Chính thức bỏ điểm sàn đại học
Thay vào đó, từ kỳ tuyển sinh năm 2014, căn cứ kết quả thi của thí sinh, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển vào học đại học, cao đẳng đối với từng khối thi, từng ngành đào tạo. Bộ GDĐT cũng cho phép các trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy tổ chức 1 đến 2 lần tuyển sinh thay vì chỉ có một như trước đây. Bộ GD-ĐT quy định cụ thể thời gian tuyển sinh, các trường được thực hiện thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Thông tư 06/2014/TT-BGDĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy có hiệu lực thi hành từ ngày 25-4 quy định.
Ngoài ra, Thông tư cũng bổ sung thêm đối tượng được ưu tiên xét tuyển, đó là ngoài việc ưu tiên thí sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia thì các thí sinh đoạt giải trong Hội thi khoa học kĩ thuật do Bộ BGDĐT tổ chức cũng được ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học.
Chi phí tống đạt của Thừa phát lại do ngân sách chi trả
Công việc của (Thừa phát lại) TPL bao gồm: tống đạt văn bản (các văn bản của Tòa án, cơ quan THA, các quyết định về THA, giấy báo, giấy triệu tập…); lập vi bằng; xác minh điều kiện THA và chấm dứt THA.
Ngân sách nhà nước chi trả chi phí tống đạt đối với trường hợp tống đạt các văn bản của Tòa án, cơ quan THA dân sự, trừ trường hợp pháp luật về tố tụng và pháp luật về THA dân sự quy định đương sự phải trả chi phí tống đạt, chi phí thông báo. Mức chi phí tống đạt được quy định tùy vào tình hình thực tế của địa phương nhưng căn cứ vào các mức sau: Trong phạm vi cấp huyện nơi đặt VP TPL: không quá 65.000 đồng/việc; ngoài phạm vi cấp huyện nhưng trong địa bàn cấp tỉnh không quá 130.000 đồng/việc. Trường hợp tống đạt văn bản ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi đặt VP TPL thì Tòa án, cơ quan THA dân sự tự thỏa thuận với VP TPL về chi phí tống đạt. Thông tư liên tịch 09 hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định TPL của Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC và Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ ngày 20-4.
Điều kiện tổ chức giáo dục ngoài giờ chính khóa
Theo đó, các trường học muốn tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống hoặc giáo dục ngoài giờ chính khóa phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất; giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên, giáo trình, tài liệu. Phải có thiết bị dạy học bảo đảm an toàn, phù hợp với nội dung dạy học, hoạt động và tâm lý lứa tuổi người học; giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên phải có đủ điều kiện về sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian bị kỷ luật, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và am hiểu các lĩnh vực kỹ năng sống hoặc hoạt động giáo dục có liên quan... Thông tư số 04/20147/TT-BGDĐT quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4.
Phạm vi hòa giải ở cơ sở
Hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung); tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình; vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính; vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn...
Biện pháp hòa giải ở cơ sở còn được áp dụng trong những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm. Nghị định 15/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-4.
ĐL giới thiệu