Những cuộc đối đầu địa chính trị chưa ngã ngũ 2017

Liên tiếp các điểm nóng địa chính trị trên thế giới trong năm 2017 vừa qua đã có những diễn biến bất ngờ. Từ vấn đề Triều Tiên đến lò lửa xung đột ở Trung Đông, từ châu Á-Thái Bình Dương đến “lục địa già” châu Âu, vị thế của các “tay chơi” trên bàn cờ chiến lược quốc tế có nhiều sự thay đổi ngoạn mục.

Cân não tại bán đảo Triều Tiên

Điểm nóng địa chính trị đáng chú ý nhất của năm 2017 chính là bán đảo Triều Tiên. Trong một thời gian dài, liên minh quân sự bao quanh Triều Tiên cũng như khoảng cách địa lý giữa Mỹ và Đông Bắc Á đã tạo cho chính quyền Washington lợi thế đặt sức ép lên Bình Nhưỡng.

Gió đã đổi chiều trong năm 2017 khi chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên liên tiếp đột phá, đạt được tầm bắn đủ sức đe dọa lục địa Mỹ. Còn với lần thử bom hạt nhân thứ sáu vào ngày 9-9, Triều Tiên cũng đã hoàn thiện được bom H với sức công phá kỷ lục 140 kiloton. Tên lửa Hwasong-15, mà theo Triều Tiên tuyên bố là đủ sức mang theo bom hạt nhân “siêu lớn”, thậm chí được đánh giá đủ khả năng đặt Washington, D.C. vào tầm ngắm. Triều Tiên đẩy mạnh toàn diện lực lượng tên lửa chiến thuật nhằm “răn đe phòng vệ”, như cách mô tả trong nhiều tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đủ sức thách thức các tàu sân bay Mỹ áp sát bán đảo.

Những điều này đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện đối đầu Mỹ-Triều Tiên. Chính quyền Washington buộc phải tính toán đến kịch bản tên lửa hạt nhân Triều Tiên tàn phá các TP tại Mỹ. Những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump hàm ý sử dụng biện pháp quân sự để xử lý vấn đề Triều Tiên trở nên đầy rủi ro. Từng có những giai đoạn tình hình trên bán đảo Triều Tiên “căng như dây đàn”, như vào tháng 4 khi Mỹ điều động hàng loạt khí tài quân sự tối tân áp sát bán đảo, hay vào tháng 8 khi Triều Tiên công khai ý định phóng tên lửa đến Guam.

Thế nhưng bên bờ vực chiến tranh lại mở ra cơ hội cho đàm phán. Khi Triều Tiên đã có ưu thế tên lửa hạt nhân trong tay, liên tiếp các quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ và Hàn Quốc đã bắn đi tín hiệu sẵn sàng mở cánh cửa cho đối thoại trực tiếp Bình Nhưỡng-Washington. Cuộc đấu trí tại bán đảo Triều Tiên chờ đợi bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn của các nỗ lực đối thoại, trong năm 2018.

Với các đột phá trong phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa năm nay, vị thế của Triều Tiên trong đối đầu chiến lược với Mỹ đã thay đổi bất ngờ. Ảnh: KCNA

Sự trở lại của Nga ở Trung Đông

Năm 2017 cũng chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của nước Nga trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông. Với hỏa lực áp đảo của không quân Nga, lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad đã giành lại quyền kiểm soát cục diện chiến trường Syria. Điều này tạo chỗ đứng vững chắc cho chính quyền Moscow tại khu vực Trung Đông và phía Nam của Địa Trung Hải. Tiếp nhận và nâng cấp hai căn cứ quân sự Tartus và Khmeimim ở Syria, Nga sẽ duy trì sức mạnh quân sự tại khu vực trong ít nhất nửa thế kỷ tới. Cùng với sự lụi tàn của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và sự thất thế của Mỹ cùng liên quân trên thực địa, lộ trình chính trị tái ổn định tình hình Syria có thể sẽ đạt được những bước tiến mới trong năm 2018.

16 là số lần Triều Tiên đã cho bắn thử nghiệm các loại tên lửa trong năm 2017. Ba lần phóng ICBM gần nhất đều bay qua vùng trời của Nhật Bản, gây ra các quan ngại an ninh nghiêm trọng.

Trung Đông trong năm qua cũng chứng kiến sự trỗi dậy của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, thách thức khu vực ảnh hưởng truyền thống của Saudi Arabia. Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh với tâm điểm là Qatar, bị Saudi Arabia cùng các đồng minh cáo buộc là thân Iran và hỗ trợ khủng bố, đã mở ra cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh thiết lập căn cứ quân sự ở nước này. Căng thẳng trong vấn đề Jerusalem, sau khi Mỹ công nhận TP là thủ đô của Israel và quyết dời đại sứ quán đến đây, cũng mở đường để Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng mạnh mẽ và củng cố uy tín ở khu vực. Trong khi Tổng thống Trump dần chuyển sự quan tâm sang Ấn Độ-Thái Bình Dương, các “tay chơi” mới đã trỗi dậy ở Trung Đông.

Chính trường châu Âu nhiều ẩn số

Chính trường các nước lớn tại châu Âu trong năm qua cũng đón nhận một làn gió mới đầy mạnh mẽ mang tên “cực hữu”. Các chính trị gia và đảng phái có lập trường bảo thủ, cánh hữu đã đạt được sự ủng hộ cao bất ngờ trong những cuộc bầu cử quan trọng. Cuộc tổng tuyển cử tại Áo tháng 10 vừa qua kết thúc với thắng lợi dành cho chính trị gia trẻ tuổi cánh hữu Sebastian Kurz có các hứa hẹn tương đồng với phe cực hữu.

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp kết thúc với phần thắng cho ông Emmanuel Macron theo trung hữu nhưng người xếp ngay sau là lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen. Tại nước Đức, lần đầu tiên sau Thế chiến thứ hai, phe cực hữu đã bước chân vào Quốc hội Liên bang. Sự ủng hộ cho các chính sách cánh hữu đặt Thủ tướng Angela Merkel trước cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất của Đức trong nhiều thập niên, không thể thành lập chính phủ mới trước năm 2018.

Còn ở Tây Ban Nha, phong trào đòi ly khai tại Catalonia đạt đỉnh điểm. Chính quyền trung ương tại Madrid thậm chí phải dùng vũ lực để ngăn cản cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập tháng 10, sau đó là dùng đặc quyền hiến pháp để đình chỉ quyền tự trị vùng này vào tháng 11. Thế nhưng bế tắc vẫn không được tháo gỡ khi các đảng ủng hộ tự trị ngày 21-12 một lần nữa giành ưu thế trong Nghị viện địa phương sau cuộc bầu cử khẩn cấp chính quyền mới cho Catalonia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới