Ông Trần Minh Sơn (Bảy Sơn), nguyên Tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn, là người duy nhất trong lực lượng chỉ huy đầu tiên của Quân khu Sài Gòn - Gia Định còn sống. Ông được mệnh danh là “bộ não” của biệt động Sài Gòn, người kiến tạo và tổ chức những trận đánh táo bạo nhất vào các cơ quan đầu não của địch.
Tiếp xúc với ông vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử, nghe ông kể về cuộc chiến đời mình, ôn lại những được - mất, mới thấy chiều sâu trong lý tưởng cách mạng và cống hiến của ông cuối cùng là để hiện thực khát vọng thống nhất, hòa bình.
Những ngày cuối cuộc chiến
Nói về vai trò của biệt động Sài Gòn trong những ngày tháng kết thúc cuộc chiến, ông Bảy Sơn đánh giá: “Do sự sáng suốt của Thành ủy, cụ thể là của Bí thư Mai Chí Thọ nên ông kêu tôi dặn dò rằng tiếng súng bắt đầu ở Buôn Ma Thuột và sẽ êm ở Sài Gòn”.
Trên tinh thần đó, ông Mai Chí Thọ chỉ thị ông Bảy Sơn thực hiện các nhiệm vụ quan trọng gồm chuẩn bị những người rành TP để dẫn đường cho đại quân, phải bảo vệ được 11 cầu trong TP, tìm mọi cách giải tán các phường tự lập của ngụy quân ngụy quyền, chuẩn bị vài tổ thật giỏi để hướng lực lượng chủ lực đánh hai mục tiêu quan trọng là biệt khu thủ đô và tổng nha cảnh sát, khui những kho gạo để giúp đồng bào đang bị đói, kêu gọi quân ngụy và chính quyền ra đầu hàng…
Ông Trần Minh Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Thành đội Sài Gòn - Gia Định, kiêm tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu
Ông Bảy Sơn cho thành lập 60 tổ biệt động để chiến đấu, giữ cầu, điện nước, dẫn đường… “Ngày 30-4, khi ông Dương Văn Minh kêu gọi đầu hàng thì một bộ phận nhỏ của địch co cụm tại nhà thờ Vinh Sơn. Một tổ biệt động tấn công vào nhưng vấp phải sự kháng cự quyết liệt khiến một cán bộ ta hy sinh. Trong bối cảnh này, ta phải điều động Trung đoàn Gia Định đem súng lớn tấn công, địch buộc phải đầu hàng, ta thu súng và bắt tù binh” - ông Bảy Sơn nhớ lại trận đánh cuối cùng.
Trong quá trình tiếp quản, ký ức của ông Bảy Sơn là hình ảnh quân địch rã từng mảng, từng đoàn người từ hướng Xuân Lộc, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Dù… chạy về Sài Gòn. Họ lột hết quần áo, chỉ ở trần mặc quần xà lỏn. Ông kể về tâm thế của người cách mạng trong những ngày cuối cùng ấy: “Lúc bấy giờ ngày 28-4, tôi vô An Lạc thì gặp một đám ở trần đang chạy, tôi dừng lại trương cờ đỏ sao vàng nói thôi giờ yên rồi các em đi về miền Tây lo làm ăn đi, tụi nó dạ rân rồi đi về, bỏ súng ống, quần áo đầy đường…”.
Khi biệt động tiến vào Trường Trung cấp Sư Vạn Hạnh để đóng quân ở đó, lúc này còn kẹt lại 200 học sinh chưa biết đi về đâu. Tận dụng họ, ông Bảy Sơn đã chỉ đạo các học sinh này đi gom súng ống do ngụy quân ngụy quyền vứt đầy đường đem về để tránh các phức tạp xảy ra.
Những ngày ấy, ban chỉ huy biệt động chia làm hai cánh, cánh nội thành do ông Bảy Sơn chỉ huy hoàn thành nhiệm vụ cùng các lõm chính trị xây dựng chính quyền cách mạng thay cho các phường của ngụy trước đây. Việc tiếp sau của biệt động là cùng địa phương làm công việc quản giáo, kêu gọi các sĩ quan, công chức ngụy ra hàng, đăng ký học tập cải tạo trong chủ trương ôn hòa của ta. Ông Bảy Sơn cho hay lực lượng biệt động trong thời điểm này làm nhiệm vụ phục vụ và bảo đảm chiếm giữ các cơ sở hành chính, kinh tế của Sài Gòn và tém dẹp các phường tự quản, tạo điều kiện cho chính quyền cách mạng hình thành lúc mới vào.
Ở tuổi 90, ông Bảy Sơn đang gấp rút viết hồi ký về lực lượng biệt động Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG TUYẾT
Nước mắt sum họp
Nhắc lại cảm xúc của ngày 30-4-1975, ông Bảy Sơn nói: “Con người ta khi mà ước mơ đã thành sự thật rồi thì không có bút mực nào tả hết, toàn là dùng nước mắt với tình cảm thôi, lạ quen gì gặp nhau đều khóc hết cả, đi cách mạng mấy chục năm không được gặp người thân nên khi gặp được vài người trong thân quyến gia đình thì chỉ ôm nhau khóc không kìm được”.
Bồi hồi, ông tiếp: “Con người ta trải qua cuộc đời chinh chiến rồi thì nhiều khi tới những ngày kỷ niệm có những hồi tưởng lại quá khứ, có những quá khứ khủng khiếp chứ không chỉ có niềm vui không đâu. Đó là những trận sắp chết, thấy sinh tử như đường tơ kẽ tóc, giờ nhớ lại nếu trận đó bị vậy thì chắc không còn sống tới ngày nay”. Ông kể có lẽ đáng sợ nhất là sau chiến dịch Mậu Thân bị địch phản kích ác liệt, lực lượng biệt động hy sinh gần hết. Còn ông cùng với một cận vệ trú ẩn ở nhà một cơ sở tại Bình Chánh, xung quanh là sông rạch, đồng không mông quạnh. Nào ngờ địch tràn vào càn quét. “Tôi trốn trong cỏ ở chính giữa đường mương, chỗ tôi nằm chỉ cách địch có hai chục thước, nếu địch đi phía dưới phát hiện nước đục thì đã bắt tôi rồi, không chừng đã ra người thiên cổ”.
Ký ức như được nối dài khi ông kể câu chuyện về chính người vệ sĩ của mình đã hy sinh ở cái tuổi 26 là liệt sĩ Lê Văn Chức khi cùng ông tấn công vào Đại sứ quán Mỹ năm 1968 (trận đánh đã khiến Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán về việc rút lực lượng khỏi Việt Nam). “Tôi làm chủ hôn cưới vợ cho nó, vợ nó tên Điệp. Trước khi đi, Chức dặn dò riêng tôi: “Vợ em đang có chửa, nếu vợ em sinh con trai thì anh dặn lấy tên thằng Công, còn nếu con gái lấy lên là Lanˮ”. Sau trận đánh ấy ông Chức hy sinh, hiện nay vợ ông cùng con gái tên Lan đang sống ở Giồng Trôm, Bến Tre.
“Trong cảnh sum họp đầy nước mắt, tôi lại thấy nhiều gia đình cũng tang thương tang tóc vì anh em nhiều người đã hy sinh. Chiến tranh đã đi qua, thừa hưởng bao giá trị của hòa bình, chúng ta đừng bao giờ quên biết bao chiến sĩ đã ngã xuống cho độc lập, tự do hôm nay” - ông nhìn sâu vào mắt tôi, nói như muốn gửi gắm rất nhiều cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Ông Trần Minh Sơn sinh năm 1927 tại Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ông tham gia cách mạng năm 1947. Trong thời gian công tác tại đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, ông là trưởng phòng nghiên cứu huấn luyện, là người sáng tác phương pháp huấn luyện bịt mặt, ngăn cách người này với người kia nhằm đảm bảo bí mật, được áp dụng trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và nhất là những năm kháng chiến chống Mỹ. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, đến tháng 5-1961 ông cùng đoàn Phương Đông vào tăng cường cho chiến trường miền Nam. Ông giữ chức trưởng phòng tác chiến của Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Ông Bảy Sơn cùng với ông Ngô Thanh Vân (Ba Đen) xây dựng lực lượng biệt động đầu tiên của nội thành mang tên Đội biệt động 159. Theo chỉ đạo của Thành ủy, ông là người chịu trách nhiệm chính xây dựng các hầm chứa vũ khí bí mật, vận chuyển vũ khí vào các hầm này để chuẩn bị cho các chiến dịch mang tầm chiến lược. Tháng 5-1965, trung đoàn chủ lực biệt động Sài Gòn mang bí số F100 ra đời, ông Bảy Sơn là tham mưu trưởng F100. Từ tháng 8-1974, do sắp xếp lại chiến trường nên đổi tên Quân khu Sài Gòn - Gia Định thành Thành đội Sài Gòn - Gia Định, ông Bảy Sơn giữ chức phó tư lệnh Thành đội. Sau 1975, ông làm tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP.HCM. Sau đó về giữ chức phó tham mưu trưởng Quân khu 7. Ông được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý, trong đó có huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba và huân chương Độc lập hạng Nhì. |