Ngày 19-11, dịp 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ GD&ĐT tuyên dương thầy giáo Vũ Văn Tùng, Trường TH và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, là một trong 200 gương mặt tiêu biểu đại diện cho 1,6 triệu giáo viên cả nước.
Thầy Tùng cũng được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh trong 58 giáo viên tiêu biểu năm 2023.
Thầy Vũ Văn Tùng được biết đến là người sáng lập, xây dựng mô hình “Tủ bánh mì 0 đồng” hỗ trợ bữa ăn sáng cho hơn 200 học sinh dân tộc thiểu số Trường TH và THCS Đinh Núp. Đồng thời, tạo “Quỹ sinh kế” trao tặng bò, dê sinh sản cho nhiều gia đình học sinh khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Từ năm 2021 đến nay, mô hình đã tạo sự lan tỏa tốt đẹp, được mọi người ủng hộ sẻ chia. Qua đó, mô hình đã tiếp nhận gần 400 triệu đồng.
Trao đổi với PLO, thầy Tùng chia sẻ: “Trước đây, học sinh đi học thường bỏ về nhà, không lên lớp nữa. Tìm hiểu mới biết do các em nhịn đói đi học, giữa ngày bỏ về kiếm đồ ăn nên nghỉ học luôn. Thấy vậy, tôi mới nảy ra ý tưởng “Tủ bánh mì 0 đồng” để cho học sinh no cái bụng, yên tâm đến trường”.
Để duy trì mô hình, nhà trường và các thầy cô, mạnh thường quân đã chung tay góp sức. Sau khi có mô hình, học sinh đến trường đều và đông đủ hơn. Để chuẩn bị tủ bánh cho các em, từ 4 giờ 30 sáng thầy Tùng đã tất bật lo đầy đủ bánh mì cho bữa sáng.
Thầy Tùng cho biết thêm, mô hình “Tủ bánh mì 0 đồng” ban đầu chỉ giúp các em giải quyết “cái bụng đói”, sau này để căn cơ hơn đã gây “Quỹ sinh kế” để hỗ trợ gia đình các học trò nghèo vươn lên thoát nghèo. Đến nay, quỹ đã trao 12 mô hình sinh kế với chín con bò, bảy con dê sinh sản. Hiện quỹ còn sáu con bò sinh sản đang nuôi và đã sinh thêm được bốn bê con’.
“Thấy học trò nghèo đến trường đều mỗi ngày, được hỗ trợ sinh kế là niềm vui lớn đối với các thầy cô trong nhà trường”, thầy Tùng vui vẻ nói.
Nói về mô hình của thầy Vũ Văn Tùng, ông Đặng Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Pờ Tó bày tỏ: “Địa bàn xã có đến 98% là người dân tộc thiếu số Ba Na, có gần 30% là hộ nghèo. Nhờ cách làm hay, thiết thực của thầy Tùng và nhà trường nên số học sinh nghỉ học theo mẹ lên nương rẫy hoặc bỏ học giữa chừng giảm hẳn”.