Những người sửa lời thề Hippocrates

Trên bức tường phía sau vườn nhà ông có hàng chữ mà các sinh viên y khoa ở miền Nam trước đây vẫn tuyên thệ khi ra trường: "Vì tình thương nhân loại, tôi sẽ cứu giúp tất cả mọi người và truyền nghề cho bất cứ ai có khả năng và thiện chí".
Những người sửa lời thề Hippocrates ảnh 1
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cùng đoàn đại biểu cao cấp của Việt Nam thăm bác sĩ Bùi Duy Tâm. (Ảnh: Internet)
Lời tuyên thệ đó được Giáo sư Tâm sửa từ lời thề của sinh viên y khoa phương Tây trước đây trước ông tổ của y khoa thế giới Hippocrates: "Tôi chỉ truyền nghề cho các con của các thầy". Và theo ông, sinh viên y Việt Nam nên tuyên thệ trước ông tổ của mình là Hải Thượng Lãn Ông.

Chính vì tâm nguyện "cứu giúp tất cả mọi người" mà bác sĩ Tâm khi còn ở Việt Nam trước năm 1975 đã có những hành động khó có thể khiến chính quyền Sài Gòn cũ hài lòng.

Đầu tiên là việc ông cứu giúp những người lính cách mạng bị thương trong chiến dịch Mậu Thân 1968 ngay tại Đại học Y khoa Huế. Ông đã làm đúng tinh thần của một bác sĩ chân chính: Ai bị thương là cứu chữa, bất kể người đó đứng về phía nào.

Là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp ở Mỹ với hai bằng tiến sĩ ngành y, bác sĩ Tâm sau khi về nước được đưa ngay về Đại học Y khoa Huế. Chính quyền cũ hy vọng ông sẽ có tư tưởng thân Mỹ và giúp chính quyền Sài Gòn dẹp yên phong trào sinh viên đang lên ở đó. Nhưng trái với mong đợi của họ, bác sĩ Tâm đã tổ chức nhiều hoạt động khơi dậy tinh thần yêu nước trong sinh viên.

Trong căn phòng của ông nay vẫn còn một số bức ảnh chụp sinh viên Đại học Y khoa Huế thời đó mặc trang phục truyền thống của dân tộc trong lễ tốt nghiệp thay vì "kiểu áo từ thời thời Trung Cổ".

Tấm lòng người con xa xứ

Trong nhiều năm qua, Giáo sư Bùi Duy Tâm cùng những người con nối nghiệp ông, học trò cũ và cả các đồng nghiệp Mỹ đã hết sức giúp đỡ các trường y của Việt Nam thực hiện nhiều dự án nghiên cứu.

Những ngày nghỉ, Giáo sư Tâm thường đến nhà của các cháu nội, ngoại và dạy cho các cháu về truyền thống yêu nước, về nền văn hóa Việt. Một người cháu gái của ông là họa sĩ đã được ông hướng dẫn học cả các trường phái tranh của Tây phương và Đông phương.

Trong cuộc gặp với chúng tôi, nữ họa sĩ trẻ đã kéo một bản nhị "Hồn Vọng Phu" trước sự kinh ngạc của những vị khách Việt Nam và Mỹ.

Trong căn nhà nhỏ của ông, dường như mọi đồ vật đều mang hơi thở của Việt Nam, từ những vật lưu niệm hình phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài, đến chiếc giường nằm, hay chiếc đàn đá ông đặt ngoài vườn.

Và cũng chính ông, năm 2006 khi ở tuổi "thất thập cổ lai hy", đã trở thành người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Bắc Cực với tấm biển có đề chữ "Việt Nam - Bùi Duy Tâm".

Cuộc gặp ấn tượng

Được tiếp Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cùng nhiều cán bộ cấp cao của Việt Nam tại nhà riêng, Giáo sư Tâm hết sức cảm động.

Với giọng nói sang sảng mà ai nghe được cũng khó ngờ ông đã ngoài 80 tuổi, ông nói: "Hôm nay là một ngày rất đặc biệt khi đoàn đại biểu cao cấp của Nhà nước Việt Nam, gồm cả ngài Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, các thứ trưởng, vụ trưởng, Tổng lãnh sự, đến thăm gia đình một thường dân đã từng đứng bên kia chiến tuyến."

"Nhà nước Việt Nam đã dang tay ra trước, lẽ nào chúng tôi không hân hoan đón nhận", Giáo sư Tâm tâm sự. Ngày nay, với phương châm "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã "thành công, thành công, đại thành công".

Bằng giọng nói đầy xúc động, ông mong muốn Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cùng đoàn đại biểu Việt Nam đón nhận từ cá nhân ông cùng gia đình và bạn hữu của ông "lòng trân trọng và khâm phục"./.

Theo Tin tức/Vietnam+

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm