Trong lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954-1975, có một nhóm xã hội đặc biệt xuất hiện ở miền Bắc, đó là những học sinh (HS) miền Nam. Nhóm này khoảng 30.000 HS, được đưa từ miền Nam ra để đào tạo nhằm chuẩn bị lực lượng cho công cuộc tái thiết miền Nam sau ngày thống nhất đất nước.
Đã có một số sách vở viết về HS miền Nam, trong đó quyển HS miền Nam - Tư liệu và Kỷ niệmdo một nhóm HS Trường HS miền Nam Vĩnh Phú tổ chức (Cao Văn Dũng - tức nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh - chủ biên, xuất bản năm 2016) đặt vấn đề nghiên cứu HS miền Nam một cách toàn diện và khoa học. Trong công trình nói trên, HS miền Nam được phân loại rõ ràng và phân chia thành ba thế hệ, đánh dấu một bước tiến trong việc nghiên cứu HS miền Nam.
Để khắc họa sâu hơn về một nhóm thuộc thế hệ thứ hai (xuất hiện trong thời gian 1959-1969), thế hệ tiêu biểu nhất của cộng đồng HS miền Nam, mới đây HS Trường HS miền Nam Vĩnh Phú lại cho ra mắt quyển Trường HS miền Nam Vĩnh Yên Vĩnh Phú 1968-1972 (NXB Văn hóa-Văn nghệ). Sách này cũng do Cao Văn Dũng chủ biên.
Các học sinh miền Nam ở Trường Học sinh miền Nam đóng ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc trước năm 1975. (Ảnh tư liệu của trường)
Quyển sách gồm ba phần chính là Tư liệu, Kỷ niệm và Kỷ yếu. Phần Tư liệu gồm 100 tư liệu lưu trữ được chọn lọc liên quan đến tổ chức, hoạt động và sinh hoạt, học tập, việc nuôi dạy HS của trường. Phần Kỷ niệm gồm những bài viết, thơ, ca khúc của hơn 20 HS, giáo viên của trường về các thầy cô giáo, bạn bè và cha mẹ họ, những người có ảnh hưởng tới quá trình hình thành tính cách, sự trưởng thành về nhận thức và số phận nhiều HS của trường. Phần Kỷ yếu ghi lại tiểu sử tóm tắt của HS, một số giáo viên và những người quản lý, giáo dưỡng đã có công nuôi dạy HS của trường trên cơ sở các tư liệu thu thập được.
Lúc 8 giờ sáng nay, 14-4, tại Câu lạc bộ Lan Anh (291 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10, TP.HCM) sẽ diễn ra buổi ra mắt sách Trường HS miền Nam Vĩnh Yên Vĩnh Phú 1968-1972 (ảnh). |
Tuyệt đại đa số HS Trường HS miền Nam Vĩnh Phú thuộc thế hệ thứ hai, bị tách khỏi sự chăm sóc, dạy dỗ của gia đình khi còn rất nhỏ, ở lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới, chưa biết cha mẹ là ai, làm gì ở miền Nam và được đưa ra miền Bắc để làm gì. Bị tách khỏi cha mẹ, gia đình, người thân, đám trẻ ấy được đưa vào môi trường sống tập thể trong giai đoạn ác liệt của chiến tranh ở cả hai miền Nam, Bắc. Những thiếu thốn, bất cập đã tác động rất lớn không chỉ tới kết quả dạy và học, sự phát triển bình thường của các HS mà còn tới cả quá trình hình thành nhân cách và cá tính mỗi người, đồng thời góp phần quyết định số phận của họ sau này.
Tuy nhiên, với tâm huyết của đội ngũ giáo dưỡng, sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của chính quyền từ trung ương tới địa phương cũng như sự bảo bọc của nhân dân Vĩnh Phú, đặc biệt là với nhận thức về truyền thống gia đình, nhiều HS Trường HS miền Nam Vĩnh Phú sau này đã có những đóng góp không nhỏ cho đất nước.
Ngoài ý nghĩa như một cái nhìn lại quá khứ của chính mình, quyển sách ra đời trùng với dịp kỷ niệm 50 năm HS miền Nam về học tập tại Vĩnh Phú còn có ý nghĩa như lời tri ân của HS miền Nam đối với chính quyền và nhân dân Vĩnh Phú thời gian 1968-1975.
Vài nét về Trường Học sinh miền Nam Vĩnh Phú Trường HS miền Nam Vĩnh Phú (1968-1972) hình thành trên cơ sở hai ký túc xá HS miền Nam từ Quế Lâm (Trung Quốc) được đưa về nước học tập vào tháng 8-1968, chính thức thành lập vào tháng 9-1969 và dời tới thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc (đóng ở Trường Đảng tỉnh trên bờ Đầm Vạc). Trong cộng đồng HS miền Nam, HS của trường là một nhóm đặc biệt, phần lớn thuộc thế hệ thứ hai, là con em của nhiều liệt sĩ, cán bộ cách mạng nổi tiếng hoạt động ở miền Nam trước tháng 4-1975. Trước tháng 4-1975, HS của trường đã có sáu lớp tốt nghiệp phổ thông. Từ năm 1975 đến nay, trong hơn 350 người trước sau là HS của trường, có 40 người là thứ trưởng, cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh/thành, quan chức ngoại giao, sĩ quan cao cấp trong quân đội và công an, tiến sĩ, giáo sư, thầy thuốc ưu tú… |