Những câu hỏi trong vụ sinh viên phôtô giáo trình

Chiều 15-2, GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết sau khi cân nhắc bà đã quyết định hạ mức kỷ luật em sinh viên (SV) phôtô giáo trình xuống còn cảnh cáo. Trước đó, vào buổi sáng, hội đồng kỷ luật của nhà trường đã họp xem xét lại mức kỷ luật và có đề xuất với hiệu trưởng về trường hợp này.

Cân nhắc khi hạ mức kỷ luật

Trước khi hội đồng kỷ luật làm việc, em NTNA đã gửi đơn xin giảm mức kỷ luật đến trường. Trình bày với hội đồng kỷ luật, em nhận lỗi rằng mình đã sai khi phôtô giáo trình. Em xin giảm mức kỷ luật để có cơ hội tiếp tục việc học của mình.

Hội đồng đã trình hiệu trưởng xem xét mức kỷ luật mới, giảm từ đình chỉ học tập một năm xuống còn... một học kỳ.

Tuy nhiên, sau đó GS-TS Mai Hồng Quỳ đã ký quyết định kỷ luật ở mức cảnh cáo. Với mức này, em A. có thể đi học bình thường trở lại với lớp của mình chứ không bị... ở lại lớp một năm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS-TS Mai Hồng Quỳ cho biết việc xét giảm có căn cứ vào đề xuất của hội đồng kỷ luật nhưng cũng căn cứ vào thái độ biết lỗi, sửa lỗi, mong muốn học tập và hoàn cảnh khó khăn của SV. Sau khi nghe báo cáo của Phòng Đào tạo về tình hình bố trí lớp và các môn học cho SV NTNA khi hết hạn kỷ luật, hiệu trưởng nhận thấy việc tạm dừng học tập trên thực tế không chỉ là một học kỳ mà sẽ vẫn kéo dài một năm. Do vậy, để tạo điều kiện cho SV, hiệu trưởng quyết định áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Vụ việc xảy ra tại ĐH Luật TP.HCM khiến nhiều người hiểu thêm quy định về quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: TL

Những vấn đề còn bỏ ngỏ

Chiều 15-2, ĐH Luật TP.HCM cũng gửi thông cáo báo chí đến các cơ quan truyền thông đại chúng. Thông cáo tái khẳng định “việc thi hành kỷ luật SV là đúng với các quy định pháp luật và nội quy của nhà trường”.

“Nhà trường đã nhận được những thông tin phản hồi của dư luận xã hội với những quan điểm khác nhau về hình thức kỷ luật này. Bên cạnh những ý kiến đồng thuận về mức kỷ luật, cũng có ý kiến cho rằng hình thức kỷ luật này là quá nghiêm khắc... Tuy nhiên, các thành viên hội đồng kỷ luật khẳng định việc xử lý là cần thiết, hình thức xử lý và mức áp dụng kỷ luật là phù hợp, đúng mực” - thông cáo viết.

Ngoài ra, nhà trường cũng khẳng định: “Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục xử lý nghiêm khắc và có các hình thức kỷ luật cao hơn đối với các hành vi vi phạm quy định về pháp luật sở hữu trí tuệ, quyền tác giả cũng như vi phạm nội quy của nhà trường”.

Đối lập với khẳng định của ĐH Luật TP.HCM, trong một diễn biến khác, cộng đồng mạng, trong đó có khá nhiều luật sư, cựu SV luật, chuyên gia, giảng viên luật vẫn tiếp tục mổ xẻ khía cạnh pháp lý của nội quy Trường ĐH Luật. Theo họ, việc quy định cấm SV thực hiện một số hành vi không có trong quy chế SV (ban hành kèm Thông tư 10/2016) của Bộ GD&ĐT là chưa phù hợp.

Ngoài ra, nội quy không nói rõ mức độ vi phạm tương ứng với hình thức kỷ luật thì có được áp dụng hình thức kỷ luật hay không. Đặc biệt, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu Trường ĐH Luật TP.HCM có phải sửa đổi nội quy hiện hành hay có quyền giữ nguyên và tiếp tục xử lý kỷ luật theo “xem xét” của hội đồng kỷ luật.

Có lẽ những vấn đề nói trên cần được Bộ GD&ĐT rà soát và có ý kiến chính thức để tất cả trường ĐH áp dụng thống nhất.

Trường ĐH không phải là tòa án!

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, một tiến sĩ luật (không muốn nêu tên) cho biết đúng là trường ĐH có quyền ban hành nội quy trường mình nhưng không phải muốn đặt quy định gì thì đặt. Nội quy phải dựa trên nền tảng pháp luật, cụ thể là phải dựa vào Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Nội quy có thể chi tiết hơn nhưng các nội dung không được trái hoặc quy định thêm so với Thông tư 10/2016.

Theo vị tiến sĩ luật, pháp luật về sở hữu trí tuệ được quy định có hệ thống và khá hoàn thiện. Trong đó, cơ chế xử lý vi phạm không cho phép một trường ĐH có quyền xử lý kỷ luật SV vì vi phạm bản quyền. Luật đã không cho quyền đó thì trường không được phép thực hiện. 

Một trường ĐH, một tổ chức bất kỳ không có quyền tự đưa ra một cách thức xử lý khác không có trong hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ. Cho nên ĐH Luật tự cho mình quyền xử lý kỷ luật về vi phạm bản quyền là không có căn cứ.

Đặc biệt, trong vụ việc đình chỉ một năm học đối với SV phôtô tám cuốn giáo trình, trường đã xử lý không đúng với nền tảng pháp luật. Trường học không phải là một cơ quan có thẩm quyền kết luận về hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi cơ quan ở các ngành khác nhau có thẩm quyền lập biên bản, kết luận vi phạm trong lĩnh vực khác nhau, ví dụ như giao thông, thuế, hải quan, sở hữu trí tuệ, kinh doanh, đất đai, xây dựng... Thậm chí ngay cả khi kết luận đúng thẩm quyền thì cũng chưa chắc kết luận đấy đã đúng, bởi vì nó hoàn toàn có thể bị khiếu nại, bị kiện ra tòa. Chỉ khi không bị khiếu nại, không bị tòa tuyên hủy thì kết luận hành vi vi phạm mới có giá trị.

Ở đây, ĐH Luật không có thẩm quyền nhưng tự kết luận SV vi phạm pháp luật, sau đó đưa ra thông báo với nội dung: “Hành vi sao chép tác phẩm và chuyển giao trái phép tác phẩm cho người khác của SV NTNA là hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ”. Trường ĐH không có chức năng, thẩm quyền kết luận như thế. Trường ĐH không phải là tòa án.

Nếu trường cảm thấy có nhiều vi phạm, cần phải xử lý thì có thể phối hợp với các cơ quan có thêm quyền để xử lý đúng theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

QUỲNH NHƯ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới