất chưa vỡ hoang và nhà văn “xông” vào đó sẽ khai thác vô số kể. Cuộc sống mà thiếu thâm nhập thực tế là không có vốn mà chỉ vốn sẵn có, cái đó nếu xài hoài sẽ cụt, hết vốn. Tâm trạng tôi bây giờ là vậy, già rồi viết dài thì nhớ trước quên sau, vì khả năng tuổi già bị hạn chế.

Tôi viết truyện ngắn chứ truyện dài thì hao chất liệu, viết xong gởi đi rồi thì không còn gì để viết, xài của đầu tư rất lãng phí. Và tôi dám tin chắc, không một nhà văn nào dám nói tôi viết suốt đời. Nhà văn trẻ không dự báo được cho mình thì tới lúc nào đó sẽ hẫng” – nhà văn chiêm nghiệm.

Dễ nhận thấy anh lính tinh nghịch qua “Mấy sông cũng lội”, một truyện ngắn mang đậm nét Trần Kim Trắc, lí lắc theo kiểu Nam bộ, tưng tửng. Vì trong cái tưng tửng có hội thoại dân gian - đó là lối viết mang đậm chất nhất trong tự do ngôn ngữ mà ông muốn gởi đến bạn đọc khi nhận chân chuyện yêu của bộ đội.

Chính vì thế Trần Kim Trắc thành công hơn cả trong tất cả truyện ngắn là viết về thời đã qua: “Vậy là thua rồi! tự nhiên thắng tà đạo, thua đứt đuôi con nòng nọc rồi. Cậu nói đúng! Đúng đó! Tình trường oái oăm hơn chiến trường! Lúc ấy có trời giúp cũng không tự nhiên được như lúc lâm trận mạc. Vậy lúc đó cậu làm sao? Thì im đi! Để mà hưởng chứ làm sao nữa?”.

Truyện ngắn “Một khúc cầm chơi” – tác phẩm mới nhất (đã dựng thành phim cùng tên) của nhà văn là bằng quan sát thực tiễn từ chính những diễn biến trước hiên nhà ông (trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) đập vào mắt với nhiều chi tiết. Đại để đó là hiện thực và ông viết “Một khúc cầm chơi” vui vui. Ông cũng tới cái thời thụ động, viết là để báo cáo với độc giả, Trần Kim Trắc vẫn còn tồn tại.

Khi tôi ra tập sách "Tản mạn cùng Văn nghệ sĩ miền Nam" (2006), trong đó có bài viết về ông. Sách ra tôi đến nhà riêng tặng ông và có những câu chuyện được ông kể rất hóm hỉnh, lí lắc rất vui. Ảnh: NGUYỄN TÝ

Ông tâm niệm rằng, “Về già, cái thú vị nhất là thỉnh thoảng lại được cười với chính mình”. Vậy là có chân dung một Trần Kim Trắc “Tự cười”.

Ông lý giải: “Tự cười mình rồi cười người khác thì không đụng chạm, vì nó thật mà. Tôi đã “tự cười” (tiêu đề một truyện ngắn) rằng: “Tây trở lại chiếm làng tôi. Tôi bị bắt đi tù 3 tháng. Ra tù, tôi vọt vào bưng biền đi kháng chiến – vẫn còn tơ… Tự cười rồi, cầm bút lại thấy run tay. Làm nghề văn mà nhìn đời thiển cận đến thế ư? Nghề văn là phản ảnh cuộc đời, phản ảnh con người, tôi lại tự đập vỡ gương, nhìn đời bằng lăng kính màu mờ. Vậy mà lâu nay tôi cứ hí hửng cho rằng mình đã từng trải lắm, có thể làm “chuyên gia tình ái” nữa…

Nghề văn như tôi phải dự báo ra sao để cầm bút khỏi run tay, hay chỉ là hiểu cuộc đời như tôi ngày còn mười sáu tuổi để viết theo chủ quan, ôm mãi suốt nửa thế kỷ cho đến gần xuống lỗ rồi mà vẫn hiểu như cũ trong khi thế giới tự nhiên có rất nhiều kịch tính?”.


Nhà văn Trần Kim Trắc. Ảnh chụp cách đây 13 năm (2006) tại nhà riêng của ông. Ảnh: NGUYỄN TÝ

“Mấy năm trước, tôi đã viết một bài báo bày tỏ sự ngưỡng mộ của tôi về một cách sống đẹp lúc tuổi già của nhà văn Trần Kim Trắc… Bốn chục năm qua anh sống gian nan lắm, gian nan nhất trong số những người cầm bút tôi được quen biết”- cố nhà văn Nguyễn Khải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới