“Tôi là Nguyễn Tấn Trọng, tổ trưởng tổ dân phố khu phố 6, trị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tôi tha thiết mong Nhà nước phải ngăn chặn ngay các hoạt động lấn chiếm đất rừng nói chung, lấn chiếm con suối trước nhà tôi nói riêng. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì chúng tôi sẽ gánh hậu quả về ô nhiễm môi trường, khó bề sống yên thân” - anh Trọng bức xúc nói ngay khi gặp PV Pháp Luật TP.HCM.
Chuyện con suối khu phố 6
Anh Trọng sinh ra và lớn lên ở Phú Quốc. Anh chứng kiến từng ngày những “vết thương” của đất đai, núi rừng Phú Quốc khi “cơn sốt” giá đất tăng dần. Nhưng anh không ngờ là sức tàn phá của nó quá nhanh, đến con suối trước nhà anh nay coi như đã chết.
Anh tâm sự: “Hồi nhỏ tôi vẫn tắm ở con suối này. Nó rộng trên 20 m. Chỉ trong mấy năm đất sốt giá, nó bị người ta lấn chiếm dần, lấn chiếm trong đêm, nay còn 3-4 m. Và dân khu phố tôi đã bị sống trong cảnh ngập nước nhiều ngày, không còn chỗ ngồi ăn cơm. Tôi đã nỗ lực hết sức để cứu nó nhưng không thể làm được”.
Hai tháng trước, sau nhiều lần người dân báo chính quyền thị trấn Dương Đông, cán bộ đã xuống đo đạc lại con suối. Nó đã bị dân có đất hai bên bờ suối lấn dần. Có nơi bị lấn đến 3 m. “Thảo nào mà trước đây mùa mưa ngập 1-2 tiếng đồng hồ là hết. Mùa mưa năm ngoái, chúng tôi đã phải chịu cảnh ngập tới hai tấc trong 4-5 ngày, không có chỗ ngồi ăn cơm” - anh Trọng kể.
Tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến những “công trình kè” lấn suối đang xây dở dang. Theo anh Trọng lý giải thì những người lấn chiếm thường làm lén vào ban đêm và những ngày thứ Bảy, Chủ nhật để né cán bộ quản lý.
Ở Phú Quốc, người ta bán đất nhan nhản như kiểu bán cá, bán rau. Ảnh: T.VŨ
Khi nói về đất đai khu phố 6, anh Trọng cho biết giá mỗi mét vuông nơi đây đã được bán 100 triệu đồng. Như vậy, cứ mỗi mét lấn ra suối, nếu hộ lấn có chiều ngang đất 4 m thì sẽ kiếm được 400 triệu đồng. Theo đo đạc của cán bộ địa phương thì có hộ đã lấn suối tới 3 m, tức kiếm lợi được hơn 1 tỉ đồng.
“Ác cái là những hộ lấn suối hầu hết là từ xa đến. Họ mua đất rồi làm mặt bằng, lấn ra thêm để bán lại kiếm lời. Cán bộ tìm chủ đất để làm việc nhưng chỉ gặp toàn người làm công nên bó tay” - anh Trọng nói.
PV được người dân đưa đi xem một con suối khác ở xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc. Dấu vết lấn suối rõ nét bởi những “công trình kè” suối còn mới toanh. “Đó là những bằng chứng rõ nhất về tình trạng xâm chiếm đất đai ở Phú Quốc hiện nay. Họ cũng xâm chiếm đến đất rừng nhiều rồi nhưng bằng mắt thường, dân đâu có biết” - một cư dân địa phương tên Trung lý giải.
Ngày 13-4, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Công văn 479/UBND-KTCN chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về công tác quản lý đất đai tại Phú Quốc. Trước đó vài ngày, Tỉnh ủy Kiên Giang cũng đã có chỉ đạo kiểm soát tình hình quản lý đất đai ở Phú Quốc. |
Kể chuyện cười nhói cả tim
“Cơn sốt” giá đất ở Phú Quốc không chỉ là những tấm biển “bán đất” nhan nhản đầy đường. Nó đi vào dân gian bằng cả những câu chuyện như cổ tích.
Câu chuyện sau đây do anh Nguyễn Văn Thương, ở khu phố 5, thị trấn Dương Đông, kể với PV: “Trước đây, tôi với ông Hùng ở Cửa Cạn có miếng đất chung gần 30 công. Năm 2014, khi đất bắt đầu tăng từ 20 triệu đồng/công lên 40 triệu đồng/công, tôi chưa chịu bán nhưng ông Hùng quyết bán cho ông Tâm. Quá trình bán chưa làm xong sổ đỏ thì có người hỏi mua lại từ ông Tâm 250 triệu đồng/công. Đến cuối năm 2014 lên 1,2 tỉ đồng/công. Đến thời điểm này lên đến 8 tỉ đồng/công. Giá đất tăng nhanh hơn hỏa tiễn. Tính ra tôi mất khoảng 30 tỉ đồng, ông Hùng mất khoảng 200 tỉ đồng. Muốn tự vẫn luôn!”.
Theo tìm hiểu của PV Pháp Luật TP.HCM, người dân có đất ở Phú Quốc đã bán phần lớn đất đai kể từ năm 2014. Hiện nay phần lớn chủ đất đang rao bán đất nền ở Phú Quốc là những người đến từ các tỉnh khác. Giới mua bán đất gọi đó là những người lướt sóng. Họ rao ra rả từ bảng hiệu trên đường, trên các trang web “mua đất nền lợi nhuận cao”. Có vài nơi đưa ra cam kết với khách hàng mức lợi nhuận 200%/năm.
Những ngày lân la ở Phú Quốc, PV đã nghe những tiếng thở dài. Những lợi ích từ đặc khu kinh tế vẫn còn chưa được nhiều người hiểu rõ ràng. Nhưng người ta đã nhìn thấy những con suối bị gặm nhấm nham nhở, những cây xanh cổ thụ bị hạ sát. Hậu quả môi trường cũng đã xuất hiện ở chỗ này chỗ nọ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cư dân đảo.
Thủ tướng: Không để cò đất, xã hội đen lộng hành Ngày 18-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu). Tại phiên họp, Bộ Nội vụ đã báo cáo về tiến độ và kế hoạch thẩm định ba đề án thành lập đặc khu: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu ba tỉnh cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý môi trường. Đồng thời phải bảo đảm trật tự xã hội, không để cò đất, xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn. |