Dù những mái đầu đã bạc sau mấy mươi năm hòa bình nhưng trong lòng họ vẫn vẹn nguyên những câu chuyện từ thuở chân ướt chân ráo bước vào học tập ở các trường học sinh (HS) miền Nam trên đất Bắc.
Xa gia đình, xa quê hương, những đứa trẻ đã cùng nhau lớn lên. Có thể nói mỗi HS miền Nam là mỗi số phận không ai giống ai nhưng tựu trung họ đồng cảm với nhau ở những mất mát tuổi thơ, tình cảm gia đình. Chính vì vậy, tình cảm bạn bè là thứ tình cảm chủ yếu đã thay thế những quan hệ xã hội khác, là chỗ dựa đưa cộng đồng HS miền Nam vượt qua những nỗi mất mát, bi thương, giúp họ trưởng thành.
Những câu chuyện không bao giờ dứt giữa những người từng là học sinh miền Nam.
Trong số đó, có một cựu HS đặc biệt đến từ Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Thủ Đức. Ông tên là Thái Công Liêm, bạn bè hay gọi là Liêm “trắng” bởi vẻ đẹp trai, thư sinh.
Liêm “trắng” không may mắc bệnh phong và đã từng đóng đinh vào đầu để tự tử. Biết Liêm bị bệnh nhưng bạn bè vẫn quan tâm, học cùng, chơi cùng nhưng chiến tranh phá hoại lần thứ hai nổ ra, trường quyết định trả Liêm lại cho bệnh viện để lại kỷ niệm buồn cho tất cả HS Trường Vĩnh Yên.
Sau này, Liêm cũng lập gia đình và có con nhưng do di chứng của lần đóng đinh mà phát bệnh tâm thần nên gia đình đưa vào trung tâm để điều trị. Hằng năm bạn cũ vẫn tới thăm Liêm. Hôm nay, ông Liêm không nói được nhiều nhưng rất tươi tỉnh và vui vẻ khi gặp lại bạn cũ.
Ông Thái Công Liêm (giữa) vui vẻ khi gặp lại bạn cũ.
Lịch sử đã sang trang từ sau ngày 30-4-1975, trường học giải tán, mỗi HS miền Nam bắt đầu một hành trình mới, tuy nhiên không tránh khỏi những hụt hẫng. Có những người đã không còn gặp lại người thân của mình hoặc khi quay trở về chính nơi mình sinh ra bỗng cảm thấy lạc lõng.
Khi lần giở những trang sách, mỗi cựu học sinh miền Nam như bắt gặp chính hình ảnh mình trong đó.
Từng học ở trường HS miền Nam ở huyện Đông Triều, Quảng Ninh, ông Tống Quang Anh thú nhận cứ mỗi khi về thăm trường cũ là luôn có cảm giác xúc động còn hơn khi trở về quê hương của mình. Những năm sơ tán ở Đông Triều, tình cảm của người dân đã cho ông cảm giác như ở gia đình, giúp ông nguôi ngoai đi nỗi trống vắng, nhớ nhà, nhớ quê biết bao.
Ông Tống Quang Anh luôn xúc động khi trở về Đông Triều.
Được cha gửi ra Bắc học tập khi mẹ vừa mất khi chưa đầy bảy tuổi, ông Phạm Quốc Tâm đã không có cơ hội sum vầy gia đình khi cha ông cũng hy sinh vào năm 1973.
Ông thừa nhận ngày trở về quê hương, ông không cảm thấy mình thuộc về nơi đó bởi kỷ niệm tuổi thơ đã rơi rớt ở nơi khác. Ông ít biết về cha mẹ mà biết về bạn bè nhiều hơn, chẳng hạn như người lính bảo vệ của cha ông trong kháng chiến, một bà chị hoàn cảnh như ông đã là cứu cánh tình cảm giúp ông vượt qua tất cả.
“Khi làm cuốn sách, chúng tôi muốn nói chúng tôi là một phần lịch sử. Có thể vết thương sẽ còn mãi khi lìa đời nhưng chúng tôi không oán trách ai cả vì tôi hiểu số phận của chúng tôi gắn liền với số phận của lịch sử. Quan trọng là chúng tôi đã cố gắng lớn lên, trưởng thành, thành người có ích cho xã hội” -ông Tâm tâm sự.
Nếu như hàng vạn đứa con phải rời gia đình để sống tự lập từ thuở bé thì cũng chừng ấy những người làm cha làm mẹ chung nỗi đau khi xa lìa những đứa con thơ. Một trong số đó là trường hợp người mẹ Lê Thị Thu phải gửi hai con vào học trường HS miền Nam năm 1973, khi được phân công lên đường vào miền Nam đúng vào ngày Hiệp định Paris năm 1973 được ký tắt.
Trước đó, bà cũng được đưa ra Bắc học tập và sinh hai con ở Hà Nội, chồng bà đi chiến trường miền Nam từ năm 1963, đã 10 năm không gặp. Bà nhớ lại: “Dưới gốc cây dẻ, ba mẹ con chia tay nhau. Tôi lên xe đạp về Hà Nội, Phương Đông chạy theo khóc, tôi không dám ngoái lại, nghe tiếng con đằng sau, đường làng quanh co, bao nhiêu lần đạp là bấy nhiêu lần nước mắt trào rơi. Ngày đi dọc Trường Sơn vào Nam, tôi cũng gặp những đứa trẻ nhỏ trạc tuổi con, thất tha thất thểu bước mà xúc động vô cùng. Chính vì vậy mà tôi rất thấu hiểu cảnh nhớ cha mẹ của các em và nỗi nhớ con của các bậc cha mẹ. May mắn thay, sau ngày 30-4-1975 gia đình chúng tôi đã được sum họp”.
Bà Lê Thị Thu và con Huỳnh Phương Đông, được gửi vào trường học sinh miền Nam lúc 10 tuổi.
Nói thêm về trường HS miền Nam, năm 1954, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, hòa bình được lập lại, Đảng và Nhà nước đã thành lập hệ thống trường HS miền Nam trên đất Bắc. Trường dành riêng cho các em nhỏ miền Nam (từ 4-5 tuổi đến 16-17 tuổi) là con em cán bộ, bộ đội, các gia đình chính sách được các địa phương ở miền Nam chọn gửi ra để học tập, vừa chuẩn bị cho việc xây dựng miền Bắc vừa cho việc tiếp quản miền Nam. Ước tính có 32.000 HS miền Nam đã ra Bắc học tập cho đến ngày thống nhất đất nước 30-4-1975.
Học sinh miền Nam - Tư liệu và Kỷ niệm (NXB Văn hóa - Văn nghệ) là một trong những quyển sách về cộng đồng này. Sách do một nhóm HS Trường HS miền Nam Vĩnh Yên thời gian 1968-1972 tổ chức biên soạn, chủ biên là Cao Văn Dũng, tức nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh.