TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, đã khuyến cáo như trên trong tình hình bệnh nhi nhập viện tại khoa gia tăng khi thời tiết trở lạnh.
Theo BS Tuấn, dịch bệnh hô hấp tại miền Nam thường tăng mạnh trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm và giảm dần sau thời điểm này. Tuy nhiên, những ngày qua khi thời tiết trở lạnh, số bệnh nhi tăng trở lại. Hiện tại khoa đang điều trị cho khoảng 240-250 trường hợp gặp vấn đề về hô hấp, tăng nhẹ so với vài tuần trước.
“Hai nhóm bệnh chính trẻ thường mắc phải khi thời tiết chuyển lạnh là các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính như viêm hô hấp trên, viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phổi. Cạnh đó là các bệnh dị ứng đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng và hen suyễn. Trẻ mắc các bệnh này nếu không chăm sóc đúng có thể sẽ gặp nguy hiểm” - BS Tuấn cho hay.
BS Tuấn khuyến cáo ở các tỉnh phía Bắc thời tiết khắc nghiệt hơn, ngoài mặc áo khoác ngoài, cha mẹ cũng có thể trùm nón, đeo găng tay cho trẻ. Tuy nhiên, tránh việc lo lắng mà mặc quần áo quá dày, quá nhiều lớp sẽ khiến trẻ bị khó thở.
Trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp tăng do thời tiết chuyển lạnh tại BV Nhi đồng 1.
Cũng theo BS Tuấn, hiện đang rộ lên trào lưu sử dụng tinh dầu thoa vào các huyệt đạo để phòng ngừa bệnh đường hô hấp cho trẻ. "Cách làm này cũng có hiệu quả nhưng cần tìm hiểu thật kỹ. Da trẻ rất mỏng manh, bôi dầu trực tiếp lên có thể gây bỏng, rộp. Một số loại tinh dầu cũng chứa nhiều thành phần nguy hiểm, nếu bôi quá nhiều, dầu ngấm vào da sẽ gây ngộ độc cho trẻ" - BS Tuấn cảnh báo.
Cũng theo BS Tuấn, khi trời trở lạnh, cha mẹ cần cố gắng giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ dưới 12 tháng hay mắc bệnh lý mạn tính. Khi tắm cho trẻ cần chọn thời điểm ấm nhất trong ngày, đóng kín cửa và tắm từng bộ phận chứ không ngâm toàn bộ cơ thể vào nước. Nếu trời quá lạnh, có thể dùng khăn ướt lau cho trẻ.
Ngoài ra, phụ huynh nên thường xuyên chú ý quan sát trẻ, nếu thấy các triệu chứng như co giật, ngủ li bì, nôn ói, không ăn uống được, sốt cao liên tục trên ba ngày cần đưa ngay đến cơ sở y tế, tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Cha mẹ cần cho con em ăn đủ chất và thực hiện chủng ngừa càng sớm càng tốt, nhất là chủng ngừa cúm, chủng ngừa phế cầu. Nếu chủng ngừa tốt có thể giảm đến 50% nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cho trẻ.