Sài Gòn có một ngã tư là vở kịch mới nhất ở sân khấu Hoàng Thái Thanh. Như thường lệ ở sân khấu này, vở kịch đã khiến người ta cười, người ta khóc, rồi ngậm ngùi, xót xa nhưng sau hết là trong lòng tràn ngập tình yêu thương, chỉ muốn mở rộng lòng ra với con người, cuộc sống quanh mình.
“Hầm bà lằng” phận người
Sài Gòn có một ngã tư rất đậm chất Sài Gòn. Chuyện kịch kể cuộc sống ở một xóm nghèo tại một cái ngã tư nào đó ở Sài Gòn gọi là ngã tư quốc tế. Cái xóm nghèo đó cưu mang những phận người trôi dạt tứ xứ về đây sinh sống. Đó là một cô gái điếm hoàn lương làm nghề đổ rác, là bà chủ chứa giải nghệ bán cà phê, là hai cha con cha chạy ba gác, con đấm bóp dạo, là ông thầy Hai viết đơn mướn, là anh chàng hớt tóc lề đường, cô bán chè, chị bán xôi, ông già mù hát rong… Họ nhiều chuyện, lắm tật xấu nho nhỏ của thị dân nhưng đầy nghĩa khí, hào sảng của người Sài Gòn, người Nam bộ.
Khi có ai đó gặp nạn, họ sẵn sàng chung sức ra tay tương trợ. Khi gặp chuyện bất bằng, họ hiệp sức trừng trị kẻ gian. Trong kịch, cả xóm luôn đứng về cô gái điếm hoàn lương chống lại cha nội đạp ba gác chướng khí, cưng con chó kiểng lượm được hơn thương người. Ông ba gác này luôn chửi mắng cô gái hoàn lương là người yêu của anh con trai làm nghề đấm bóp dạo của mình là “gái”, nói anh con trai làm nhục mình khi muốn “cưới đĩ về làm vợ”. Cứ thế, giấc mơ một lần mặc áo cưới của cô gái nghèo từ nhỏ làm nghề ăn xin, lớn lên bị lừa lọc thành “gái bán hoa” cứ khắc khoải khiến người xem chua xót.
Rồi ông ba gác làm mất con chó, cứ đổ riệt cho cô gái và con trai bắt chó của mình đi bán, khiến hai cha con chửi mắng xào xáo suốt không thôi. Muốn được ông thương, được yên ổn, cô gái chấp nhận đánh đổi để chuộc con chó về bởi tên bán chó đòi một số tiền cô không bao giờ có nổi. Chuyện vỡ lở, cô gái càng bị ông ba gác sỉ nhục, người yêu đánh vì tức giận rồi từ bỏ.
Một không gian Sài Gòn đặc trưng nhiều gợi nhớ trong vở Sài Gòn có một ngã tư. Ảnh: HÒA BÌNH
Đầy chất trượng nghĩa của người Sài Gòn
Tên bán chó bất lương phải nhận một giá đắt khi bị một trận đòn nhừ tử, bị lấy mất một số tiền lớn khi người dân trong xóm hay chuyện. Việc cô gái bán mình chuộc chó vì thương người yêu, vì không muốn cha con người yêu xào xáo cũng được sáng tỏ. Những con người của xóm nhỏ Sài Gòn ấy lại đầy hào sảng, nghĩa tình thương yêu nhau, chấp nhận nhau, rồi ông già nhận cô gái làm con dâu…
Lạ một nỗi là tên bán chó sau khi bị đánh nhừ tử vì hành động xấu vẫn được trả lại tiền, bởi đó là tiền của nó. Nó còn gửi lại một số tiền lớn mừng đám cưới của đôi tình nhân nghèo, cô dâu hốt rác, chú rể đấm bóp dạo với câu nói rất người Sài Gòn - Nam bộ: “Tui cũng là người chứ bộ gỗ đá gì sao mà không biết cảm động”.
Vậy đó, Sài Gòn có một ngã tư đã kết thúc đầy chất Sài Gòn - Nam bộ, đầy tình thương yêu như thế để thấy đời rất đẹp, rất đáng sống dù còn đó bao nghịch cảnh nhiễu nhương.
Một lần nữa, bên cạnh dàn nghệ sĩ gạo cội của Kịch Hoàng Thái Thanh gồm Thành Hội, Ái Như và một lực lượng trẻ giỏi nghề, cặp đôi ăn ý Hoàng Vân Anh - Đoàn Thanh Tài đã đem lại cho người xem những nhân vật hay, những giây phút giàu lắng đọng, thương yêu ở một câu chuyện tình đẹp, sắt son. Riêng Thái Quốc, vừa mới gia nhập Hoàng Thái Thanh không lâu đã ngày càng trở nên duyên dáng, đặc biệt hơn với vai ông già mù đờn, hát vọng cổ ngọt xớt trong vở.
Hồn văn đặc quánh Nam bộ Sài Gòn có một ngã tư được nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc và tác giả Hoàng Thái Thanh chuyển thể từ truyện ngắn Ừ đi. Ừ! của nhà văn đặc trưng Nam bộ Trần Kim Trắc. Bởi thế nên chất Sài Gòn - Nam bộ đặc quánh trong vở ngay từ đầu. Đạo diễn Thành Hội đã đem đến đầy đủ cung bậc khóc cười, cảm động, thăng hoa cho vở diễn. |