Kể từ khi thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (1/10/1949) đến nay, Trung Quốc có 6 Thủ tướng, trong đó 3 người đã qua đời (Chu Ân Lai, Hoa Quốc Phong và Triệu Tử Dương), 2 người đang nghỉ hưu (Lý Bằng và Chu Dung Cơ) và 1 người đương nhiệm - Ôn Gia Bảo (từ 16/3/2003 đến nay).
Chị cả ngành điện lực Trung Quốc
Có nhiều người trong số 2.000 phóng viên trong và ngoài nước đã hướng sự chú ý của họ khi nhìn thấy Lý Tiểu Lâm, nữ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Trung Quốc xuất hiện tại Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc lần thứ 3, khóa XI chiều 3/3/2010. Một trong những nguyên nhân khiến họ quan tâm bởi Lý Tiểu Lâm là đại biểu nữ trong số hơn 2.000 người tham dự hội nghị và bà là con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng (1987-1998). Những đề xuất và kiến nghị của bà Lý Tiểu Lâm tại hội nghị được giới chuyên môn quan tâm bởi đây cũng là phương hướng phát triển của Trung Quốc trong thời gian tới - tập trung cho phát triển xanh và coi đây là hành động mang tầm quốc gia.
Bà Lý Tiểu Lâm - con gái cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng
Ngoài 4 đề xuất trình bày tại hội nghị, bà Lý Tiểu Lâm còn gây sự chú ý đặc biệt với dư luận khi đồng ý hướng dẫn các đại biểu nữ tham dự hội nghị nhảy điệu Latinh tại phòng nghỉ. Cũng tại hội nghị kể trên, nhiều đại biểu cũng như phóng viên đã hỏi bà Lý Tiểu Lâm về tình hình của cựu Thủ tướng và họ đều nhận được câu trả lời - cha tôi khoẻ và chuẩn bị cho ra mắt một cuốn sách mới. Cách đây gần 7 năm (tháng 6/2003), cựu Thủ tướng từng cho ra mắt cuốn "Nhật ký Tam Hiệp - Lý Bằng".
Với tư cách là quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới nên Trung Quốc cần nguồn năng lượng đa dạng, dồi dào và điện đóng vai trò quan trọng. Do đó, mọi di biến động của Tổng Công ty Điện lực Trung Quốc được dư luận, nhất là giới chuyên môn đặc biệt quan tâm. Đó là một trong những nguyên nhân khiến mọi người gọi Lý Tiểu Lâm là "Chị cả của ngành điện lực Trung Quốc". Từ khi còn là "phó tướng" tại Tổng Công ty Điện lực Trung Quốc, bà Lý Tiểu Lâm đã thuyết phục mọi người bằng công việc, cách suy nghĩ độc đáo, sáng tạo cũng như về cách sống, giá trị quan và nhân sinh quan. Có lẽ vì mọi người chỉ chú tâm tới danh phận của bà Lý Tiểu Lâm nên ít ai biết rằng, con gái cựu Thủ tướng là một mỹ nhân.
Những người từng tiếp xúc với bà Lý Tiểu Lâm đều có chung nhận xét, "Chị cả" tuy xinh đẹp, nhưng dễ gần. Mặc dù bận với bao công việc, nhưng bà Lý Tiểu Lâm vẫn luôn chăm sóc bản thân nên ít ai biết "Chị cả" đã bước vào tuổi 50 (sinh năm 1961). Hơn nữa, cách trang điểm, sở thích ăn mặc của bà Lý Tiểu Lâm cũng tạo nên một phong cách riêng tại Tổng Công ty Điện lực Trung Quốc.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa và lấy bằng Thạc sỹ (1988), bà Lý Tiểu Lâm từng là giáo viên tại Học viện Kỹ thuật điện lực, sau đó làm nhân viên kỹ thuật, công trình sư rồi Phó và Trưởng phòng. Hoạn lộ của bà Lý Tiểu Lâm phải tới năm 1994 mới bắt đầu "phát" cho dù cha làm Thủ tướng từ cuối năm 1987. Nhiều người cho rằng, vì từng du học tại MIT Sloan School of Business, Mỹ, nên "Chị cả" có phong cách làm việc rất Tây - làm ra làm, chơi ra chơi và luôn quan tâm tới hiệu quả công việc. Lý Tiểu Lâm cho biết, tuy được cha cưng chiều từ nhỏ, tính cách lại bướng bỉnh, nhưng "Chị cả" không dùng ảnh hưởng của gia đình vào công việc của mình.
Trong thời gian làm Thủ tướng, ông Lý Bằng cũng luôn căn dặn các con - phải làm việc nghiêm túc, không dựa dẫm, ỷ lại vào người khác. Những dặn dò cùng tác phong làm việc của cha - nghiêm túc, quyết đoán đã giúp bà Lý Tiểu Lâm rất nhiều trong công việc và con gái cựu Thủ tướng đã trưởng thành từ trợ lý Tổng Giám đốc lên "Chị cả". Sau chưa đầy 3 năm làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Điện lực Trung Quốc (tháng 3/2005), Lý Tiểu Lâm đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc (tháng 1/2008).
Hổ phụ sinh hổ tử
Sự tiếp đãi trọng thị của ông Mã Anh Cửu, người đứng đầu chính quyền Đài Loan đối với ông Chu Vân Lai, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài chính quốc tế Trung Quốc (China International Capital Corporation Limited - CICC) cách đây gần 8 tháng (17/9/2009) khiến dư luận chú ý. Cũng dễ hiểu bởi Tổng Giám đốc Chu Vân Lai là con trai trưởng của cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, người có khá nhiều tính cách giống cha. Theo giới truyền thông, ông Mã Anh Cửu đã tiếp ông Chu Vân Lai khi Tổng Giám đốc CICC tới tham dự "Hiệp hội lãnh đạo kinh doanh châu Á 2009" tại Đài Bắc. Ông Chu Vân Lai từng tham dự hội nghị tài chính do Đài Loan tổ chức từ nhiều năm trước. Và ngay từ khi đó, giới truyền thông Đài Loan đã luôn "bao vây, tấn công", nhưng ông Chu Vân Lai chỉ từ tốn trả lời - bố tôi vẫn khoẻ và muốn thăm Đài Loan vào thời gian thích hợp.
Sinh ra (năm 1957) tại tỉnh Hồ Nam và là con trai trưởng của cháu đời thứ 18 Chu Nguyên Chương, người sáng lập nhà Minh nên sự thăng tiến của ông Chu Vân Lai được dư luận rất quan tâm. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành vật lý khí quyển thuộc Viện Khí tượng Nam Kinh (1977-1981), ông Chu Vân Lai về công tác tại Cục Khí tượng Trung Quốc. Sau khi du học tại Mỹ, năm 1994, ông Chu Vân Lai lấy bằng Tiến sỹ tại Trường Đại học Wisconsin-Madison cũng về chuyên ngành vật lý khí quyển. Chỉ 1 năm sau (1994-1995), ông Chu Vân Lai đã lấy bằng Thạc sỹ kế toán tại Trường Đại học De Paul và làm việc 1 năm (1995-1996) ở Arthur Andersen, thành phố Chicago, Mỹ. 2 năm sau (1996-1998), ông Chu Vân Lai được cử làm cố vấn đầu tư cho Hãng tín dụng First Boston ở Thụy Sỹ. Từ năm 1998 đến 2000, ông Chu Vân Lai làm việc dưới quyền của đương kim Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn, khi đó là Tổng Giám đốc CICC ở Hongkong. Chỉ sau 4 năm (2000-2004), ông Chu Vân Lai đã được bổ nhiệm vào Ban Giám đốc CICC và kể từ năm 2004 đến nay, con trai trưởng của cựu Thủ tướng là Tổng Giám đốc CICC.
Ngay từ năm 2004, Tạp chí Fortune đã xếp ông Chu Vân Lai đứng thứ 15 trong số 25 nhà lãnh đạo của giới tài chính có ảnh hưởng nhất đối với châu Á. Giới truyền thông từng đưa tin, năm 2007, ông Chu Vân Lai nhận mức lương lên tới 17 triệu USD/năm, cao hơn thu nhập của năm 2006: 10 triệu USD/năm. Đây là mức đãi ngộ cao và có một vị trí quan trọng đối với hệ thống tài chính Trung Quốc, nhưng người ta ít khi thấy Tổng Giám đốc CICC xuất hiện cũng như phát ngôn trước đám đông. Tổng Giám đốc Chu Vân Lai vẫn còn nhớ lời căn dặn của cha cách đây 12 năm (1998-2010).
Sau khi nhậm chức Thủ tướng, ông Chu Dung Cơ đã gọi tất cả con cái tới huấn thị: Cha được làm Thủ tướng không biết đó là phúc hay họa đối với các con, điều này tự các con suy nghĩ. Tuy không giống bố - tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, nhưng ông Chu Vân Lai khá tâm đắc và học tập được một nguyên tắc sống, đó là dù bận công việc đến mấy cũng dành thời gian đọc báo chí trong và ngoài nước - vừa biết thông tin, vừa trau dồi ngoại ngữ.
Ông Chu Vân Lai cũng giống cha trong việc ghét phô trương, không muốn ai tâng bốc và sống giản dị. Trong phòng làm việc của ông Chu Vân Lai được bài trí đơn giản, không có bức ảnh nào chụp chung với cha. Thích mặc áo trắng, quần âu, nhưng tay không rời điếu thuốc và 44 tuổi vẫn chưa chịu lấy vợ, đó là hình ảnh của ông Chu Vân Lai cách đây mấy năm. Một trong những nguyên nhân khiến ông Chu Vân Lai lập gia đình muộn bởi quá ham công, tiếc việc - giống cha. Cách đây hơn 1 năm (tháng 2/2009), ông Chu Vân Lai có cuộc nói chuyện khá hy hữu về cha mình. Tuy nóng tính và thẳng thắn, nhưng cha lại thích tán chuyện gẫu với mọi người.
Thú vui hiện nay của ông là đọc thư tịch cổ, sử văn, khoa học, nhân vật... Hàng ngày ông cùng vợ, một phụ nữ dịu dàng và tháo vát chia sẻ với nhau mọi chuyện - từ sở thích cá nhân, đến con cái. Vì thích Kinh kịch từ nhỏ và chơi đàn nhị khá tốt nên ông thường trao đổi việc này với mẹ tôi… Ông thích ăn rau cải, rau sấy khô và măng, tuyệt giao với thuốc lá, rượu, nhưng thỉnh thoảng uống bia và thường xuyên rèn luyện thân thể, chủ yếu là đi bộ, song cũng tập thái cực quyền, thái cực kiếm, bóng bàn, bóng chuyền… Kể từ khi nghỉ hưu, ông rất ít khi xuất hiện trước đám đông.
Khi đương chức, ông Chu Dung Cơ nổi tiếng với sự kiên quyết chống tham nhũng. Và một trong những nguyên tắc lớn nhất của ông Chu Dung Cơ sau khi nghỉ hưu là không nói chuyện công việc với bất cứ ai. Người em họ Chu Kính Tri từng nhiều lần cho biết, khi đương chức, ông Chu Dung Cơ không ưu ái họ hàng, con cháu, muốn họ tự thân vận động. Ông Chu Dung Cơ từng thẳng thắn - tôi có khuyết điểm, đó là phê bình cán bộ quá nghiêm khắc và chỉ hy vọng, sau khi nghỉ, mọi người có thể nói, ông ấy là thanh quan, không phải tham quan. Cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ từng nhiều lần nhắc câu châm ngôn đời Minh - Quan lại không sợ ta nghiêm khắc, nhưng sợ ta liêm khiết; Dân không nể phục ta giỏi giang, nhưng phục ta công bằng; Công bằng thì dân không dám nhờn, liêm khiết thì quan không dám khinh; Công bằng sinh ra sáng suốt, liêm khiết sinh ra uy nghiêm.
Là Thủ tướng thứ 5 của nước CHND Trung Hoa (17/3/1998 - 16/3/2003), ông Chu Dung Cơ đã để lại khá nhiều lý lẽ sâu sắc được nhiều quan chức, cũng như người dân tâm đắc. Theo đó, hạnh phúc do mình tạo ra, đừng quá coi trọng đồng tiền, nhưng nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình… Nhiều người nói rằng, ông Chu Dung Cơ vẫn giữ được phong cách của mình kể cả khi đã nghỉ hưu, đó là khiêm tốn, ghét sự phô trương, không muốn ai tâng bốc. Ngoài ra, ông còn từ chối xem, đọc tất cả những gì viết ca ngợi mình, trừ những ý kiến phê phán. Cho tới nay, ông Chu Dung Cơ vẫn từ chối mọi sự gợi ý viết hồi ký, kể lại những năm tháng làm Thủ tướng.
Theo Lê Tuấn Cường - Lê Quỳnh Trang (ANTG cuối tháng)