UBND quận 1 (TP.HCM) vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất bỏ duyệt bản vẽ hiện trạng nhà, đất vì không có trong thủ tục hành chính. Thủ tục này trước nay do các công chứng viên (CCV) yêu cầu, pháp luật không quy định.
Trong khi đó, không ít CCV cho rằng nếu bỏ sẽ rủi ro cho các bên, gây tranh chấp, khiếu nại và khổ cho dân hơn.
Chỉ làm giùm cho người dân
Quận 1 cho hay trong thời gian qua quận nhận và giải quyết nhiều hồ sơ thẩm định bản vẽ hiện trạng nhà, đất để bổ túc hồ sơ tách thửa, nhập thửa, chuyển nhượng, mua bán, cho tặng, kê khai di sản thừa kế.
“Tuy nhiên, qua rà soát các quy định hiện hành liên quan đến lĩnh vực nhà đất, quận nhận thấy không có quy định nào hướng dẫn về công tác thẩm định bản vẽ hiện trạng” - UBND quận 1 báo cáo. Mặt khác, từ năm 2010 UBND TP đã bỏ thủ tục “xác nhận bản vẽ hiện trạng” trong bộ thủ tục hành chính, áp dụng tại các quận/huyện trên địa bàn TP.HCM. Do vậy, quận 1 kiến nghị TP chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng không yêu cầu cá nhân, tổ chức phải thẩm định bản vẽ hiện trạng tại Phòng Quản lý đô thị quận/huyện khi thực hiện các công việc như tách thửa, nhập thửa, chuyển nhượng, mua bán, cho tặng, kê khai di sản thừa kế.
“Việc lập bản vẽ hiện trạng tách thửa, nhập thửa, chuyển nhượng, mua bán, cho tặng, kê khai di sản thừa kế do các đơn vị tư vấn có tư cách, chức năng căn cứ các quy định hiện hành lập và chịu trách nhiệm theo quy định” - quận 1 giải thích.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho hay việc duyệt bản vẽ thực địa xuất phát từ yêu cầu của các CCV. “Quận nhận và giải quyết giùm cho người dân nhưng qua rà soát thì không có thủ tục này nên kiến nghị bỏ” - ông Hòa nói.
Trước báo cáo của UBND quận 1, phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp cũng nhận định hiện không tồn tại quy định bắt buộc phải thẩm định bản vẽ hiện trạng khi tách thửa, chuyển nhượng một phần mà đây chỉ là căn cứ để CCV xác minh trong quá trình thụ lý hồ sơ công chứng. Lãnh đạo phòng Bổ trợ tư pháp cho hay sẽ có văn bản nhắc nhở các tổ chức hành nghề công chứng không yêu cầu cá nhân, tổ chức phải thẩm định bản vẽ hiện trạng khi công chứng.
Cán bộ Phòng Công chứng số 7 đang hướng dẫn người dân về thủ tục mua bán nhà, đất. Ảnh: CT
Bỏ: Coi chừng dân cực hơn…
Trưởng phòng Công chứng số 7, ông Hoàng Mạnh Thắng, nhìn nhận có việc CCV đề nghị khách hàng làm thủ tục thẩm định bản vẽ hiện trạng khi mua bán một phần, tách thửa, nhập thửa đất. Việc này không phải CCV đặt ra để làm khó khách hàng mà xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho hai bên, ngăn không xảy ra tranh chấp, khiếu nại hay hợp đồng công chứng bị hủy vì không được UBND quận/huyện đồng ý khi nộp đăng bộ, cấp giấy.
“Do thực trạng quản lý đất đai cũng như quá trình lịch sử về xây dựng nhà ở tại TP, nhiều trường hợp hiện trạng nhà, đất không trùng khớp với hồ sơ quản lý của quận/huyện. Họ mua bán nhà theo thực tế, có bản vẽ của công ty đo đạc nhưng khi nộp hồ sơ vào quận/huyện thì bị từ chối vì không khớp. Khi đó quyền lợi của người mua sẽ bị ảnh hưởng. CCV thì bị khiếu nại, thậm chí bị kiện vì chứng nhận hợp đồng nhưng họ không sang tên được” - ông Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Thắng, chính vì thực tế này mà phải duyệt bản vẽ thực địa, nếu bỏ thì sẽ gây khó cho người dân. “Còn ý kiến cho rằng CCV phải kiểm tra, xác minh thì xin nói là CCV không được trang bị về quản lý đất đai, xây dựng. CCV không thể đo đạc, không biết nhà đó xây dựng sai phép bao nhiêu, có lấn lộ giới hay không. Tóm lại cũng phải có bản vẽ và xác minh từ quận/huyện” - ông Thắng cho hay.
Và chưa chắc có lợi
“Không phải cứ hễ bỏ thủ tục hành chính là có lợi cho người dân. Nếu thực tế cần mà pháp luật bỏ thì khi đó người dân càng khó khăn hơn vì không ai nhận hồ sơ, không ai giải quyết cho họ mà phải xin cho và được hay không thì tùy lòng tốt của cơ quan tiếp nhận. Lúc đó dân còn cực hơn” - ông Thắng nhận định.
Trưởng phòng Công chứng số 4, ông Nguyễn Mạnh Cường, cũng đồng ý quan điểm này và cho biết thêm duyệt bản vẽ thực địa để tách thửa, mua bán một phần căn nhà là một thông lệ nhiều năm nay.
“Theo luật, muốn tách thửa thì người dân phải tách ra nhiều giấy chứng nhận nhỏ rồi mới được chuyển nhượng. Nhưng xét thấy vậy là khó cho dân nên chúng tôi chỉ cần bản vẽ được duyệt để biết diện tích, vị trí, số thửa của mảnh đất chuyển nhượng. Như vậy thì đâu phải là làm khó” - ông Cường bày tỏ.
Chỉ cần hai bên mua bán ký vào bản vẽ Tôi thấy bỏ thủ tục xét duyệt bản vẽ thực địa cũng phù hợp. Không cần quận/huyện thẩm định việc này nhưng phải quy định có chữ ký đồng ý của hai bên mua bán tại bản vẽ này. Việc hai bên cùng ký tên đồng ý sẽ nâng cao trách nhiệm, ý thức của các bên khi mua bán là phải tìm hiểu kỹ thông tin về tài sản, tính pháp lý và qua đó hạn chế tình trạng giấy tờ giả mạo. Hai bên đồng ý với bản vẽ về tài sản mua bán nên không thể kiện CCV tại sao chứng nhận hợp đồng. Cạnh đó, CCV cũng phải có trách nhiệm xác minh đối tượng hợp đồng khi người mua có yêu cầu. Tôi cũng hay hỏi khách hàng có muốn CCV xác minh không, nếu họ có yêu cầu thì CCV phải thực hiện. Nếu họ không cần thì thôi. CCV PHAN VĂN CHEO, Văn phòng Công chứng Sài Gòn Tôi muốn bản vẽ được duyệt để yên tâm mua bán Bỏ duyệt bản vẽ, tiện thì tiện nhưng tôi rất lo âu. Người dân như tôi không thể nào nắm được đầy đủ thông tin quy hoạch, nhà có nằm trên thông hành địa dịch hay không, có vi phạm xây dựng hay không, phần xây sai có được công nhận hay phải đập, có được cho tách thửa hay không. Giả sử tôi mua xong mà không được cơ quan cấp giấy giải quyết vì không đủ điều kiện hoặc sau này bị người khác tranh chấp vì đất tôi sử dụng nhưng bản đồ của Nhà nước là của người khác thì tôi biết kêu ai. Nếu có bản vẽ được duyệt thì tôi yên tâm hơn. Tuy nhiên, tôi mong muốn thủ tục này giải quyết nhanh, chính xác. Nếu chậm và khó khăn thì rất phiền hà và khổ cho dân. Bà HUỲNH THỊ MAI TRÂM, |