“Nếu không có Quyết định 33/2014, giờ này chúng tôi vẫn chen chúc trong những khu nhà trọ ọp ẹp hay nhắm mắt mua đại một căn nhà xây không phép để có chỗ ra vào. Còn những hệ lụy do đầu nậu lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc địa phương lơ là trong quản lý lại là chuyện khác. Điều cần làm bây giờ là tìm giải pháp khắc phục, chấn chỉnh chứ không phải phê phán một chủ trương nhân văn, đúng đắn”. Đó là những tâm tư mà người dân gửi đến Pháp Luật TP.HCMsau bài “Quyết định 33/2014 về tách thửa: Công hay tội?” (ngày 22-3).
Giúp hạn chế bùng nổ nhà không phép
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho hay rất đồng cảm với người dân. Theo ông, các quyết định 19/2009 và 33/2014 của UBND TP đã giải quyết được nhiều vấn đề lớn. “Giả sử không có hai quyết định đó, tôi tin rằng trong thời gian qua các quận/huyện vùng ven sẽ khổ sở với nạn xây nhà không phép” - ông nói.
Ông Trường lý giải, nhu cầu nhà ở giá thấp của người dân rất lớn, do chưa được đáp ứng nên tất yếu xảy ra xây dựng không phép. “Không lẽ suốt ngày chính quyền đi xử phạt, cưỡng chế đập nhà không phép của người dân? Nếu vậy mâu thuẫn xã hội sẽ ngày càng gay gắt. Thử hỏi chúng ta đã làm được bao nhiêu nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp?” - ông Trường băn khoăn.
Những nhận định trên không phải không có cơ sở. Còn nhớ giai đoạn trước khi có Quyết định 19/2009, chỉ riêng xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn đã hình thành 34 điểm phân lô hộ lẻ với cả ngàn căn nhà. Những con đường đất trong khu vực này chỉ rộng 2-3 m, lầy lội, gập ghềnh. Nhà không có số nên người dân không thể đăng ký hộ khẩu, xin điện nước, con cái phải học trường tư. Biết vậy nhưng cả ngàn hộ dân vẫn chấp nhận rủi ro tới đây mua nhà, sinh sống bởi không còn lựa chọn tốt hơn.
Ông Đặng Hữu Khoa, Giám đốc một công ty đo vẽ tại quận 12, phân tích tình hình quản lý đất đai trước khi có các quyết định 19 và 33: “Trước kia, việc tách thửa thực hiện không theo quy củ nào. Chủ đầu tư muốn chừa đường bao nhiêu thì chừa, muốn tách bao nhiêu nền thì tách. Quyết định 19 rồi Quyết định 33 quy định chi tiết diện tích tối thiểu được tách thửa. Nếu hình thành đường giao thông thì phải làm hạ tầng và được cơ quan nhà nước chấp nhận. Như vậy so với thời gian trước thì việc quản lý đất đai, tách thửa, phân lô rõ ràng được kiểm soát tốt hơn”.
Khu đất phân lô trên đường Võ Văn Hát, phường Long Trường, quận 9, TP.HCM với hạ tầng nham nhở, đường ống nước nổi lên khỏi mặt đường. Ảnh: VIỆT HOA
Những kẽ hở cần chấn chỉnh
Quyết định 33 không khống chế diện tích khu đất được tách thửa đang được xem là kẽ hở dễ bị lợi dụng. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này quá thoáng nên có khu đất rộng cả chục hecta cũng thoải mái được phân lô, bán nền mà không cần lập dự án. Hệ lụy là có những khu dân cư cả trăm nền nhưng không có lấy một mảng xanh, còn hạ tầng thì được đầu tư rất lôm côm. Trong khi trước kia Quyết định 19/2009 yêu cầu khu đất 1.000-2.000 m2 phải có phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, còn trên 2.000 m2 phải lập dự án.
Về hạ tầng kỹ thuật, Quyết định 33 yêu cầu phải “đồng bộ hạ tầng khu vực, kết nối với khu vực” và giao toàn quyền cho địa phương phê duyệt kết quả thẩm định. Xét về chủ trương, quy định này hợp lý vì tình hình kinh tế-xã hội, quỹ đất, hạ tầng kỹ thuật… của 24 quận/huyện khác nhau.
Tại Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi có khi hạ tầng của khu dân cư còn cao hơn hạ tầng hiện hữu. Do đặc thù nên mỗi địa phương phải có trách nhiệm xây dựng quy chế, quy định với trường hợp phân lô, tách thửa phù hợp. Tuy nhiên, thực tế thì có vẻ phần “giao quyền” được thực hiện tốt hơn phần “trách nhiệm”. Những dự án lôm côm thì dễ dãi cho qua, trường hợp làm tốt đôi khi bị làm khó. Không có chuẩn mực, không có những yêu cầu bắt buộc các bên liên quan phải thực hiện, vì thế làm tốt hay không tùy thuộc tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của từng nơi.
* * *
Bịt chặt các kẽ hở nêu trên đang là vấn đề bức thiết. Nhưng cần đặt ra những tiêu chí cụ thể như thế nào để vừa giữ được trật tự quy hoạch đô thị, vừa không khiến chi phí đầu tư hạ tầng tăng vọt (dẫn tới giá nhà tăng cao, người nghèo không thể với tới) thực sự là bài toán khó. Từ thực trạng được Pháp Luật TP.HCM phản ánh, hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có cái nhìn đa chiều, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp nhất.