Những hận thù từ nay khép lại…

1. Khoát tay chỉ về phía xưởng bao bì gần ngã tư Đồng Tâm thuộc xã Thạnh Phú, TP Mỹ Tho (Tiền Giang), Nguyễn Minh Sang nói như reo: “Mấy năm nay tôi gắn bó với cái nghề này, nó cho tôi cuộc sống tạm ổn sau những ngày tháng đầy biến cố ấy. Chính báo Pháp Luật TP.HCM đã cho tôi nghị lực để vững tin và cơ hội để làm lại như hôm nay. Tận đáy lòng mình, tôi xin gửi lời cảm ơn đến báo…”.

Gặp Sang, thấy em rắn rỏi và chững chạc hơn trước khiến chúng tôi mừng lắm. Những tưởng bản án oan năm ấy đã nhấn chìm người thanh niên 24 tuổi nhưng cuối cùng Sang đã vững tin đứng dậy.

Bi kịch đến với Sang vào một ngày tháng 8-2011. Theo hồ sơ, Sang đến nhà ông nội hái dừa uống nước thì thấy ông chở người chú ruột đi công chuyện. Lát sau người chú đến nhà bắt Sang chở đến công an xã giao nộp vì cho rằng Sang đã lấy trộm điện thoại di động và một nhẫn vàng trên bàn uống nước nhà ông nội. Tại công an xã, người chú cho Sang 1 triệu đồng kèm theo lời “động viên” hứa sẽ bảo lãnh cho về sớm. Sau nghĩa cử này của chú, Sang nhận tội. Chỉ sau khi bị Công an huyện Châu Thành khởi tố, bắt tạm giam thì Sang mới biết mình bị chú lừa nên phản cung kêu oan.

Tháng 11-2011, TAND huyện xử sơ thẩm, tuyên phạt Sang chín tháng tù (bằng thời gian tạm giam) về tội trộm cắp tài sản. Sang kháng cáo kêu oan. Tháng 5-2012, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đã hủy án để điều tra, xét xử lại. Điều tra lại không kết quả, cuối 2012 công an huyện đã đình chỉ vụ án với lý do hành vi phạm tội của Sang không còn nguy hiểm cho xã hội (theo khoản 1 Điều 25 BLHS) nhằm tránh bồi thường oan.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh, đầu năm 2013, công an huyện phải ra quyết định “đính chính” lý do đình chỉ là không chứng minh được hành vi phạm tội (theo khoản 2 Điều 164 BLTTHS). Nhờ vậy, Sang chính thức được minh oan. Tháng 7-2014, sau khi thỏa thuận TAND huyện Châu Thành đã đồng ý bồi thường oan cho Sang hơn 95 triệu đồng và xin lỗi công khai Sang tại địa phương và trên báo chí.

Chỉ có điều đến nay việc bồi thường oan và xin lỗi vẫn chưa được tiến hành.

2. Để có thể tiếp chuyện chúng tôi, Sang đã phải đổi ca làm cho người khác và làm việc suốt đêm vì theo lịch hôm đó Sang làm ca ngày. Hỏi có mệt lắm không, Sang lắc đầu bảo vui lắm vì mấy năm nay mới gặp lại chúng tôi. Giờ Sang đen và già hơn ba năm trước khá nhiều, hai bàn tay đầy vết sẹo bỏng vì phải vận hành chiếc máy nấu hạt nhựa trong xưởng. Thu nhập từ công việc nặng nhọc ấy giúp Sang kiếm được khoảng 300.000 đồng/ngày. Ngoài việc gửi về quê nuôi người cha bị TNGT mất khả năng lao động, tiền dư còn lại Sang gửi mẹ để dành.

Cha mẹ đã bỏ nhau, thời gian đầu Sang ở nuôi cha nhưng khi đứa em lớn thì Sang về ở với mẹ trong căn nhà tình thương mà bà ngoại để lại sau khi mất. Mẹ Sang cũng làm chung xưởng với Sang nhưng ở khâu cắt chỉ bao bì. Nhà cách xưởng hơn 10 km nên hôm nào làm ca đêm Sang tranh thủ ngủ luôn tại xưởng. Một căn phòng nhỏ nằm gần các cỗ máy trong xưởng lúc nào cũng ồn ào đầy mùi hóa chất nhưng đó lại là nơi nghỉ ngơi lý tưởng của Sang mỗi khi kết thúc công việc.

Do hoàn cảnh nên học đến lớp 10 Sang phải nghỉ để đi làm mướn nuôi thân. Sang phải bỏ xứ tìm đến một trại gà ở huyện khác để làm công. Mấy năm sau thì Sang vướng vào vòng lao lý. Với Sang, thời gian đó là đận khó khăn nhất. Gần chín tháng bị tạm giam, người thân không có, mọi sự quan tâm, động viên với Sang đều đến từ ông Lê Văn Niên (chủ trại gà) tốt bụng. Khi được tại ngoại, chính ông Niên cũng lo lắng cho Sang như con ruột mình. Nhưng rồi ngày Sang được chính thức minh oan, ông Niên đã không còn nữa…

Sau khi được minh oan, có một thời gian không ai biết tin tức của Sang khiến tòa án muốn gửi giấy mời đến thương lượng việc bồi thường oan cũng không được. Sang kể: “Lúc đó tôi mất phương hướng, chán nản vì thấy mình nghèo thì cuộc sống ở đâu cũng thiệt thòi, bị xử ép, thậm chí bị ngồi tù oan”. Nghĩ vậy, Sang theo bạn lên Đắk Lắk học nghề điện. Vừa học vừa làm, dần dà Sang đã có kiến thức cơ bản về điện, nhờ vậy mà giờ đây Sang có thể vận hành các loại máy trong xưởng bao bì thành thục. Một ca làm việc liên tục 12 tiếng với hàng chục loại máy, các khâu sản xuất, Sang luôn làm việc chăm chỉ như một chú ong thợ trong sự quý mến của mọi người.

3. Hỏi về người chú khiến Sang phải vào tù, em cúi đầu: “Sau khi ông nội mất, mấy năm nay tôi cũng không gặp chú. Ngày đó tôi hận chú lắm, nghĩ sẽ không đội trời chung. Nhưng chuyện gì rồi cũng qua, giờ thì tôi đã cảm thấy tự tin với cuộc sống của mình và cũng không còn giận chú nữa…”. Sang bảo sau sự cố đó, những người thân bên nội càng hiểu mình hơn.

Sang nói: “Nghĩ lại những ngày mình bị giam oan giờ mới thấy sợ, nhiều khi không dám nhớ…”. Chín tháng lao tù đêm nào Sang cũng giật mình, đầu óc luôn bị ám ảnh đủ thứ chuyện. “Nhưng thời gian này cũng cho tôi nhiều bài học về giá trị của của cuộc sống, đó là phải biết trân trọng bản thân”. Chúng tôi hỏi khi nào lập gia đình, Sang chỉ cười hiền: “Tôi chưa nghĩ tới”. Năm nay đã 27 tuổi nhưng gánh nặng gia đình vẫn đè nặng trên đôi vai gầy guộc khiến Sang chưa thể nghĩ đến hạnh phúc riêng tư.

Mỗi lần nhắc đến ông Niên, Sang buồn buồn và luôn hứa với lòng là sẽ cố gắng chăm chỉ làm ăn, sau này có vốn sẽ mở một trại gà cho riêng mình và cũng để nhớ đến công ơn của người cha thứ hai của mình. “Tất cả hận thù đã hoàn toàn khép lại. Nhờ vậy, tôi thấy lòng mình thanh thản vô cùng…” - Sang nói.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều