Năm học 2020-2021 đã bắt đầu, Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều câu hỏi liên quan về đối tượng, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HS-SV).
Để giải đáp những thắc mắc trên, cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã trả lời những trường hợp cụ thể mà bạn đọc đã gửi.
Trường hợp không phải đóng bảo hiểm y tế ở trường
. Bạn đọc Phạm Thùy Linh hỏi: Tôi là sinh viên năm nhất, gia đình tôi thuộc hộ nghèo và cha mẹ đều làm công nhân. Cho tôi hỏi, trường hợp của tôi có được miễn giảm đóng BHYT HS-SV không?
+ Bảo hiểm xã hội TP.HCM trả lời: Căn cứ quy định tại Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn dưới luật thì đối tượng gia đình hộ nghèo sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT.
Vì thế, trường hợp của bạn không phải tham gia BHYT HS-SV. Đề nghị bạn liên hệ với địa phương để được cấp thẻ BHYT diện hộ nghèo theo quy định.
. Bạn đọc Đức Long hỏi: Cha tôi là người có công với cách mạng thì tôi có được cấp thẻ BHYT HS-SV miễn phí không?
+ Trường hợp bạn đã được cấp thẻ BHYT diện thân nhân người có công với cách mạng thì không thuộc đối tượng tham gia BHYT HS-SV. Nếu cha bạn là người có công nhưng bạn không thuộc diện thân nhân người có công được cấp thẻ BHYT thì bạn phải tham gia BHYT HS-SV và bạn phải đóng tiền khi mua thẻ BHYT HS-SV.
. Bạn đọc Nguyễn Bích Thảo hỏi: Tôi đã đi làm bán thời gian ở một công ty nhưng công ty chưa tham gia BHYT bắt buộc cho tôi. Nay tôi thi đậu đại học tại chức, vừa học vừa làm thì có phải đóng BHYT HS-SV không?
+ Căn cứ quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn dưới luật, trường hợp bạn đi làm và có ký hợp đồng lao động thì bạn thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT do người lao động và người sử dụng lao động đóng BHYT. Đề nghị bạn liên hệ với đơn vị để được tham gia BHYT theo quy định.
. Bạn đọc Phạm Hương hỏi: Cha mẹ tôi đã mua bảo hiểm thương mại cho tôi. Vậy tôi có phải tham gia BHYT HS-SV ở trường nữa không?
+ Căn cứ quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn dưới luật, HS-SV thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Do đó, trường hợp cha mẹ bạn đã mua BHYT thương mại thì bạn vẫn thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.
Học sinh Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM trong một giờ hoạt động ngoài giờ. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Quyền lợi của học sinh, sinh viên khi nằm viện
. Bạn đọc Hương Xuân hỏi: BHYT cho HS-SV được thanh toán trong điều kiện như thế nào? Nếu không nằm viện mà đi khám ở phòng khám tư nhân có được thanh toán BHYT không?
+ Căn cứ quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn dưới luật, trường hợp bạn đi khám chữa bệnh đúng tuyến có xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh.
Trường hợp bạn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại phòng khám tư nhân hoặc các cơ sở tuyến quận, huyện trong địa bàn tỉnh có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT thì bạn vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định.
. Bạn đọc Huỳnh Phương hỏi: HS-SV đã tham gia BHYT hằng năm đầy đủ thì có được tính là tham gia BHYT liên tục năm năm không? Nếu hưởng các chế độ BHYT khi tham gia năm năm liên tục thì mức ưu đãi như thế nào?
+ HS-SV đã tham gia BHYT hằng năm đầy đủ thì được tính là tham gia BHYT liên tục năm năm (được ghi nhận trên thẻ BHYT). Khi HS-SV tham gia đủ năm năm liên tục và có chi phí đồng chi trả khi khám chữa bệnh đúng tuyến đủ sáu tháng lương cơ sở trong năm thì bạn đến cơ quan bảo hiểm xã hội làm thủ tục để được cấp giấy miễn đồng chi trả từ thời điểm đó đến ngày 31-12.
. Bạn đọc Thanh Vân hỏi: Con tôi là học sinh, bị bệnh và đã được bệnh viện nơi khám chữa bệnh ban đầu cho giấy chuyển viện lên khám ở bệnh viện tuyến tỉnh. Sau đó, bác sĩ cho giấy hẹn tái khám. Lần đi tái khám, con tôi có cần xin giấy chuyển viện của nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu nữa không để được tính là khám chữa bệnh đúng tuyến?
+ Với trường hợp trên, khi HS-SV đi tái khám thì không cần xin giấy chuyển viện của nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu nữa, mà chỉ cần mang theo giấy hẹn tái khám và thẻ BHYT cùng giấy tờ tùy thân có ảnh. Dựa theo những giấy tờ trên thì HS-SV vẫn được hưởng chế độ khám chữa bệnh đúng tuyến.
Chi quỹ hơn 1 tỉ đồng/học sinh điều trị bệnh Theo thống kê từ cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm học 2019-2020, số HS-SV tham gia BHYT trên cả nước đạt 18,16 triệu người (đã bao gồm tham gia theo nhóm đối tượng khác), tăng 1% so với năm học 2018-2019. Một số tỉnh có tỉ lệ HS-SV tham gia BHYT đạt 100% là Hải Dương, Hà Giang, Ninh Bình, Bắc Giang. Việc thực hiện tốt chính sách BHYT không chỉ đảm bảo cho các em HS-SV được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu, mà còn giảm được những rủi ro khi các em không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao. Trong năm 2019 và 2020, cả nước có 20 HS-SV khám chữa bệnh BHYT có chi phí cao. Trong đó, tỉnh Hòa Bình và Hà Nội có hai HS được chi phí quỹ BHYT thanh toán khám chữa bệnh hơn 1 tỉ đồng/trường hợp. |