Trao bằng khen và tuyên dương 200 nhà giáo, cán bộ tiêu biểu năm 2023

(PLO)- Tại buổi lễ tuyên dương, nhiều giáo viên đã tâm sự, chia sẻ về những khó khăn của nghề giáo và những kỳ vọng trong tương lai.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 19-11, Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ tuyên dương chiều 19-11.jpeg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ tuyên dương chiều 19-11. Ảnh: MT

Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023 là hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (1982 - 2023).

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thầy, cô giáo trên cả nước nói chung và 200 nhà giáo tiêu biểu có mặt tại sự kiện này.

Bộ trưởng ghi nhận, các thầy, cô đã vượt qua nhiều khó khăn để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà. Nhiều nhà giáo bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, đã dâng cả tuổi thanh xuân của mình để hết lòng vì học sinh thân yêu.

Toàn cảnh Lễ tuyên dương giáo viên tiêu biểu năm 2023..jpeg
Toàn cảnh Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ giáo dục tiêu biểu năm 2023. Ảnh: MT

Bộ GD&ĐT xác định, phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, nền tảng bền vững và có tính chất quyết định để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhiệm vụ các thầy, cô giáo là góp phần lan tỏa những gì đã tích lũy được, những gì mà mình tâm đắc trong giảng dạy, Bộ trưởng nhìn nhận.

Đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2023, phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thành Nhân, giảng viên cao cấp tại Khoa Toán - Tin học (Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở một vùng nông thôn nghèo khó, cảm nhận được những khó khăn vất vả mà cha mẹ mình phải trải qua.

Vượt lên khó khăn bằng cách không ngừng học tập, anh ý thức được sức mạnh, tầm quan trọng và cơ hội phát triển bền vững mà giáo dục có thể tạo ra. Chính vì thế, khi được trực tiếp đứng trên bục giảng giảng dạy, được đồng hành và gắn bó với các hoạt động trong ngành Giáo dục là một niềm vinh dự của cá nhân anh.

Chia sẻ bên lề buổi lễ, cô Ma Thị Bạch - Giáo viên Trường Tiểu học Minh Quang, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) cho biết, những trường miền núi tại địa phương cô nói riêng và trên toàn quốc nói chung đều gặp vô vàn khó khăn, cơ sở vật chất ở trường vẫn chưa đầy đủ. Phòng học còn chật hẹp, sơ sài và đến hơn 90% các em học sinh là dân tộc thiểu số.

Cô Ma Thị Bạch, giáo viên Trường Tiểu học Minh Quang, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ về khó khăn của giáo viên vùng cao.jpeg
Cô Ma Thị Bạch, giáo viên Trường Tiểu học Minh Quang, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ về khó khăn của giáo viên vùng cao. Ảnh: MT

Về chế độ ưu đãi, lương cho các cấp giáo viên, theo cô Ma Thị Bạch, hiện tại sau khi được Bộ GD&ĐT ưu ái quan tâm thì các giáo viên cũng đã được hưởng chế độ tốt hơn, đủ nguồn sống để trang trải cho gia đình.

Tuy nhiên, tại trường Tiểu học Minh Quang - nơi cô đang giảng dạy, tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn diễn ra, đặc biệt, chính sách tiền lương dạy thêm giờ vẫn chưa được cải thiện.

Cô hy vọng trong thời gian tới, các cấp lãnh đạo có thể quan tâm hơn nữa để các em học sinh có cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ, tạo điều kiện cho các em học tập tốt. Giáo viên vùng cao sẽ được hưởng đúng, hưởng đủ chế độ chính sách để các thầy cô yên tâm bám bản.

IMG_9330.jpeg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao bằng khen cho nhà giáo, cán bộ quản lí tiêu biểu các cấp giáo dục. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Lần đầu tiên sau 18 năm theo nghề, cô Trần Thị Bích Lựu - Giáo viên Trường Mầm non Thuận, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã vinh dự được nhận bằng khen tuyên dương của Bộ GD&ĐT. Cô xúc động chia sẻ, khi được nhận vinh dự này, cô cảm thấy những khó khăn mà bản thân cố gắng trong nhiều năm qua đã thực sự được đền đáp.

cô Trần Thị Bích Lựu - Giáo viên Trường Mầm non Thuận, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) vinh dự nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT sau 18 năm theo nghề giáo.jpeg
cô Trần Thị Bích Lựu - Giáo viên Trường Mầm non Thuận, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) vinh dự nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT sau 18 năm theo nghề giáo. Ảnh: MT

Cô kỳ vọng trong tương lai đội ngũ giáo viên mầm non sẽ được chú ý quan tâm hơn. Thứ nhất là chế độ lương sẽ được đảm bảo để ít nhất là giáo viên có thể kiếm sống. Thứ hai, theo cô Lựu, giáo viên mầm non rất cần sự đồng hành và chia sẻ của các bậc phụ huynh trong công tác dạy dỗ trẻ em. Bởi, theo cô, sự phối kết hợp của phụ huynh là nguồn động viên đầu tiên với một giáo viên mầm non.

Cuối cùng, cô hy vọng Bộ GD&ĐT cùng các cấp lãnh đạo sẽ quan tâm, sát sao hơn nữa, đồng hành cùng giáo viên trong công tác giáo dục cũng như đổi mới giáo dục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm