Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, những loại giấy tờ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất, người sở hữu nhà trước ngày 15-10-1993 (trước ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực) thì gọi nôm na là “giấy trắng”. Năm 1993, khi Luật Đất đai có hiệu lực thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) được cấp cho người sử dụng đất. Giấy này có màu đỏ.
Năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định 60-CP về quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở tại đô thị. Theo đó, nhà, đất tại đô thị được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở. Giấy này có màu hồng nên người dân quen gọi là giấy hồng. Khu vực ngoài đô thị vẫn được cấp giấy chứng nhận QSDĐ (màu đỏ).
Đến ngày 1-7-2004, khi Nghị định 181/2004 có hiệu lực thì đất được cấp giấy chứng nhận QSDĐ và trên đó có thông tin về tài sản trên đất (màu đỏ). Năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2005 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng (màu hồng).
Một cách phân biệt tương đối đó là giấy hồng là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở, còn giấy đỏ là giấy chứng nhận QSDĐ.
Năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2009 về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận lúc này được thống nhất và chỉ còn một mẫu. Trên giấy thể hiện thông tin thửa đất và tài sản trên đất. Giấy có màu hồng và đang được áp dụng để cấp cho người sử dụng đất.
Một lưu ý là theo Điều 66 Nghị định 84/2007 thì kể từ ngày 1-1-2008, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng, cho QSDĐ, thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ. Như vậy, người có các loại giấy trắng nếu muốn giao dịch tài sản thì trước hết phải làm thủ tục cấp đổi thành giấy chứng nhận QSDĐ theo mẫu mới.
Riêng đối với giấy chứng nhận QSDĐ, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10-12-2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang giấy chứng nhận mới (khoản 2 Điều 97 Luật Đất đai 2013).
Khi giao dịch về tài sản, không nhất thiết phải phân biệt giấy màu gì mà quan trọng là thông tin thể hiện trong giấy chứng nhận như thế nào (thửa đất, loại đất và tài sản trên đất). Hiện nay, công nghệ làm giả các loại giấy tờ nhà, đất rất tinh vi, khó phát hiện bằng mắt thường, thậm chí có trường hợp cơ quan công chứng cũng khó biết. Chính vì thế, khi giao dịch người dân nên đến văn phòng đăng ký đất đai để nhờ xác minh các loại giấy tờ này.