Nếu ai gặp nghệ sĩ Phương Quang ngoài đời mà không biết ông chắc sẽ nghĩ ông là một công chức hay nhà giáo. Bởi Phương Quang lúc nào cũng ăn mặc chỉn chu, nói năng nhỏ nhẹ, cư xử chuẩn mực, khiêm tốn và thường lặng lẽ khép mình.
Lửa nghề hừng hực ẩn trong nét hiền
Trong giới nghệ sĩ, Phương Quang là một người hiền với lối sống không bon chen, không hơn thua, không tranh giành, không tụ tập, vui chơi, nhậu nhẹt. Ông thường nói về cuộc sống của mình trên mặt báo như sau: “Mỗi buổi chiều gia đình tôi thường quây quần bên mâm cơm trong tiếng cười hạnh phúc. Đó là niềm vui, sự hài lòng và cũng là bệ đỡ vững chắc của tôi trên con đường sự nghiệp”.
Nhiều đồng nghiệp nhắc đến Phương Quang cũng thể hiện sự cảm mến với câu nói quen thuộc: “Anh Phương Quang hiền”. Vậy nhưng nếu đồng nghiệp hay phóng viên có dịp nói chuyện với ông về nghề nghiệp thì sẽ thấy một Phương Quang khác hẳn. Ông trở nên sôi nổi, luôn toát ra một tâm huyết hừng hực với nghề và lắm nỗi trăn trở với nghiệp diễn của mình, của sân khấu cải lương.
Rời xa sân khấu từ lâu, cũng ít nhận show đi hát như các nghệ sĩ đương thời nhưng mỗi lần xuất hiện là Phương Quang luôn giữ gìn kỹ càng trong ca diễn, không để khán giả có điều gì chê trách, thất vọng.
Nghệ sĩ Phương Quang, một người hiền hừng hực lửa nghề. Ảnh tư liệu
Giữ mình trong thời buổi sân khấu nhiễu nhương, Phương Quang luôn mang một nỗi buồn về nghề nghiệp. Ông nói: “Ngày xưa nghệ sĩ chúng tôi theo đoàn tập luyện rất là kỷ luật, hợp đồng ca diễn với bầu gánh rất chặt chẽ. Chỉ cần trễ nải tập luyện, hay đi diễn không đúng giờ là bị phạt hợp đồng, thậm chí hầu tòa. Vậy nên thời đó cải lương mạnh, nghệ sĩ ca diễn hay và hơn hết là phải có tài nữa. Đào kép chánh ngày xưa mỗi người đều gánh trên vai tên tuổi, cơm áo gạo tiền của cả đoàn, cả anh em nên sống có trách nhiệm với nghề nghiệp, tập thể hơn bây giờ rất nhiều. Nghệ sĩ bây giờ nhiều bạn trẻ mang danh là ngôi sao chỉ sống cho mình là nhiều. Sân khấu không nghiêm, ca diễn không nghiêm, không trau dồi nên cải lương, cái nghề đi xuống, đoàn hát, cải lương đi xuống”.
Anh kép hiền có giọng ca ảo não
Phương Quang sinh năm 1942. Ông vào nghề năm 18 tuổi với lợi thế là có một giọng ca giống ông vua vọng cổ đương thời Út Trà Ôn. Chính nghệ sĩ Út Trà Ôn - thần tượng của Phương Quang - khi nghe tin có anh kép trẻ ca giống mình đã bỏ số bạc lớn vào thời đó mời Phương Quang ký hợp đồng hát cho đoàn cải lương Thống Nhất của ông. Từ đây Phương Quang nổi lên với vở Trăng lên ngoài cửa ngục diễn cùng Út Trà Ôn.
Năm 1964, bà bầu Kim Chưởng bỏ số tiền cao gần gấp đôi Út Trà Ôn “bắt” Phương Quang về đoàn cải lương đại bang Kim Chưởng. Từ đây Phương Quang trở thành một anh kép chính nổi danh hát cặp với Phượng Liên. Giọng ca ảo não của Phương Quang, cái chất hiền hiền ở Phương Quang được phát huy tối đa trong những tuồng cải lương hương xa đầy màu sắc diễm tình mà Phương Quang thường vào vai những chàng hiệp sĩ có một tình yêu bi thương nhưng đầy hy sinh, cao thượng.
Khán giả giai đoạn này nhớ Phương Quang với những vở tuồng như Hai chiều ly biệt, Ảo ảnh Châu Bích Lệ, Song long thần chưởng, Huyết phiến lôi phong, Mặt trời đêm, Người nhạn trắng, Sương gió biệt vương cung…
Năm 1966, Phương Quang đoạt giải Thanh Tâm - giải thưởng danh giá nhất của cải lương đương thời, ghi dấu tên mình vào thế hệ những nghệ sĩ cải lương thời rực rỡ nhất.
Sau năm 1975, Phương Quang được mời tham gia Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cùng với những nghệ sĩ danh tiếng hàng đầu như Năm Châu, Phùng Há, Bạch Tuyết, Thanh Sang, Ngọc Giàu, Minh Vương, Lệ Thủy, Hồng Nga… Ở đây, giọng ca ảo não, sầu tình của Phương Quang một lần nữa lại đốn tim hàng triệu khán giả cả nước với vai vua Riêm trong vở cải lương Nàng Xê Đa. Mỗi khi Phương Quang cất giọng ca nức nở: “Hỡi kinh thành A Ốt Ki Da…” là khán giả xao xuyến nhớ nhung. Vai diễn này nhờ màn ảnh nhỏ mà đã đi vào tim triệu triệu khán giả khiến nhiều người mãi nhớ đến ông.
Những năm 2000, khi còn khỏe, mỗi kỳ hội diễn cải lương toàn quốc tại TP.HCM, rất dễ bắt gặp nghệ sĩ Phương Quang chịu khó đi xem hầu hết các vở diễn của các đoàn. Dù là một nghệ sĩ tài danh bậc thầy, ông vẫn nói mình đi xem để học hỏi. Mỗi khi ngồi giám khảo giải Trần Hữu Trang, những lời nhận xét của Phương Quang đều kỹ càng, cẩn trọng với một tinh thần trân trọng nghề nghiệp, đòi hỏi chuyên môn cao ở nghệ sĩ trẻ. |