Những người hùng thầm lặng - mảng màu tươi đẹp của thế giới

(PLO)- Thế giới có những người hùng làm những công việc thầm lặng để giúp đỡ người khác và giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thế giới ngày nay đối mặt nhiều vấn đề nhân đạo, môi trường và cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều bên để giải quyết. Trong bối cảnh đó, có rất nhiều người sẵn sàng hy sinh thời gian và quyền lợi cá nhân, tham gia giải quyết các vấn đề chung của xã hội.

Đài CNN gọi những nhân vật này là những người hùng và họ đang góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Xây dựng cuộc sống mới thông qua âm nhạc

Anh Ron Davis Alvarez lớn lên ở khu ổ chuột Caracas (Venezuela). Năm 10 tuổi, anh tham gia chương trình El Sistema – cung cấp chương trình đào tạo nhạc cổ điển miễn phí cho trẻ em từ các cộng đồng gặp khó khăn.

“Tôi đã yêu âm nhạc ngay từ lớp học đầu tiên của mình” – anh chia sẻ.

Những người hùng thầm lặng
Anh Ron Davis Alvarez hỗ trợ các học sinh học nhạc. Ảnh: CNN

Năm 14 tuổi, anh đã tham dạy nhạc. Năm 16 tuổi, anh đã chỉ huy dàn nhạc. Sau cùng, anh Alvarez làm việc cho El Sistema để giúp truyền bá các phương pháp giảng dạy sáng tạo của chương trình này trên toàn thế giới. Chính công việc này cho anh cơ hội anh đến thăm Thụy Điển lần đầu tiên vào năm 2015.

Anh Alvarez đã đến Stockholm (Thụy Điển) đúng vào thời điểm số lượng người tị nạn chưa từng có đang đổ về đất nước này, chủ yếu là từ Syria, Iraq và Afghanistan. Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của những người tị nạn, anh muốn giúp đỡ họ.

Năm 2016, anh đến TP Gothenburg (Thụy Điển) và thành lập một nhóm nhạc cho người tị nạn với 13 học sinh. Anh biết rằng việc chơi nhạc cùng nhau sẽ giúp các em kết bạn, thể hiện bản thân và xây dựng lại niềm tin.

Đến nay, chương trình có hơn 300 thành viên, từ 3 đến 56 tuổi, thuộc hơn 25 quốc tịch. Ngoài nhiều người nhập cư và người tị nạn, nhóm của anh Alvarez cũng bao gồm nhiều người Thụy Điển bản địa.

Cứu sống những chú chó và chủ của chúng

Năm 2011, khi ông Stephen Knight 51 tuổi, ông rơi vào tình cảnh mất tất cả vì nghiện ma túy. Ông cũng nhiễm HIV. Sau đó, ông Knight quyết định vào trại cai nghiện.

Sau 8 tháng cai nghiện, ông được quay về nhà. Vào một ngày nọ, ông Knight mở cửa và thấy một cô gái đang khóc. Khi ấy, cô gái này đang ôm một chú chó tên Jayde. Cô này cho biết cô bị tái nghiện, cần đến trung tâm cai nghiện và muốn nhờ ông Knight tìm chủ mới cho Jayde.

frame-1544.jpg
Ông Stephen Knight. Ảnh: CNN

Sau đó, ông Knight quyết định nhận nuôi chú chó Jayde. Ông cũng nhận ra rằng những người khác cũng phải gặp nhiều khó khăn để tìm chủ tạm thời cho những chú thú cưng yêu quý của họ trong thời gian họ cần vào trại cai nghiện.

Đây cũng là động lực để ông và những người bạn thành lập tổ chức Dogs Matter, chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cho vật nuôi trong khi chủ của chúng đang trong quá trình cai nghiện.

Trước khi nhận nuôi thú cưng, Dogs Matter tiến hành đánh giá hành vi của động vật và lập các hợp đồng yêu cầu những người tham gia phải tuân thủ kế hoạch cai nghiện. Đến nay, tổ chức phi lợi nhuận của ông đã giúp đỡ hơn 1.200 chú chó và chủ của chúng.

Giúp trẻ em gái đến trường

Là sinh viên chuyên ngành marketing, vào năm cuối đại học, cô Payton McGriff tham gia lớp học khởi nghiệp. Trong lớp học, cô được giao nhiệm vụ thành lập một doanh nghiệp hoặc tổ chức phi lợi nhuận. Khi ấy, cô nhớ đã đọc được thông tin về việc ở nhiều quốc gia, nhiều gia đình nghèo muốn cho con gái đi học nhưng không đủ khả năng chi trả học phí, đồ dùng học tập và đồng phục.

Cô kể chuyện này với giáo sư hướng dẫn. Sau đó, giáo sư khuyến khích cô tham gia chuyến đi đến quê hương Togo (Tây Phi) của ông. Ở đó, cô đã tận mắt chứng kiến ​​nhiều trẻ em gái gặp khó khăn trong việc đến trường.

“Đồng phục thường là một trong những món đồ đắt tiền nhất. Nhưng nếu giải quyết được vấn đề này, chúng có thể giữ chân để các cô gái đến trường” – cô McGriff nói.

Cuối cùng, cô McGriff quyết định thành lập Style Her Empowered, gọi tắt là SHE. Trong năm đầu tiên sau khi thành lập, tổ chức này đã thuê thợ may địa phương ở Togo may đồng phục và cung cấp đồng phục, học phí cho 65 bé gái.

aimee-20240716210143755.webp
Trẻ em Togo mặc đồng phục của SHE cung cấp. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, các trẻ em gái tại đây thường lớn nhanh và các bộ đồng phục dần chật. Giải quyết vấn đề này, nhóm của cô McGriff đã tạo ra “bộ đồng phục có thể tự lớn”. Bộ đồng phục có các yếu tố có thể điều chỉnh được, có thể vừa với một cô gái trong tối đa 3 năm. Đến khi những bộ đồng phục này không vừa với các nữ sinh nữa, chúng được chuyển cho các em nhỏ hơn.

Ngày nay, mỗi năm, SHE cung cấp đồng phục miễn phí cho 1.500 cô gái ở Togo, cùng học phí, đồ dùng và nhiều thứ khác. SHE cũng tuyển dụng nhiều phụ nữ ở quốc gia vào làm việc.

Tích cực hỗ trợ người nhập cư

Cô Rachel Rutter là luật sư di trú. Sau nhiều năm làm việc, cô nhận ra nhiều trẻ em nhập cư vào Mỹ mà không có người đi kèm phải đối mặt nhiều khó khăn. Các em thiếu chỗ ở ổn định, thiếu thức ăn, đồng thời cần hỗ trợ về sức khỏe tâm thần và học tập.

“Tôi thấy rằng những đứa trẻ này không chỉ cần hỗ trợ pháp lý, chúng còn cần tất cả những thứ khác nữa, nếu chúng thực sự muốn chữa lành và thành công” – cô Rutter nói.

frame-9153.jpg
Cô Rachel Rutter và một bé gái được cô hỗ trợ. Ảnh: CNN

Vào năm 2015, cô thành lập dự án Libertad, cung cấp dịch vụ đại diện pháp lý miễn phí, các dịch vụ thiết yếu, xã hội, cũng như các chương trình hỗ trợ cho thanh thiếu niên nhập cư. Đến nay, dự án này đã hỗ trợ hơn 1.100 cá nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm