Đó là một trong những thông tin được PGS-TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết bên lề hội nghị 20 năm điều trị HIV/AIDS ở Việt Nam sáng 4-12.
Thống kê từ Bộ Y tế, kể từ trường hợp đầu tiên nhiễm HIV được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 12-1990, đến nay cả nước có trên 200.000 người nhiễm HIV còn sống. Số liệu tích lũy cũng cho thấy đã có trên 100.000 người tử vong do AIDS.
Theo bà Hương, đối tượng nhiễm HIV chủ yếu là nam giới (75%). Trong đó tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm đồng tính nam (MSM) khá cao và đang có xu hướng tăng nhanh từ 2,3% lên 10,8% chỉ trong sáu năm. Đây là điều hết sức lo ngại. Bởi nếu số nhiễm HIV ở nhóm đồng tính nam không được can thiệp dự phòng thì trong số 100 người nam quan hệ tình dục đồng giới chưa nhiễm HIV sẽ có bảy người nhiễm HIV.
Để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm, Việt Nam đang đẩy mạnh điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho nhóm có nguy cơ cao như nam quan hệ đồng giới, người chuyển giới nữ.
Một vấn đề khác đáng lưu ý được nêu tại hội nghị là mức độ HIV kháng thuốc. TS Nguyễn Thị Thúy Vân, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhìn nhận mức độ HIV kháng thuốc là cao và khác nhau giữa các quốc gia, đặc biệt là kháng thuốc ARV bậc một ở người bắt đầu điều trị ARV và đã từng sử dụng ARV trước đó. HIV kháng thuốc cao hơn ở nữ giới tại hầu hết các quốc gia.
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, đánh giá cao công tác phòng, chống HIV tại Việt Nam. “Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương có tốc độ tăng bao phủ đáng kể thuốc ARV. Việt Nam cũng rất tích cực sáng tạo trong việc giúp bệnh nhân HIV tiếp cận điều trị” - ông dẫn chứng.
Với những nỗ lực từ Chính phủ và hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế, đến hết tháng 9-2019, cả nước đang điều trị thuốc kháng virus ARV cho trên 142.000 người nhiễm HIV, tăng gần 280 lần so với năm 2004. Trung bình mỗi năm có trên 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị ARV.