Được biết, nhà văn Trần Kim Trắc đã mất cách nay hơn tuần, nhưng do gia đình có việc riêng nên chậm công bố đến công chúng và văn giới. Tin ông ra đi khiến giới văn chương và công chúng trong nước bàng hoàng thương tiếc.
Nhà văn Trần Kim Trắc sinh năm 1929 tại Chợ Gạo, Tiền Giang. Ông gia tham gia cách mạng năm 17 tuổi, trong đội trừ gian và bị bắt, phải vào tù. Ra tù ông đi bộ đội, vào Tiểu đoàn 307. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, công tác tại Phòng Văn nghệ Quân đội rồi lại bị kỷ luật. Ông phiêu bạt giang hồ, làm đủ nghề để kiếm sống như làm phu bốc vác, làm ruộng, đi rừng khai thác gỗ, cuối cùng trụ lại với nghề nuôi ong... Dù khó khăn, gian truân, ở vị trí thế nào ông vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao cho. Sau năm 1954 ông vào Nam, ở cùng gia đình tại Sài Gòn – TP.HCM cho đến khi mất.
Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Minh Nhựt (trái) trao đồng ký tác quyền trọn đời với nhà văn Trần Kim Trác vào tháng 11-2015, lúc nhà văn còn sinh thời. Ảnh: Hòa Bình.
Trần Kim Trắc viết văn khá muộn, năm 1954 ông mới có truyện ngắn đầu tay Cái lu được đăng. Ngay lập tức truyện ngắn này đoạt giải nhì Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1945-1954, cùng với Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc, Vượt Côn Đảo của nhà văn Phùng Quán. Vậy nhưng mãi đến 30 năm sau, nhà văn Trần Kim Trắc mới trở lại với văn chương và viết một cách say sưa, liên tục.
Các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Trần Kim Trắc có: Cái lu (truyện ngắn viết 1954), Cái bót (truyện ngắn in chung, 1989), Con cá bặt tăm (truyện ngắn, in chung, 1990), Ông Thiềm Thừ (truyện ngắn, 1994), Hoàng đế ướt long bào (tiểu thuyết, 1996), Học trò già (truyện ngắn, 1997), Trăng đẹp mình trăng (truyện ngắn, 1997), Con trai ông tướng (truyện ngắn, 1998), Chuyện nàng Mimô (truyện ngắn, 1999)... Trong đó Ông Thiềm Thừ nhận được Tặng thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn 1995. Năm 2012, ở tuổi 83, nhà văn vẫn miệt mài viết và tham gia cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề “Con người và cuộc sống hôm nay” do Hội Nhà văn TP.HCM và đoạt giải nhì (không có giải nhất) với truyện ngắn Sài Gòn đắc địa.
Tháng 11-2015 Nhà xuất bản Trẻ đã ký hợp đồng được trọn quyền sử dụng 19 tác phẩm của nhà văn Trần Kim Trắc với khoảng phí trả trước là 100 triệu đồng. Trần Kim Trắc cũng là một trong số ít nhà văn được NXB Trẻ chọn mời ký kết hợp đồng tác quyền như Sơn Nam, Trang Thế Hy, Nguyễn Huy Thiệp.
Năm 2018, báo chí và khán giả Sài Gòn - TP.HCM đã rất thích thú, khen ngợi vở diễn Sài Gòn có một ngã tư ở Kịch Hoàng Thái Thanh phóng tác từ truyện ngắn Ừ, đi, ừ của nhà văn Trần Kim Trắc. Bởi vở diễn giàu tình người, giàu tính cách con người Sài Gòn mà cái tình, tính cách người Sài Gòn đó đều khiến người xem cảm động, khóc nức nở.