NHỮNG ĐỨA CON CHỊ ÚT TỊCH - TRANG SÁCH, TRANG ĐỜI (KỲ CUỐI):

Từng là “hạt giống đỏ”...

Từng là “hạt giống đỏ”... ảnh 1Khu tưởng niệm chị Út Tịch đang xây dựng ở xã Tam Ngãi (Cầu Kè, Trà Vinh).

    Tuổi thơ dữ dội

    Trong “Người mẹ cầm súng”, vợ chồng chị Út Tịch cưới nhau năm 1951 và sinh được 6 người con, sau đó mất 2 người, Lâm Thanh Hùng là con út. “Tuy nhiên sau đó, má tui sinh thêm 2 đứa nữa là Lâm Thị Đông Xuân và Lâm Thị Xuân Hồng nhưng hiện chỉ còn lại Xuân Hồng do Đông Xuân cũng đã mất trong một trận bom”, “Hiển ngọng” nói. Ông Bảy Thiên nhớ lại: “Khi cô út Xuân Hồng sinh ra được 14 ngày thì chị Út Tịch hy sinh tại Gò Quao (Kiên Giang) do bom B.52 Mỹ ném ngày 27.11.1968. Trong trận đánh này, Xuân Hồng bị bom hất xa hàng chục mét nhưng may mắn không bị thương, chỉ bị vài vết trầy xước nhẹ trên da”. Sau khi chị Út Tịch hy sinh, chị em “Hiển ngọng” được chia ra gửi nhờ khắp nơi, không ai gặp mặt ai. Năm 1970, “Hiển ngọng” và chị Lâm Thị Kim Anh được Quân khu 9 bí mật đưa ra Hà Nội. Do hai chị em đều được tổ chức đưa đi riêng nên mãi đến khi tập trung tại Trường học sinh miền Nam số 8 ở Tam Đảo, hai người mới gặp nhau. “Hiển ngọng” kể bạn cùng lớp, cùng trường với anh hồi ở trường học sinh miền Nam giờ phần lớn là cán bộ chủ chốt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. “Hồi sập cầu Cần Thơ năm 2007, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào kiểm tra có ghé về đây thăm tui và cho con bé Quyên Quyên 20 triệu đồng”.

    Ngày 14.5.1974, Huyện đội phó Cầu Kè - anh Lâm Văn Tịch - hy sinh tại quê nhà. Anh Hiển và Kim Anh lúc đó đang học ở Liên Xô (cũ) nên không biết tin cha mất. Tháng 9.1975, Kim Anh và Hiển từ Liên Xô trở về và “Hiển ngọng” tiếp tục học Trường Thiếu sinh quân Quân khu 9. Rời trường Thiếu sinh quân, “Hiển ngọng” về công tác ở quân khu 9. Gặp lúc biên giới Tây Nam có biến, “Hiển ngọng” cùng một người bạn… trốn đơn vị lên biên giới Tây Nam xin đi bộ đội để đánh quân Pôn Pốt. Nhưng chỉ đi được mấy hôm thì bị bắt về, rồi xin chuyển về làm Thuế vụ tỉnh Cửu Long (cũ), nay là Vĩnh Long. Ở cơ quan này không bao lâu, thấy ông trạm trưởng cấp trên do “ăn dày” quá nên bị giang hồ “xử”, “Hiển ngọng” ngán quá xin chuyển tiếp về Phòng Chính trị tỉnh đội Trà Vinh, sau đó chuyển lần nữa về làm Phó Công an thị trấn Cầu Kè, cấp dưới của ông Bảy Thiên.

    “Hiển ngọng” bảo, “tui không làm chính trị, không làm nhà nước được ở đâu lâu, vì con mèo chạy ngang qua mà bắt tui gọi là con chó thì đời nào tui chịu”. Đã thế, trong người “Hiển ngọng” còn có chất ngang tàng, gan dạ, không sợ ai của cha mẹ và cả sự “hảo hớn” của người miền Tây. Và chút nữa thì anh tự gây hoạ vì tính cách này.“Đó là một ngày sau cơn bão lịch sử làm hàng trăm người chết ở Cà Mau năm 1997 - ông Bảy Thiên nhớ lại - do bị trừ lương để ủng hộ đồng bào bị bão không thoả đáng thế nào đó mà hắn mang súng tìm chủ tịch huyện lúc đó đang họp và bắn chỉ thiên mấy phát làm cả hội trường chạy toán loạn”. Sau vụ đó, “Hiển ngọng” bị buộc chuyển ngành và “về vườn” luôn cho đến giờ. “Hắn quậy lắm. Trước làm cán bộ đã quậy, sau làm dân thường còn quậy hơn do bất mãn, cùng đường. Cũng may là hắn chỉ quậy cán bộ chứ không quậy dân”, ông Bảy Thiên nhớ lại những thành tích bất hảo của “Hiển ngọng”.

    “Má Út không để lại gì cho con ngoài danh tiếng Anh hùng...”

    Trong số 6 người con còn lại của vợ chồng chị Út Tịch, chỉ cô lớn Lâm Thị Bé, nhân vật Bé Ba trong truyện được miêu tả rất ấn tượng khi “… mới mười tuổi. Nó bồng hết em này đến em khác. Hông nó cũng sần sượng, nổi chai. Bữa cơm, nó nhường hết thức ăn cho em. Nó nhường riết đến nỗi bây giờ không biết ăn thịt cá...” là người thành đạt nhất. Từng công tác tại Quân y Viện 121, giờ chị Bé Ba là bà chủ một khách sạn có tiếng ở thành phố Vĩnh Long. Cô em kế Lâm Thị Mỹ Thanh đang sống và buôn bán ở thành phố Trà Vinh. Cô Lâm Thị Kim Anh sinh sống ở xã Hoà Ân (Cầu Kè). Trước đây, Kim Anh từng công tác ở Hội Phụ nữ huyện Cầu Kè, sau xin nghỉ về nhà mở quán nhậu và nhà trọ. Cô em út Lâm Thị Xuân Hồng sống tại xã Tam Ngãi. Còn anh Lâm Thanh Hùng, nhân vật “còn bú” trong truyện, là con út nên được các anh chị “ưu tiên” cho ở căn nhà tình nghĩa do địa phương hỗ trợ xây dựng làm nơi thờ cúng vợ chồng chị Út Tịch ở xã Tam Ngãi. Ngoài nhà tình nghĩa, mới đây anh Hùng còn được địa phương cấp 3 công đất vườn trồng cam, bưởi. Vợ anh, chị Phạm Thị Rết chuyên đưa đò qua sông Rạch Lá nối bến Bà Mi với ấp Ngãi Nhất của xã Tam Ngãi. Bến Bà My cũng là nơi năm xưa, chị Út Tịch đã viết nên những kỳ tích lịch sử. Ấn tượng nhất là hình ảnh những con sóng như con bò chồm lên trong mưa bão, Út Tịch bị đắm đò, tay nắm đứa con nhỏ đưa lên cao, tay đẩy xuồng cho hai đứa lớn bám vào. Lên bờ còn chọc lét cho con cười ói nước ra… Và nếu như ngày xưa, Bé Ba thay mẹ ẵm bồng các em, thì ngày nay, cũng chính Bé Ba là người “đỡ đầu” cho các em và cháu là con của “Hiển ngọng”, Thanh Hùng, Kim Anh…

    Hôm gặp chị Kim Anh trên thành phố Trà Vinh, chúng tôi thắc mắc, Cầu Kè quê hương chị Út Tịch bây giờ là vùng đất màu mỡ, ruộng vườn bạt ngàn nhưng vì sao tất cả chị em nhà “Hiển ngọng” lại chẳng ai có ruộng đất, toàn kiếm sống bằng nghề kinh doanh buôn bán? Chị Kim Anh cười buồn: “Chiến tranh ly tán bao nhiêu năm, với lại má Út nay đây, mai đó đánh giặc suốt ngày, làm gì có đất ruộng như người khác. Má Út gần như không có gì để lại cho con cái làm vốn ngoài danh tiếng Anh hùng của mình. Dân gian bảo mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm. Đằng này chị em tui mồ côi cả cha lẫn mẹ, nên cuộc sống khốn khó vô cùng. Những năm đầu giải phóng, chị Bé Ba về gom mấy chị em lại một chỗ trong tình cảnh không nhà cửa, phải sống nhờ sự cưu mang đùm bọc của xóm làng, đặc biệt là các đồng đội, chỉ huy của má năm xưa. Thời đó đói ăn đến mức, có lúc mấy chị em tưởng không qua nổi”. Ông Bảy Thiên cũng xác nhận về chuyện không có đất của chị Út Tịch: “Khi chuẩn bị xây khu lưu niệm cho chị Út Tịch, lãnh đạo địa phương nhờ tui đi tìm nhà cũ của chị Út để xây lại trên nền đất đó. Tui trả lời xây dựng ở đâu trên đất Tam Ngãi này cũng được bởi chị Út Tịch đi chiến đấu khắp nơi ở đồng bằng, làm gì có nhà có đất ở đâu mà tìm. Ở Tam Ngãi này, ngày trước chị có căn chòi tạm ở ven sông, nhưng chỉ ở một thời gian ngắn và giờ cũng mất dấu tích rồi”.

    Vì sao các con chị Út Tịch, trong đó có nhiều “hạt giống đỏ” như “Hiển ngọng”, Kim Anh… lại không trở thành những người thành đạt như từng được mong đợi - không phải là câu hỏi dễ trả lời. Bởi cũng có thể, sự nổi tiếng và cái bóng Anh hùng quá lớn của chị Út Tịch vô tình đè nặng lên cuộc đời các con. Cũng có thể chị Út Tịch hy sinh quá sớm khiến họ mất điểm tựa, cộng với sự thiếu nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Cũng có thể những “hạt giống đỏ” đã không được chăm sóc đúng cách, như lời ngần ngừ thú nhận sau tiếng thở dài của ông Bảy Thiên: “Ngay chuyện đất đai nhà cửa, không chỉ thằng Hiển mà cả con Kim Anh, hồi đó tui cũng xúi nó “chiếm” đại một miếng đất hoang nên mới có nhà để ở như bây giờ…”.

    Theo HOÀNG VĂN MINH - HỮU DANH (Lao động)

    Đừng bỏ lỡ

    Video đang xem nhiều

    Đọc thêm