Những câu chất vấn không được trả lời hoặc nợ trả lời

Trong hai ngày rưỡi, từ ngày 15 đến sáng 17-11, Quốc hội (QH) đã có các phiên chất vấn với bốn bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ. Đánh giá về các phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có hơn 200 lượt đại biểu (ĐB) đặt câu hỏi chất vấn.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu cuối phiên chất vấn sáng 17-11.

Việc chất vấn đã có những đổi mới, các ĐB đã thể hiện sự nghiêm túc, đặt câu hỏi ngắn gọn. Qua hoạt động chất vấn, những nhóm vấn đề mà QH lựa chọn là xác đáng, các thành viên Chính phủ đã cố gắng trả lời đầy đủ những vấn đề mà ĐB đã nêu ra.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu ra tất cả vấn đề nổi lên sau chất vấn và yêu cầu các bộ, ngành liên quan có biện pháp thực hiện, chấn chỉnh đốc thúc và Quốc hội sẽ có biện pháp giám sát để đáp ứng yêu cầu của cử tri ở mức cao nhất.

PLO điểm lại các câu hỏi chất vấn đã được ĐBQH nêu ra trong các phiên chất vấn đã không được trả lời hoặc nợ trả lời.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương sáng 15-11, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) hỏi: Cách đây bảy năm, khi dư luận và nhiều ĐBQH lo lắng về hiệu quả kinh tế và sự an toàn của các công trình khai thác bauxite ở Tây Nguyên, Bộ Công Thương đã có văn bản giải trình và cam kết trước QH. Thực tế hiện nay cho thấy những lo lắng của dư luận và ĐB là hoàn toàn đúng, thể hiện qua việc thua lỗ, xảy ra một số sự cố tràn bùn đỏ và hóa chất... Bộ trưởng đánh giá những ý kiến giải trình cam kết trước đây của bộ như thế nào? Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề này?
Nghe phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bà Thúy nhận xét phần trả lời của Bộ trưởng “chưa thuyết phục, chưa đi vào câu hỏi” và ông Tuấn Anh sau đó đã “xin trả lời bằng văn bản”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) hỏi: Tình trạng bổ nhiệm, đề bạt cán bộ là người nhà, người thân, người không đủ phẩm chất, năng lực khi bị phanh phui thì đều được trả lời là làm đúng quy trình. Nay xả lũ gây thiệt hại cho dân, đầu tư thất thoát cũng nói làm đúng quy trình. “Tôi cho rằng quy trình không có lỗi, ở đây chúng ta có những cán bộ vô cảm, cán bộ lợi dụng, tha hóa và cha chung không ai khóc đã làm cho quy trình bị tha hóa. Tôi xin hỏi Bộ trưởng, sắp tới Bộ trưởng có mạnh tay xử lý những cán bộ làm tha hóa các quy trình này không và nếu xử lý thì lúc nào xử lý xong?”.

Câu hỏi này Bộ trưởng Công Thương không trả lời.

Trong phần chất vấn liên quan đến dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận), ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) hỏi: “Chủ tịch Tôn Hoa Sen hứa trước Thủ tướng là nếu có sai phạm thì giao toàn bộ tài sản cho Thủ tướng. Tôi cũng đánh giá cao lời hứa này. Tôi không muốn có hệ lụy xảy ra với nhân dân, với đất nước, với Tổ quốc này nhưng nếu được phép, tôi hỏi Bộ trưởng là, nếu sau này có hệ lụy, Bộ trưởng hôm nay có dám cam kết trước QH để hứa rằng sẽ từ chức không?”.

Đáng tiếc, cho đến hết phiên chất vấn, ĐB Lưu Bình Nhưỡng vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Bộ trưởng Công Thương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.


Tại phần chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân chiều 16 và sáng 17-11, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi: “Vụ Trịnh Xuân Thanh là chuyện tày đình, một mình ông Trịnh Xuân Thanh không thể làm được chuyện như đã biết. Xin hỏi Bộ trưởng, nguyên nhân cốt lõi, trách nhiệm chính yếu của Bộ Nội vụ đối với việc này, từ chuyện tặng thưởng huân chương Anh hùng lao động khi ông này còn ở doanh nghiệp xây lắp dầu khí, được đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển về làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cũng như công tác quản lý cán bộ như thế nào để ông này khi bị khởi tố ra đi một cách êm ả nhưng đủ chấn động dư luận trong thời gian qua”.

Ông Minh cũng đề nghị bộ trưởng Bộ Công an trả lời trước dư luận về trách nhiệm của Bộ trong việc theo dõi, giám sát, quản lý đối tượng để ông Trịnh Xuân Thanh lặng lẽ ra đi rồi phải phát lệnh truy nã kiểu "con voi chui lọt lỗ kim" gây bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Không nhận được câu trả lời thỏa đáng, ông Minh chất vấn lần hai: "Tôi hỏi về nguyên nhân cốt lõi và trách nhiệm chính của Bộ Nội vụ như thế nào từ việc tặng thưởng huân chương đến việc luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang? Có bao nhiêu người được luân chuyển kiểu như ông Trịnh Xuân Thanh? Xử lý các trường hợp này như thế nào?

Tôi cũng đặt câu hỏi cho Bộ Công an về vấn đề này. Vì lực lượng công an được ghi nhận là tinh nhuệ, phá nhiều vụ án lớn, thành tích vẻ vang… nhưng cứ xảy ra tham nhũng thì đối tượng lại bỏ trốn. Cử tri nói với tôi, trong danh sách của Interpol chưa có tên ông Trịnh Xuân Thanh" - ông Minh nói.

Câu hỏi này cũng được Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng Tân và Bộ Công an trả lời bằng văn bản vì đã đến giờ dành cho Thủ tướng trả lời chất vấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới