Những nguy hại từ mạng xã hội là thách thức lớn với đất nước

(PLO)- Đại biểu Quốc hội - PGS-TS Bùi Hoài Sơn kêu gọi đã đến lúc cả cộng đồng cần chung tay thay đổi thực trạng tinh thần, tâm hồn người Việt đang bị thao túng trên mạng xã hội.

Bên hành lang Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) QH - PGS-TS Bùi Hoài Sơn đã trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về những lo lắng của ông.

Văn hóa thịnh thì đất nước thịnh

. Phóng viên: Phát biểu trước QH sáng 29-10, ông đã bày tỏ lo ngại về thực trạng tinh thần, tâm hồn của người Việt đang bị thao túng bởi Facebook, YouTube, TikTok. Ông có thể chia sẻ sâu hơn với bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này không?

+ ĐBQH - PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Trong thời đại số, mạng xã hội đem lại nhiều tiện lợi nhưng cũng để lại không ít hệ lụy tiêu cực. Chúng ta cần nhìn nhận đúng để “gạn đục khơi trong”, tìm ra giải pháp giúp văn hóa đất nước phát triển bền vững.

Sự phụ thuộc vào mạng xã hội khiến cho các bạn trẻ ngày càng xa rời cuộc sống thực, cô đơn, trống rỗng, giống như bị cướp đoạt mất linh hồn.

Các nền tảng như Facebook, YouTube và TikTok đang chi phối, thậm chí thao túng suy nghĩ, lối sống, thói quen của chúng ta. Mỗi ngày mở mạng ra, chúng ta thấy hàng loạt những clip, nội dung lệch lạc, tiêu cực đập vào mắt.

Đáng chú ý là nội dung video của những “giang hồ mạng” với hành vi, lời nói phản cảm, tục tĩu, hăm dọa nhau… Thậm chí, có những tranh cãi của một số nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng tác động tiêu cực đến xã hội…

Đại biểu Quốc hội - PGS-TS Bùi Hoài Sơn.

Tôi rất lo ngại khi nội dung trên các nền tảng mạng xã hội này không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới sự lan truyền các thông tin sai lệch, độc hại, gây ra nhận thức, hành vi sai lệch. Những nguy hại này không chỉ là vấn đề cá nhân mà là một thách thức lớn đối với toàn xã hội, với đất nước.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn...”. Khi giới trẻ lãng quên văn hóa dân tộc, say mê với những điều tiêu cực là lúc chúng ta cần lo ngại về sức mạnh của đất nước. Tôi thậm chí còn muốn nhấn mạnh “Văn hóa thịnh thì đất nước thịnh, văn hóa suy thì đất nước suy” để nói về ý nghĩa của việc bảo vệ và xây dựng văn hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay.

. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?

+ Trước hết, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông và công nghệ thông tin đã tạo ra thay đổi lớn trong cách tiếp cận và tiêu thụ thông tin của chúng ta.

Thứ hai, thay vì kết nối với gia đình, giao lưu với bạn bè ngoài đời thực, giới trẻ hiện nay có xu hướng dành phần lớn thời gian của mình trên các nền tảng mạng xã hội.

Thứ ba, không thể không nhắc đến sự thiếu hụt trong giáo dục về kỹ năng phản biện và đánh giá thông tin. Gia đình và nhà trường hiện nay chưa chú trọng trang bị cho các bạn trẻ những kỹ năng cần thiết để xử lý thông tin trong thời đại số, khiến họ dễ dàng trở thành nạn nhân của những thông tin sai lệch và bị thao túng bởi các xu hướng tiêu cực trên mạng.

Cuối cùng, đó là sự thiếu kết nối giữa các thế hệ. Khi mà các giá trị văn hóa truyền thống không được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, giới trẻ dễ dàng bị cuốn vào những trào lưu mới. Sự thiếu nhận thức về giá trị văn hóa có thể khiến cho họ dễ dàng chấp nhận và tham gia vào những nội dung tiêu cực trên mạng xã hội.

Giáo dục là chìa khóa then chốt

. Vậy ông có đề xuất giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

+ Để giải quyết những vấn đề này cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa giáo dục, chính sách và sự tham gia của cộng đồng.

Trước nhất, giáo dục là chìa khóa then chốt. Chúng ta cần xây dựng và cải thiện các chương trình giáo dục nhằm trang bị cho học sinh và sinh viên những kỹ năng cần thiết để phân tích và đánh giá thông tin, bao gồm cả việc phát triển tư duy phản biện, kỹ năng truy cập thông tin đáng tin cậy, cách nhận diện những thông tin sai lệch.

Kế đến, cần tăng cường giáo dục về giá trị văn hóa và lịch sử dân tộc, giúp giới trẻ hiểu và tự hào về nguồn cội của mình. Các tổ chức văn hóa - nghệ thuật cần chủ động hơn trong việc phát triển nội dung văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trên các nền tảng số, mạng xã hội.

Giới trẻ Việt Nam sử dụng mạng xã hội trung bình 7 giờ/ngày. Ảnh: KHÁNH QUỲNH

Các cơ quan chức năng cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc tạo ra các nội dung tích cực, bổ ích; phát động các phong trào, hoạt động văn hóa trên mạng xã hội nhằm thu hút người dân, nhất là giới trẻ tham gia, đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Các KOLs và người nổi tiếng trong cộng đồng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải những thông điệp này.

Tất cả giải pháp trên, khi được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả, không chỉ giúp khắc phục tình trạng hiện tại mà còn tạo nền tảng vững chắc cho giới trẻ trong việc tiếp xúc với mạng xã hội. Qua đó, giúp họ phát triển bản lĩnh, tự tin và tự hào về văn hóa của đất nước trước bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển đột phá của khoa học công nghệ.

. Xin cảm ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới