Những góp ý từ UNDP khi Quốc hội thảo luận Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PLO)- Một kết quả nghiên cứu về dân chủ cơ sở ở Việt Nam được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra lúc Quốc hội đang thảo luận Luật Thực hiện dân chủ cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-11, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp Nhóm làm việc vì sự tham của người dân (PPWG) tổ chức Tọa đàm chuyên đề “Thực hiện dân chủ cơ sở ở Việt Nam: Một số mô hình thực tiễn tốt và hàm ý chính sách”.

Từ kết quả triển khai các mô hình dân chủ cơ sở trong thực tế, nhóm nghiên cứu của UNDP và PPWG chỉ ra rằng để tham gia tích cực và hiệu quả, người dân cần được bảo đảm quyền tiếp cận thông tin một cách minh bạch, nhất là với ba nhóm người dân tộc thiểu số, khuyết tật, và cao tuổi.

Ông Phạm Quang Tú - Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Phó Chủ tịch PPWG phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: MINH TRÚC

Ông Phạm Quang Tú - Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Phó Chủ tịch PPWG phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: MINH TRÚC

Chia sẻ về kết quả nghiên cứu thực địa tại Quảng Trị và Hà Nội, ông Lê Quang Bình, Chủ tịch PPWG cho biết: “Người dân rất quan tâm đến những vấn đề gần với họ, sát với họ cả về lợi ích lẫn không gian. Như được tham gia giám sát và triển khai các công trình cơ sở hạ tầng ở thôn, bản; giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho chính mình”.

Tổng hợp ý kiến từ cán bộ cơ sở và người dân đều cho thấy họ biết Nhà nước có nhiều chính sách tốt cho dân nhưng đơn vị triển khai lại thiếu trách nhiệm dẫn đến lãng phí, thậm chí sai lầm. Vậy nên, người dân cần có quyền giám sát, thậm chí nói là không với các hỗ trợ này, nếu không đúng nhu cầu và chất lượng.

Về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được trình Quốc hội, TS Lã Khánh Tùng - giảng viên về quyền con người, trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, dẫn kết quả nghiên cứu, cho biết: “Dự luật chỉ quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, cấp xã tương đối xa dân, nên khi triển khai e khó hiệu quả”.

Các chuyên gia, khách mời thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: MINH TRÚC

Các chuyên gia, khách mời thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: MINH TRÚC

Vậy nên, nhóm nghiên cứu đề nghị luật nên quy định theo hướng người dân có thể chủ động lập tổ giám sát ở cấp thôn, tổ dân phố. Không cần quy định cứng, nhưng mở để khi cần thì dân có thể giám sát trong khuôn khổ pháp luật.

Kèm theo đó, cần thể chế hóa rõ hơn trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp. Như TS Lã Khánh Tùng nhấn mạnh, dự luật cần quy định đầy đủ nghĩa vụ và chế tài đối với các hành vi vi phạm quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Có vậy, các cơ chế dân chủ cơ sở mới khả thi trên thực tế.

Tổng kết báo cáo nghiên cứu của UNDP, các chuyên gia đưa ra 8 kiến nghị:

(1) Quyền thành lập Tổ giám sát của cộng đồng ở thôn, tổ dân phố theo mô hình tự quản.

(2) Mở rộng các chủ thể tham gia giám sát.

(3) Quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm và chế tài khi có vi phạm quy định của pháp luật về Thực hiện Dân chủ cơ sở.

(4) Công khai phải gắn liền với minh bạch.

(5) Phạm vi nội dung Nhân dân bàn và quyết định.

(6) Bổ sung quy định về đảm bảo ngân sách cho cấp xã, thôn, tổ dân phố nhằm tạo điều kiện tổ chức các cuộc họp, thảo luận, tham vấn có đầy đủ người dân.

(7) Bổ sung một điều quy định cơ chế phối hợp giữa các thiết chế Nhà nước ở cơ sở với một số thiết chế tự quản ở cơ sở có tính đặc thù góp phần đảm bảo thúc đẩy quyền làm chủ của người dân ở cơ sở.

(8) Thống nhất cách sử dụng thuật ngữ trong dự thảo luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm