NHỮNG “BỘ NÃO” CỦA BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN - BÀI 2

Người tạo ‘vỏ bọc hoàn hảo’

Nếu như không được nghe kể thì hiếm ai biết được người đàn ông râu tóc đã điểm bạc, sống giản dị cùng gia đình trong một con hẻm trên đường Nguyễn Văn Đậu, phường 7, quận Bình Thạnh lại là một người tạo vỏ bọc hoàn hảo cho hàng loạt cán bộ cấp cao, giao liên, trinh sát, biệt động… của ta thời kỳ chống Mỹ.

Phát hiện ngay ra tài năng khi vào bộ đội

Trí nhớ có đôi chút sút giảm sau một trận đột quỵ vào hai năm trước nhưng ông Lâm Quốc Dũng vẫn nhớ như in khí thế hừng hực những ngày đầu tham gia cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất. Vào bộ đội, do có tài khéo léo nên cấp trên cử ông qua Khu ủy Sài Gòn - Gia Định để học nghề làm giấy tờ giả.

Nhờ sự cần mẫn và năng khiếu bẩm sinh, một mình ông Dũng có thể làm hết các công đoạn để hoàn thành một thẻ căn cước mà vốn dĩ trước đây phải cần đến ba người thầy của ông mới thực hiện được. Hoặc mỗi khi những cán bộ quan trọng như ông Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ… đi công tác, cần giấy tờ đòi hỏi kỹ thuật cao thì ông lại bắt tay vào làm.

Câu chuyện mà ông Dũng nhớ nhất đó là lần ông Sáu Cúc, Trưởng ban Quân báo, đi công tác, trước khi đi “đặt hàng” làm giấy “sự vụ lệnh” (là một giấy tờ dùng cho người đi thi hành công vụ). Trên đường về trạm kiểm soát tại Hồng Ngự thì bất ngờ ông bị chặn lại đòi kiểm tra giấy tờ. Nhìn thoáng qua thấy có đám mật vụ, chiêu hồi, ông Sáu Cúc nhanh trí nói thầm với người lính gác yêu cầu gặp người chỉ huy cao nhất. Thoát được cặp mắt dò xét của bọn chiêu hồi, nhờ có giấy “sự vụ lệnh” đặc biệt, ông Sáu Cúc đã đóng vai là một cán bộ tình báo, được đón tiếp niềm nở và sau đó thoát nạn trong an toàn.

Đánh giá tầm quan trọng của công tác làm giấy tờ, ông Trần Minh Sơn (Bảy Sơn, nguyên Phó Tư lệnh thành đội Sài Gòn - Gia Định) nói: “Địch đối phó gắt gao bằng cách lập trạm kiểm soát từ khắp các lộ vào Sài Gòn, dùng những người đầu hàng trùm bao bố để nhận dạng cán bộ của ta. Muốn qua các trạm này phải có giấy tờ do các tỉnh cấp nên công việc làm giấy tờ giả hết sức bí mật cần thiết, đối phương có giấy tờ gì ta cũng phải có. Dù trong căn cứ không có bất cứ phương tiện gì nhưng bộ phận làm giấy tờ của ta đã hết sức kiên trì, công phu. Vì thế trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ không có giấy tờ giả nào của ta bị địch phát hiện, tất cả cũng nhờ vào công lớn của ông Dũng”.

Kể tiếp về người đồng đội chiến đấu trong thầm lặng của mình, ông Bảy Sơn nhìn nhận: Dù là trên mặt trận không tiếng súng nhưng đã tạo thế hợp pháp để chiến sĩ ta ra vào hoạt động lâu dài trong nội thành, kịp thời báo cáo, truyền đạt các yêu cầu, chỉ thị của cấp trên đến từng cơ sở, tiếp cận điều nghiên các mục tiêu trọng yếu của địch. Nhờ có thẻ căn cước giả mà cán bộ của ta đã đi lại hợp pháp để vận chuyển vũ khí vào các kho bí mật trong nội thành, điều nghiên mục tiêu… để thực hiện hàng loạt trận đánh vào các cơ quan trọng yếu của Mỹ ngụy, đặc biệt trong chiến dịch Mậu Thân.

Ông Dũng (bìa phải) với chiếc máy ảnh Roekyplex quen thuộc phục vụ cho việc làm căn cước giả trong căn cứ khoảng năm 1961. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Dũng bên hộp đồ nghề năm xưa mà ông xem như báu vật. Ảnh: TUYẾT KHUÊ

Bị đánh hơi và suýt mất mạng

Tuy chỉ ở căn cứ nhưng suốt thời gian hoạt động cách mạng, ông Dũng cũng không tránh khỏi nhiều tình huống nguy hiểm. Thậm chí khi đánh hơi được ta có người làm giấy tờ giả cực giỏi, ông Dũng nói không biết trong tình huống nào bị phát hiện nhưng Tổng nha Cảnh sát chính quyền Sài Gòn đã chụp được ảnh của ông rồi phóng ra để truy lùng. Thời gian đó biết bị truy bắt nên đi đâu ông cũng cẩn thận ngụy trang thật kỹ.

Sau chiến dịch Mậu Thân, địch thực hiện càn quét, tấn công vào căn cứ khiến ta phải thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, để tạo thế hợp pháp mỗi lần chuyển đến nơi nào thì giấy tờ tùy thân cũng phải thay đổi để trở thành cư dân nơi đó. Vì thế vai trò của ông Dũng càng quan trọng, ông luôn đi theo các đồng chí chỉ huy của quân khu như Tư lệnh Trần Hải Phụng, Phó Tư lệnh Tư Chu… Thời gian đó ông vẫn miệt mài làm căn cước cho các cán bộ giao liên, biệt động để có thể ra vào trở lại thành phố, nối lại liên lạc với các cơ sở trong nội thành.

Ông Dũng kể nhiệm vụ gay cấn nhất là giai đoạn 1969, biết ta làm được và sử dụng căn cước giả nên chính quyền ngụy tiến hành đổi căn cước mới với hình con rồng ở giữa và năm con cá sấu nhỏ ở bên cạnh. Loại giấy này được in trực tiếp bên Mỹ với công nghệ in ấn tiên tiến, con dấu dùng nhiệt độ thích hợp mới đóng được, khi soi kiểm tra sẽ ửng lên màu sáng phản chiếu, ngâm nước cũng chẳng sao. Đặc biệt, trong căn cước sử dụng loại số nhảy đặc biệt, mỗi lần sử dụng sẽ phải ghép lại từng con số rời với mục đích là chống ta làm căn cước giả. Để làm được, ông Dũng đã dùng tay khắc hàng loạt chữ số đặc biệt này mà cho đến tận bây giờ ông vẫn còn nhớ như in từng chi tiết.

Nhiệm vụ khó thực thi

Trước khi cấp căn cước rồng xanh, chính quyền Sài Gòn cũ cấp cho người dân một giấy biên nhận (còn gọi là đuôi căn cước) để tạm thời sử dụng. “Cái đuôi căn cước này chỉ bằng một phần ba tờ giấy A4 nhưng chữ in trong đó không hề bình thường, đó là loại chữ mà ở miền Nam lúc đó không có máy nào làm được”. Trong lúc nhiệm vụ tưởng như bất khả thi thì ta sáng tạo ra nhiều loại giấy khác để đối phó như giấy chiêu hồi để làm bình phong. Nhiều chiến sĩ biệt động của ta đã sử dụng giấy này để tạo thế hợp pháp, điều nghiên đánh vào nhiều mục tiêu của địch như Biệt khu thủ đô, khách sạn Paloma. Sau các trận đánh đó, giấy chiêu hồi cũng hoàn tất sứ mạng vì địch phát hiện.

Trong khi địch đã tiến hành đổi căn cước được nửa năm thì tình báo miền của ta và cả ngoài Hà Nội cũng bó tay khiến mọi hoạt động của ta bị án binh bất động. “Lúc này tôi thật sự tin tưởng vào bản thân mình” - ông Dũng nói và sau một tuần lễ miệt mài nghiên cứu, cuối cùng ông đã khắc được biên nhận căn cước như giấy thật do Mỹ in ấn. Sau khi xem kỹ tờ biên nhận in thử, Tư lệnh Trần Hải Phụng, ông Sáu Cúc phấn khởi vô cùng, từ đó cán bộ ta từ quân khu đến khu ủy đều hoạt động trở lại hanh thông. Cũng nhờ thành tích này mà ông Dũng đã được phong tặng huân chương Chiến công hạng Ba.

Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của cấp trên, ông Dũng còn sáng tạo ra hàng loạt giấy tờ khác để phù hợp cho từng đối tượng, lứa tuổi sử dụng. Như giấy Việt kiều Campuchia hồi hương, mà ông nói chỉ cần mượn bà con trong vòng một giờ đồng hồ là đã làm xong toàn bộ mẫu giấy này. Ông kể vui có lần ông làm lại như thật giấy căn cước của một Việt kiều Campuchia đã chết, khi đi công tác vào nội thành về, cán bộ ta là ông Ba Điều còn khoe: “Tao còn được tụi nó trợ cấp tiền và vài thứ lặt vặt như Việt kiều hồi hương chính hiệu”. Cũng nhờ có giấy Việt kiều hồi hương đã phát huy tác dụng trong thời kỳ địch tiến hành kế hoạch bình định cấp tốc sau năm 1970, ta sử dụng loại giấy này để từng bước chuyển dần lực lượng theo con đường hợp pháp về căn cứ.

Một trường hợp rất day dứt

Nói về công lao của ông Lâm Quốc Dũng, ông Trần Minh Sơn (Bảy Sơn, nguyên Phó Tư lệnh thành đội Sài Gòn - Gia Định) nhận định: “Anh Dũng là người chịu trách nhiệm về mặt giấy tờ giúp tạo thế hợp pháp cho biết bao cán bộ, chiến sĩ, biệt động, giao liên trinh sát hoạt động trong nội đô, cho đến khi cơ quan đầu não của địch bị quét sạch. Công lao đóng góp không gì có thể so sánh được nhưng đến nay đáng tiếc chưa được phong anh hùng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm