Những 'người thầy bao đồng' cõng chữ lên non

(PLO)- Dành cả thanh xuân để gắn với những học sinh miền núi, những "người thầy bao đồng"  có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa đối với nơi mình công tác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong không khí cả nước hướng về Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng những thầy giáo hiện đang công tác ở một số trường tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam về những ngày đến đầu tiên đến với mái trường cũng như hỗ trợ cho các học trò nơi đây.

Người thầy
Thầy Nguyễn Trần Vỹ và các em học sinh. Ảnh: TRÀ THỊ THU

Người kết nối xây dựng 60 điểm trường...

Nhớ về những ngày đầu tiên đặt chân đến đây, thầy Vỹ cho biết, khi mới vào nghề, thầy đã rất rất xúc động khi chứng kiến cảnh học sinh mặc quần áo rách rưới, ăn không đủ no, trường học tạm bợ, không điện, không sóng điện thoại, bà con khó khăn.

Trước những thiếu thốn ấy, thầy Vỹ đã tự bỏ tiền túi để mua bánh kẹo nhằm kêu gọi các em đến trường đầy đủ thay vì lên rẫy phụ cho ba mẹ.

"Nhưng vì bà con quá khó khăn nên tôi thành lập câu lạc bộ (CLB) 'Kết nối yêu thương', mong sẽ có nhiều anh em trợ lực" - thầy Vỹ cho hay.

Và may mắn, CLB "Kết nối yêu thương" của thầy Vỹ được nhiều thầy cô giáo lên công tác tại đây hưởng ứng.

"Cứ vào cuối tuần, anh em chúng tôi lại đi đến những ngôi trường còn nền đất, để khắc phục phần nào đó cho các con ngồi học ấm hơn.

Sau này, tôi học cách chơi Facebook, kết nối được với rất nhiều anh chị em trong và ngoài nước để hỗ trợ bà con, học sinh những món quà, cây giống, vật nuôi,.. để làm kế sinh nhai, lấy ngắn nuôi dài, rồi kêu gọi làm trường, làm nhà, mái che, làm cầu.

Gắn bó nơi núi rừng hùng vĩ đến tận bây giờ, tôi không nghĩ lại lâu như vậy" - thầy Vỹ chia sẻ.

Người thầy
Người thầy
Thầy Vỹ có nhiều hoạt động thiết thực khi công tác tại Nam Trà My

Được biết, thầy Nguyễn Trần Vỹ đã công tác ở huyện Nam Trà My trên 20 năm. Trong 20 năm đó thầy đã kết nối xây dựng được 60 điểm trường, hàng chục cây cầu dân sinh, hàng trăm công trình nhà vệ sinh, hàng trăm ngôi nhà cho người dân cùng hàng ngàn món quà giúp dân thoát nghèo tại huyện Nam Trà My.

"Những điều tôi làm chỉ là một phần nhỏ bé trong cuộc sống nhưng tôi hạnh phúc. Tôi rất vui vì nhìn thấy các em ngồi học trong lớp học chắc chắn, có khu vui chơi để chơi. Bà con nơi đây cũng ý thức và hạnh phúc hơn vì được gắn kết với rất nhiều trái tim yêu thương đến với mảnh đất Nam Trà My" - thầy Vỹ trải lòng

Trồng rau bán lấy tiền mua dụng cụ học tập cho học sinh

Chúng tôi tiếp tục đến thăm thầy giáo Nguyễn Văn Hối, quê ở huyện Thăng Bình, hiện đang giảng dạy tại điểm trường Tâk Rối, thuộc trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My.

Năm nay thầy Hối đã 60 tuổi, mặc dù tóc và râu đã điểm muối nhiều hơn tiêu nhưng dáng đi lẫn phong thái còn rất nhanh nhẹn. Chứng kiến cảnh thầy cặm cụi bày các con từng nét chữ mà nhiều người không khỏi nghẹn ngào.

Tính đến nay, thầy Hối đã dạy học ở huyện Nam Trà My được hơn 26 năm - một khoảng thời gian gần bằng nửa đời người. Thầy giữ chức vụ Hiệu phó qua nhiều trường, ở các xã như Trà Don, Trà Vân và cuối cùng, là dừng chân ở mảnh đất Trà Tập đầy gian nan, khó khăn này.

 Người thầy
Thầy Nguyễn Văn Hối trong một giờ dạy học

Trước đây, ngoài việc dạy học, thầy còn vận động các thầy cô cùng nhau tranh thủ các giờ nghỉ, tổ chức trồng rất nhiều loại rau để cải thiện bữa ăn cho giáo viên và học sinh bán trú.

Thầy Hối luôn giúp đỡ đồng nghiệp phát triển về chuyên môn, luôn truyền tải những cách dạy hay, những kinh nghiệm dạy học của bản thân đến với thầy cô giáo trẻ. Đặc biệt, thầy rất tâm huyết với nghề, tận tụy với học sinh.

Tự nhận mình là một người khá nóng tính, thế nhưng trước "đàn con thơ" thiếu nhiều may mắn , thầy Hối cho rằng mình phải biết nuông chiều để làm sao cho các con hứng thú với việc học tập cũng như yêu thích việc đến trường.

Người thầy
Thầy Hồi tăng gia để giữ sức khoẻ và hỗ trợ cho phụ huynh, học sinh

"Hằng ngày, tranh thủ lúc sáng sớm và chiều tan học, tôi trồng thêm bí, bầu, rau các loại... Trước là vận động kiếm chút sức khỏe, sau đó gửi cho phụ huynh, thỉnh thoảng mang tặng cho các thầy cô giáo của trường, còn lại tôi bán lấy tiền để mua sắm các dụng cụ cần thiết và tổ chức liên hoan mà không phải thu tiền các em.

Trải qua hơn 26 năm công tác, vào chặng đường cuối cùng của sự nghiệp, tôi mới nhận ra giá trị đích thực của người giáo viên cõng chữ lên non. Ba năm gần đây, được đứng lớp, được ở tại nóc, được gần gũi, được tiếp xúc thì mới cảm nhận được cái cần cho, phải cho và phải làm gì để cho ra sản phẩm tốt.

Riêng tôi, thật hạnh phúc khi thấy từng em học sinh của tôi biết đọc, biết viết, biết làm toán, biết các kỹ năng cần có trong cuộc sống và đặc biệt biết làm người tử tế" - thầy Hối xúc động tâm sự.

Qua cuộc trò chuyện với các thầy cô giáo đang hoạt động ở miền núi, chúng tôi cảm nhận được một phần trong lòng các thầy cô cũng muốn xuôi về đồng bằng, được gần gia đình và chăm sóc con cái.

Vì thương cái nghèo, cái cơ cực, cái khổ của học sinh miền núi khó khăn kiếm tìm từng con chữ và vì tình thương dành cho phụ huynh - những người miền núi gần gũi, thân thiện nên các thầy cô đã nguyện một lòng cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục cho vùng đất này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm