Tuần vài buổi, cứ khoảng 11 giờ 30 là cái loa phát thanh phường treo trên cột điện ngay phía trên nóc nhà tôi lại réo ầm ĩ. Mà có phải bật loa là được ngay đâu, hai cái loa cũ kỹ chĩa ra hai hướng còn phải lẹt xẹt mấy phút, rồi phát thanh viên đập đập míc, a lố a lô, đếm một, hai, ba, bốn... một hồi nó mới chịu làm việc. Tiếng rít từ loa thật là khủng khiếp, những người già cả như tôi và mấy cụ trong hẻm được một phen nhức đầu nhức óc.
Nhiều lần loa phường phát đúng lúc đứa cháu nội tôi đang lim dim ngủ trưa nên nó giật mình khóc ré lên đến đỏ cả mặt mũi. Còn nhà tôi và nhà bên cạnh ai muốn nói gì cũng phải hét toáng lên mới nghe. Tivi lúc đó có bật âm thanh hết cỡ cũng chẳng... xi nhê gì. Mấy đứa con tôi phàn nàn: “Ô nhiễm âm thanh!”.
Tại TP.HCM, nhiều nơi vẫn còn cảnh loa trên cột điện như thời bao cấp. Ảnh: TH
Hằng ngày tôi vẫn theo dõi tin tức rất đều qua chương trình Thời sự trên tivi (mà sớm nhất là chương trình Chào buổi sáng trên VTV1 lúc 6 giờ). Do vậy, tôi cảm thấy loa phường đã... hết thời.
Đáng nói là chương trình phát trên loa phường thường không có gì quan trọng và nổi bật. Tùy thời điểm mà nội dung tuyên truyền có khác nhau nhưng quanh đi quẩn lại chủ yếu kêu gọi bà con giữ gìn vệ sinh chung, không bỏ rác bừa bãi, dọn các vũng nước đọng để diệt lăng quăng tránh bệnh sốt xuất huyết, cảnh giác với kẻ gian... Những điều này không phải không có ích nhưng kẹt nổi chẳng có mấy ai thèm nghe. Như vậy có lãng phí quá không?
Ngoài ra, do phát thanh viên của phường không chuyên nghiệp nên hay mắc lỗi. Phần lớn là sai về cách phát âm, dừng, nghỉ không đúng chỗ. Chẳng hạn câu “Xin bà con chú ý đề phòng kẻ gian” người ta lại đọc thành: “Xin bà con/ chú.../ý đề phòng.../ kẻ gian”, hoặc “tiêu diệt lăng quăng” thì cứ thành “tiêu diệt năng quăng”, không nghe thì thôi mà nghe lại bực mình.
Cách đây 20 năm, loa công cộng là phương tiện thông tin hữu hiệu khi nhà nước muốn tuyên truyền chính sách, pháp luật đến người dân. Nhưng ngày nay, tại các đô thị, những phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, sách vở, tivi, Internet... đã phát triển rộng rãi. Trường hợp chính quyền muốn trực tiếp phổ biến vấn đề gì tới người dân thì đã có các buổi họp tổ dân phố thường kỳ.
Vậy có cần thiết giữ lại các loa phường?
NGUYỄN THỊ KỲ (Cư xá trục vớt, quận 2, TP.HCM)