Những con kênh cải tạo ngàn tỉ đang tái ô nhiễm

(PLO)- Mỗi ngày, trên một số tuyến kênh tại TP.HCM có khoảng 10 tấn rác gồm bèo và rác thải sinh hoạt của người dân được vớt lên. Có cả các loại rác cồng kềnh như giường, tủ, ghế sofa…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hàng chục năm qua, nhiều tuyến kênh lớn ở TP.HCM như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé đã được TP.HCM chi hàng chục ngàn tỉ đồng để cải tạo vệ sinh môi trường nước, chỉnh trang đô thị hai bên bờ kênh. Các dự án này đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị của TP, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tuyến kênh sau nhiều năm cải tạo đã ô nhiễm trở lại.

Ô nhiễm trở lại sau cải tạo

Năm 2015, TP.HCM đã chính thức khánh thành dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau nhiều năm bị ô nhiễm trầm trọng với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng. Diện mạo đô thị và cuộc sống của người dân ở khu vực xung quanh kênh này đã hoàn toàn “lột xác”. Các “xóm nước đen” đã biến mất, thay vào đó là nhà cửa khang trang, đường sá sạch, đẹp.

Công nhân vệ sinh đang vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: MINH HOÀNG

Công nhân vệ sinh đang vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: MINH HOÀNG

Tuy nhiên, đến nay sau bảy năm, kênh này đã có dấu hiệu tái ô nhiễm khi ngập đầy rác sinh hoạt của người dân. Từng sống cạnh kênh Tân Hóa - Lò Gốm lúc chưa cải tạo, ông Trần Ngọc Phương (ngụ quận 6) nhìn thấy được sự thay đổi từng ngày của nơi mình sống. Ông Phương cho biết trước khi kênh được chỉnh trang, cuộc sống của người dân vô cùng vất vả, nỗi ám ảnh ruồi, muỗi khiến ông rợn người.

Khi kênh được cải tạo, chỉnh trang, cuộc sống của gia đình ông cũng như những người dân dọc hai bên kênh đã thay đổi hẳn. Tuy nhiên, nhìn ra dòng kênh trước nhà, ông Phương rầu rĩ cho biết sau khi cải tạo được vài năm thì kênh lại ngổn ngang đủ các loại rác.

“Nhiều người dân thiếu ý thức đã xem dòng kênh như một bãi rác để vứt rác vô tội vạ. Vứt ban ngày bị phát hiện, nhắc nhở thì ban đêm mang ra vứt. Rác thải lâu ngày bốc mùi, khi trời nắng, người dân sống xung quanh phải chịu trận với mùi hôi thối nồng nặc” - ông Phương nói.

Bà Phan Thị Phi (ngụ quận Tân Phú) cũng như ông Phương đều bất lực nhìn dòng kênh ô nhiễm mỗi ngày. Bà Phi cho biết bảy năm trước khi kênh được cải tạo xong, nhiều đơn vị cũng có kế hoạch để giữ cho kênh xanh, sạch. Nhưng chỉ vài năm, nước dưới kênh chuyển màu đen, mùi hôi bốc lên nồng nặc.

Bà Phi thông tin rác tập trung nhiều nhất là đoạn nằm ở khu vực quận 6 với đủ loại như túi nylon, xác động vật, chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt, tủ. “Đặc biệt là có rất nhiều thùng xốp bị thải bỏ trắng dưới kênh. Người dân đã rất phấn khởi khi kênh được cải tạo nhưng hiện tại vài tuyến kênh đã có dấu hiệu tái ô nhiễm bởi lượng rác này” - bà Phi nói.

Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, rác thải trên các tuyến kênh này chủ yếu là lục bình và rác thải sinh hoạt. Đáng chú ý, giữa dòng kênh còn có nhiều loại rác thải cồng kềnh như nệm, giường, ghế sofa, xác động vật, thùng nhựa... nổi lềnh bềnh.

Rác sinh hoạt của người dân nổi lềnh bềnh trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Ảnh: MINH HOÀNG

Rác sinh hoạt của người dân nổi lềnh bềnh trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Ảnh: MINH HOÀNG

Mỗi ngày vớt 10 tấn rác trên kênh

Không chỉ tại kênh Tân Hóa - Lò Gốm mà nhiều kênh khác như Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tẻ cũng rơi vào tình trạng tương tự: Rác tràn lan trên kênh.

Trưa 7-7, chúng tôi có mặt tại kênh Tẻ, đường Trần Xuân Soạn, quận 7. Theo quan sát, rác thải dưới kênh có đủ các loại nổi lềnh bềnh. Chỉ trên một đoạn kênh ngắn mà có đến 4-5 ghế sofa nằm chỏng chơ dưới lòng kênh, ngoài ra còn có nệm, giường, tủ và nhiều loại rác thải khác ứ đọng, nhất là hai bên mép kênh.

Chỉ trong khoảng 10 phút, có đến hai người chạy xe máy mang túi rác đến vứt thẳng xuống kênh, trong túi rác đó có rác thải sinh hoạt, lá cây, bóng đèn cũ. Ngoài ra, đối diện bên bờ là những ngôi nhà ven sông, khi sinh hoạt cũng có nhiều người đổ thẳng rác xuống dòng kênh.

Là người có gần năm năm vận chuyển hàng hóa trên kênh Tẻ, anh Nguyễn Văn Phụng (ngụ Tiền Giang) cho biết việc thải bỏ rác xuống kênh là chuyện thường ngày. Thời gian đầu khi cập bến để chờ hàng anh còn thấy lạ lẫm nhưng dần rồi quen.

“Chuyện bỏ rác xuống sông xảy ra thường xuyên ở những đoạn vắng nhà. Có hôm hơn 11 giờ đêm tôi nghe một tiếng động lớn, bước ra thì thấy có người chở cái tủ cũ to đùng quăng xuống sông. Riết dần dần nghe tiếng động, mình cũng không còn quan tâm nữa vì mặc định trong đầu là có người tới quăng rác” - anh Phụng kể lại.

Sống bên bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, bà Lê Thị Oanh (ngụ quận 8) cho biết chuyện vứt rác thẳng xuống kênh như cơm bữa. Rác từ lục bình trôi dạt vào, từ những người dân ở nơi khác mang đến, rác do người dân sống ngay kênh rạch ném thẳng xuống đã khiến kênh ngập rác.

Hiện nay, nhiều đơn vị đã tổ chức vớt rác liên tục ở các tuyến kênh lớn. Các đơn vị này cho biết mỗi ngày lượng rác đổ về đây có nơi vài tấn, có tuyến lên đến vài chục tấn trong những dịp cao điểm.

Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết công ty là đơn vị thực hiện vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Ước tính mỗi ngày đơn vị này vớt khoảng 16 tấn rác vừa lục bình vừa rác sinh hoạt của người dân. Trong đó, rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là 10 tấn/ngày, kênh Tân Hóa - Lò Gốm khoảng 5-6 tấn/ngày.

Trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, theo anh Trường (công nhân vớt rác trên kênh Đôi - Tẻ, Tàu Hủ - Bến Nghé), mỗi ngày vớt được khoảng 10-40 tấn. “Một số ngày cao điểm như tết có khi vớt đến gần 100 tấn/ngày. Những ngày cận tết, lượng rác thải bỏ ở những tuyến kênh này rất nhiều, hầu như năm nào thời điểm này trong năm lượng rác dưới kênh cũng tăng khủng khiếp” - anh Trường cho biết.

Anh Mai Thành Đạt (công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) cho biết lượng lục bình mỗi ngày ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phát sinh từ các con sông lớn đổ vào. Ngoài ra, lượng rác thải hằng ngày của các hộ dân cũng rất lớn.

“Mỗi ngày chúng tôi phải vớt đủ loại rác thải, từ bịch nylon, thùng xốp, hộp cơm, vỏ chai. Đáng nói hơn nữa là có cả giường, tủ, xác động vật, ghế sofa, nhánh cây... Thông thường những loại rác lớn như giường, tủ thì người dân thường đổ vào ban đêm, còn những loại rác thải sinh hoạt khác có người ném thẳng xuống sông ngay cả ban ngày” - anh Đạt chia sẻ.

Cần có biện pháp mạnh để kiểm soát

Ngoài những nỗ lực của các đơn vị hằng ngày vớt rác trên kênh, để kéo giảm tình trạng xả rác xuống các tuyến kênh, các địa phương cũng như UBND TP đã có nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường, cụ thể là bảo vệ vệ sinh môi trường, giảm xả thải ở các tuyến sông, kênh rạch. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa xử lý dứt điểm tình trạng vứt rác xuống sông, kênh rạch.

Về việc vứt rác thải ở kênh Tân Hóa - Lò Gốm, ông Huỳnh Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 6, cho biết nhiều hộ dân sống ven kênh rạch còn thiếu ý thức, thường xuyên đổ rác không đúng nơi quy định, thậm chí đổ luôn xuống kênh. Ngoài ra cũng có trường hợp người dân địa phương khác đến đổ rác ở một số kênh trên địa bàn.

Lượng rác ước tính mỗi ngày trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vớt khoảng 10 tấn, kênh Tân Hóa - Lò Gốm khoảng 5-6 tấn, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé khoảng 4-5 tấn.

Theo ông Hùng, thời gian qua, ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân không thải bỏ rác xuống kênh rạch, quận 6 cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như tuần tra, giám sát và xử lý những trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định.

“Quận có hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời qua group Zalo liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của quận và từng địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng trang bị camera giám sát kết hợp với an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác này để kéo giảm tình trạng đổ rác xuống các kênh rạch” - ông Hùng nói.

Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết việc vớt rác trên các kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé mặc dù đã có các đơn vị phụ trách nhưng thời gian qua quận 1 cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn việc xả rác ra đường và kênh rạch.

Cụ thể, UBND quận 1 đã giao UBND 10 phường thực hiện tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả ý kiến phản ánh của người dân qua tin nhắn, các kênh tương tác trực tuyến, thư điện tử về tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch trên địa bàn phường. Đồng thời, UBND các phường cũng phối hợp với công an tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát, ngăn chặn không để tái lặp tình trạng bỏ rác không đúng nơi quy định.

“Để giảm tình trạng xả rác xuống kênh rạch, nhiều địa phương đã đẩy mạnh biện pháp xử phạt hành chính hành vi xả rác không đúng nơi quy định bằng cách trích xuất hình ảnh từ các camera” - ông Vinh nói.

Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động phối hợp với Sở GTVT và Sở Xây dựng rà soát, dự báo lượng rác phát sinh tại các khu vực công cộng để kịp thời điều chỉnh.

Theo đó, UBND TP yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức cần đẩy mạnh biện pháp xử phạt hành chính bằng cách trích xuất hình ảnh từ các camera trên địa bàn để tăng tính răn đe. Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để đề xuất phương án bố trí, sử dụng nguồn kinh phí thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường để chi bồi dưỡng phụ cấp cho các lực lượng tại địa phương tham gia ngăn chặn các hành vi xả rác, đổ rác không đúng nơi quy định.•

Phải giải quyết 100% các kiến nghị của người dân

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai và giám sát việc thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP xanh, sạch và thân thiện với môi trường năm 2023”.

Theo đó, UBND TP đặt chỉ tiêu trong năm 2023, các địa phương phải thực hiện và duy trì 100% phường, xã, thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân về thực trạng vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn để tuyên truyền, vận động ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương phải lắng nghe góp ý, hiến kế trong công tác quản lý lĩnh vực môi trường. Các địa phương phải giải quyết 100% các kiến nghị của người dân theo thẩm quyền. Đồng thời phải vận động 100% cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện ký kết không xả rác ra đường và kênh rạch để giữ gìn môi trường và mỹ quan đô thị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm