1. Những căn bệnh dễ gặp- khó chữa
Teen nhà mình càng ngày càng quá đầy đủ, mọi điều kiện học hành sinh hoạt đều được đáp ứng và đáp ứng tối ưu. Trong một môi trường mang tính chất “vô trùng” như thế, tạo điều kiện thuận lợi để phát sinh ra các căn bệnh và con bệnh mới.
Bệnh “sao”
Khái niệm “học sinh, sinh viên đại gia” vốn không còn xa lạ với teen thủ đô hoặc các thành phố lớn. Các bạn là con trong những gia đình không chỉ khá giả mà vô cùng giàu có, những thành phần “con ông cháu cha” từ nhỏ đến lớn, ăn sung mặc sướng, đưa đi đón về, không cần lo lắng, bận tâm sách vở mà đường hoan lộ vẫn phẳng lì đẹp đẽ.
Những thành phần thế này, hơn nửa có nguy cơ mắc phải bệnh “sao”, bệnh của con nhà giàu. D.Ngân, đang học 11 trường…. học hành làng nhàng, hiểu biết hạn chế, được cái khoe khoang hợm hĩnh thì chẳng ai bằng. Cũng chẳng ai khó hiểu khi N là con gái cưng của đại gia giàu sụ ở Vĩnh Phúc.
Biết được những thế lợi của mình, N chẳng coi ai gì. Xem mấy thể loại phim ảnh thần tượng ảnh hưởng không nhỏ đến cách xử sự của các “cậu ấm cô chiêu”, cũng kết bè kết phái, chơi theo đẳng cấp gia đình, cũng kết nạp vài ba “đệ tử” đi theo “hầu hạ”…
Các “đại gia nhí” chơi với nhau cũng khác người thường, so ai nhiều của hơn ai, ai chịu chơi hơn ai. Người hiểu biết nhìn vào chỉ biết chép miệng rồi coi đó là sự đương nhiên của tầng lớp lắm tiền nhiều của.
Những con bệnh này cảm thấy bản thân quá sáng chói lóa mà không thể nhìn được ai khác, các lớp bọc đẹp đẽ che kín hết tầm nhìn, coi sự “chảnh” sự “kiêu” của mình là cần để thể hiện đẳng cấp, cái thứ đẳng cấp đặc ân của trời ban mà không phải ai cũng có.
Hãy biết tự phá bỏ lớp "kén" của sự ích kỷ,ỷ lại của chính mình (ảnh minh họa)
Bệnh vô cảm
Với mục đích tốt đẹp, những cuộc từ thiện được phát động để kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người trên mọi phương diện. Thế nhưng, vẫn có nhiều bạn tỏ ra quá hờ hững hoặc thậm chí coi thường đối với những sự kiện từ thiện.
Phương (BC&TT) là một trong những nhân tố lười tham gia từ thiện nhất. Trong khi cả lớp hào hứng rủ nhau đi tham gia phong trào “Đi bộ vì trẻ tự kỉ” (2011) thì Phương cứ luôn mồm thắc mắc “ vì sao chúng mày rảnh thế”, “không có việc gì để làm nữa à”....
Kêu gọi ủng hộ đồng bào lũ lụt P kêu là nhạt nhẽo, rồi cũng chẳng đến nơi người ta đâu, bạn bè hoạt động tình nguyện Hành trình xanh P kêu là rỗi hơi, hội trẻ em khuyết tật thường mang tăm hay bút đến bán thì cũng chẳng bao giờ mua ủng hộ mà còn nói những lời khó nghe.
Sự thờ ơ, lãnh đạm với thế giới xung quanh như thế này xuất phát từ những thói quen. Hàng ngày chỉ ngồi máy tính với thế giới ảo, hạn hẹp giao tiếp, làm gì cũng như cái máy… là một trong những nguyên nhân phát bệnh.
Với các “con bệnh” kiểu này ít ra còn có thể “điều trị” theo nhiều cách. Nhưng nguy hiểm nhất là các con bệnh thuộc loại “hết thuốc chữa”, khi căn bệnh vô cảm ngấm sâu vào máu. Vô cảm với bạn bè, người thân, vô cảm trong cách hành xử và thái độ. Một thế hệ đã tạo dựng cho mình một lối sống sai lầm và tự biến mình thành kẻ “máu lạnh” từ lúc nào không hay.
Bệnh ló đồ
Tâm lí ở tuổi mới lớn luôn có nhiều bất ổn, Ng. Hương đã là sinh viên năm thứ 2 ở một trường đại học danh giá, con một trong một gia đình có điều kiện. Ít ai ngờ được rằng một cô gái tỉnh lẻ xinh đẹp ngoan hiền như thế lại thích ăn cắp vặt.
Dường như đi đâu, H cũng phải tiện tay ló một món đồ nào đó của bạn bè, từ thỏi son, sách vở, đến máy ảnh, máy tính và cả tiền. Thực sự lúc đầu tuyệt đối không có ai nghĩ rằng H làm điều đó, cũng không có lí do gì phải ăn cắp cả.
Thế nên khi tình cờ phát hiện ra, ai cũng bất ngờ, thắc mắc, mọi người cũng dè chừng hơn với N.H. Trường hợp như N.H không hề hiếm và càng ngày càng có xu hướng phổ biến, và nhiều phần trăm trong số đó là các teen con nhà khá giả, không thiếu điều kiện vật chất, việc ăn cắp vặt, lấy đồ chỉ là thõa mãn ham muốn gì đó của bản thân.
Teen bị rối loạn tâm lí dường như không thể làm chủ được hành động của mình, hành động trong như đang ngủ để rồi khi giật mình tỉnh dậy lại thấy hối hận. Đây đã được chứng minh là một hội chứng của bệnh tâm thần, còn được gọi chứng là rối loạn hành vi. Là hành động lúc bộc phát, không hề mong muốn nhưng vẫn phải mang tiếng là ăn cắp, nếu bị phát hiện thì sẽ bị bạn bè tẩy chay.
So với những bệnh trên thì những người mắc bệnh này đáng thương hơn nhiều. Tuy nhiên, lại có trường hợp khi con bệnh không có bệnh, tức là chỉ là bệnh ăn cắp vặt có mục đích, tiêu dùng cá nhân rồi cũng đổ lỗi cho chứng rối loạn tâm lí nói trên. Nói chung, cũng là một thể loại bệnh — bệnh “ăn cắp, la làng”…
Bệnh "để dành"
Thời điểm ra tết, là thời điểm mà con sâu lười biếng trong mỗi người đều hoạt động mạnh mẽ, động đâu để đấy, cái gì cũng từ từ rồi làm, dành hết việc này việc kia cho ngày mai, rồi ngày kia rồi ngày kia nữa.
Mọi dự tính, kế hoạch đều bị trì hoãn không thời hạn, teen đưa bản thân chủ yếu vào những cuộc giải trí, bỏ bê nhiều công việc cần làm. Nói đây là thời điểm nhạy cảm nhưng thực tế không phải chỉ ra tết bệnh này mới phát sinh mà hàng giờ hàng phút của tất cả các ngày trong năm, chúng ta đều có tật dành công việc.
Teen nói chung dường như đều không có thói quen “việc hôm nay chớ để ngày mai”, dù có lên lịch 100 lần thì vẫn làm không xong, mỗi lần chỉ động vào động ra một tí rồi bỏ đấy, lần sau làm tiếp, bệnh này được gọi chung là bệnh “để dành”.
Cái kiểu nói nhiều làm ít như thế này như ăn sâu vào lối sống chung của teen, mọi kế hoạch chỉ đều trong ý tưởng, ngày qua tháng lại, cứ để ngâm cho mềm nhũn hết dự định này đến dự định khác, khi cơ hội qua đi thì chỉ biết tặc lưỡi tiếc rẻ, rồi lần sau cũng cứ như thế.
Không hiểu chúng ta để dành được cái gì khi mà có thể mất đi hàng nghìn giây phút thời gian quý báu. Mỗi người đều có sức ì nhất định, chỉ có ai đủ bản lĩnh để điều khiển được bản thân thoát khỏi sự khống chế của nó thì mới làm nên việc được.
2. Không phải teen nào cũng là con bệnh
Nhưng không phải teen nhà mình đều "mắc bệnh" đâu, có những teen vẫn thật sự “khỏe mạnh” và không hề nhiễm bất cứ một virus nào như trên. Gần đây nhất là “Lễ hội xuân hồng” hiến máu cứu người được tổ chức vào đúng ngày Valentine đã thu hút được 6.000 người hiến máu và đặc biệt có hơn 500 đôi tình nhân tay trong tay chia sẻ giọt máu đào. Một hành động đẹp đẽ và vô cùng có ý nghĩa với tất cả mọi người.
Và xung quanh chúng ta vẫn còn không ít những bạn trẻ sống một lối sống lành mạnh, tích cực, không vô cảm, không “sao”, không tách ra khỏi cộng đồng, hòa mình vào một thế giới chung tốt đẹp.
Những căn bệnh nan y nói trên như loại dịch nguy hiểm có thể ngấm sâu vào mỗi người bất cứ lúc nào mà chúng ta không thể nhận biết được, phòng còn hơn chống, ngay từ đầu, nếu có thể hãy tránh xa chúng ra, sống làm sao để nhiều năm sau nữa, ta không phải cảm thấy hoài phí cho ngày hôm nay.
Theo Thùy Trang (DT/Mực Tím)