Cơn sốt đất từ cuối năm 2017 diễn ra tại Quảng Nam hiện tạm thời lắng xuống. Thị trường đất đai có dấu hiệu đóng băng, các giao dịch diễn ra theo hướng cầm chừng. Trong hoàn cảnh đó, để huy động vốn, nhiều chủ đầu tư dự án tranh thủ phối hợp với các đơn vị phân phối tung ra thị trường những sản phẩm chưa đủ điều kiện pháp lý. Việc mua bán chủ yếu qua hình thức hợp đồng đặt cọc, đặt chỗ… Vì vậy thị trường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Bị lừa vì những lời… “có cánh”
Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam ký hợp đồng với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Đạt về việc cho phép đơn vị này xây dựng tuyến đường nối từ ĐT607 với ĐT603, thuộc địa phận thị xã Điện Bàn. Hợp đồng thực hiện theo hình thức BT, đổi đất lấy hạ tầng. Điều đáng nói là tuyến đường chỉ dài 1,9 km nhưng UBND tỉnh Quảng Nam lại chủ trương giao đến 100 ha đất cho Công ty Bách Đạt triển khai các dự án đô thị.
Theo tìm hiểu của PV, dù mới có chủ trương từ chính quyền tỉnh và tuyến đường BT vẫn chưa hoàn thành, Công ty Bách Đạt đã nhanh chân “chẻ” 100 ha đất thành sáu dự án gồm: Dự án khu đô thị (KĐT) 7B (tên thương mại Sentosa City) rộng 29,8 ha; dự án KĐT 7B mở rộng (tên thương mại Gaia City) rộng 20,5 ha; dự án KĐT Bách Thành Vinh rộng 12,45 ha; hai dự án KĐT Peaceful Land rộng lần lượt 20,3 ha và 17 ha; dự án KĐT An Cư rộng 5,3 ha.
Dù chưa đủ điều kiện pháp lý, cả sáu dự án trên bằng nhiều cách khác nhau đã được đưa lên giao dịch trên thị trường suốt hai năm qua. Khu vực sáu dự án của Công ty Bách Đạt nhanh chóng mọc lên nhan nhản các sàn giao dịch bất động sản (BĐS). Giá đất các dự án này dao động 9-13 triệu đồng/m2. Mỗi nền đất được rao bán không dưới 1 tỉ đồng với hạ tầng chỗ có, chỗ không.
Những giao dịch như thế này đã mang tới không ít rủi ro cho người có nhu cầu đất ở thật sự. Bà ĐKC, ngụ TP Đà Nẵng, cho rằng mình bị lừa khi bỏ tiền mua lô đất tại KĐT Hera Complex Riverside (thị xã Điện Bàn) do Công ty Bách Đạt làm chủ đầu tư. Cụ thể, dù chưa đủ điều kiện pháp lý, Nhất Nam Land (đơn vị phân phối dự án này ra thị trường) tung bán hàng trăm lô đất với hợp đồng đặt mua. Tin tưởng những lời giới thiệu “có cánh”, bà C. đã đóng số tiền lên đến 85% giá trị lô đất. Những tưởng sắp có đất, mới đây bà C. vào dự án kiểm tra thì tá hỏa khi thấy khu vực này chỉ là bãi đất trống.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định việc Công ty Bách Đạt tổ chức bán sáu dự án KĐT là trái pháp luật.
“Việc giao đất dự án cho Công ty Bách Đạt mới chỉ là chủ trương thôi. Việc họ rao bán đất nền là trái pháp luật. Tôi đã biết thông tin và giao cho chính quyền thị xã Điện Bàn cùng Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo lại. Ngoài ra, việc cấp phép các dự án BT, dự án liên quan nhà ở trên địa bàn tỉnh cũng đã được dừng hết lại để rà soát, báo cáo lên Thường vụ và HĐND tỉnh” - ông Toàn nhấn mạnh.
Dự án khu đô thị Hera Complex Riverside của liên minh Bách Đạt - Nhất Nam Land chỉ là bãi đất trống. Ảnh: TẤN VIỆT
Sau cơn sốt đất, thị trường bất động sản thị xã Điện Bàn đóng băng với khung cảnh vắng vẻ như thế này. Ảnh: TẤN VIỆT
“Khó gặm lắm”
Tiết lộ với PV, đại diện một đơn vị đầu tư BĐS lớn tại Quảng Nam cho hay đơn vị này đang nắm giữ hai dự án đất nền khu vực thị xã Điện Bàn nhưng thời điểm này gần như không bán được sản phẩm. “Nhà đầu tư từ ngoài Bắc vào giờ rút lui hết rồi, dự án lúc này khó gặm lắm” - vị này nói.
Dạo quanh khu vực phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn những ngày cuối tháng 8, khung cảnh tương đối vắng vẻ. Phần lớn sàn giao dịch mọc ven đường trước đây sôi động, giờ trong cảnh ế ẩm, thậm chí đóng cửa. Thấy cảnh này, khách hàng có nhu cầu đất ở thật sự cũng e ngại. Phần vì giá cao, phần vì khó ra được sổ đỏ, trong lúc phần lớn giao dịch thông qua hợp đồng đặt chỗ, đặt cọc được cho là trái pháp luật.
“Luật Đất đai 2013 và Luật Kinh doanh BĐS 2014 đều quy định rất rõ về điều kiện hạ tầng, nghĩa vụ với Nhà nước của chủ đầu tư trước khi bán sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư có những cách thức khác nhau để huy động vốn. Họ sẵn sàng chịu phạt vi phạm hành chính nếu bị xử lý để có nguồn vốn trước nhằm triển khai đầu tư cho dự án” - luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, phân tích.
Luật sư Lê Cao cũng đưa ra cảnh báo người mua đất cần tìm hiểu kỹ điều kiện pháp lý của dự án nếu không muốn dính vào những rủi ro. “Tiền thì đã nộp nhưng nếu đất mua không ra được sổ đỏ thì họ không thể sử dụng đất. Trong khi đó nếu kiện để đòi tiền lại thì vô vàn khó khăn vì có khi dự án đã bị cầm cố, thế chấp cho ngân hàng, nhiều người mua rơi vào tình cảnh không đòi lại được tiền…” - luật sư Cao nói.
Thị trường BĐS khu vực trên trong thời gian dài có sự sôi động do đầu cơ, tạo sóng đẩy giá lên rất cao, thậm chí cao hơn giá thị trường thực. Phần lớn những dự án này đều chưa đủ điều kiện pháp lý, lúc đó việc mua bán được thực hiện bằng hình thức đặt cọc, đặt chỗ… Và đây là hình thức huy động vốn trái phép nên thị trường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trong câu chuyện này có sự sai lầm của các chủ đầu tư và cả sự quản lý lỏng lẻo của Nhà nước. Ông NGUYỄN VĂN ĐÍNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam |