Ngày thi tốt nghiệp THPT đầu tiên trên cả nước, tại địa bàn thi tỉnh Gia Lai, Kon Tum ghi nhận được nhiều trường hợp thí sinh khá đặc biệt. Họ là những sĩ tử người dân tộc thiểu số, kiên trì với con đường thi cử mong lấy tấm bằng để tự tin trước con cháu.
Tại Trường THCS thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), có không ít thí sinh lẫn phụ huynh ngỡ ngàng khi chung điểm thi với nhiều thí sinh chuẩn bị “lên chức ông, bà”. Mở đầu ngày thi, những thí sinh cao niên này vẫn hồi hộp vào phòng thi không kém các bạn trẻ đi thi lần đầu.
Ông Ksor Thuik chuẩn bị lên chức ông ngoại vẫn miệt mài đi thi. |
Kết thúc ngày thi, ông Ksor Thuik (47 tuổi, trú thôn Brenc 2, xã Ia Der, huyện Ia Grai, Gia Lai) trải qua khá nhiều cung bậc cảm xúc, có lo lắng, cũng có hưng phấn trong lòng.
Ông Thuik cho biết, trước đây do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông chỉ học hết lớp 11 rồi xin nghỉ, ở nhà làm rẫy. Sau đó, ông đăng ký học tại Trung tâm giáo dục thường xuyện huyện Ia Grai để thi tốt nghiệp THPT. Ông quyết tâm học để bổ sung hồ sơ cho việc “tranh cử” chức trưởng thôn hoặc Bí thư chi bộ thôn, làm gương cho con, cháu. Ông có hai người con, con gái út đã lấy chồng, chuẩn bị sinh con.
"Giờ có tuổi rồi nên học, ôn thi cũng không hề đơn giản. Tôi quyết tâm thi đậu trong kì thi này để các con cháu tự hào vì người bố, người ông đã nỗ lực, phấn đấu học tập", ông Thuik nói.
Cũng mơ ước có bằng để bổ sung vào hồ sơ, chị Rơ Lan H'Drjă (41 tuổi, giáo viên mầm non tại xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cũng tham gia đợt thi này. Chị H'Drjă cho biết, chị đi học bổ túc hệ THPT được 3 năm nay. Trước đây học sư phạm hệ 9+3 nên chị không có bằng THPT.
"Vì muốn bổ sung bằng THPT theo quy định công tác nên tôi quyết định đi học bổ túc. Đây cũng là năm đầu tiên tôi thi, cảm xúc hết sức hồi hộp, lo lắng. Mong sẽ đạt được điểm tốt", chị H'Drjă chia sẻ.
Nhóm sĩ tử cao niên tại điểm thi Trường THCS thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) phấn khởi khi đi thi. |
Tương tự chị H'Drjă, chị Biu Y (41 tuổi, ở xã Trà Đa, TP.Pleiku) hiện là cán bộ văn phòng, thống kê tại UBND Trà Đa vẫn kiên trì tham gia tốt nghiệp lần thứ ba, hai năm trước chị thi trượt.
"Năm nay, tôi cố gắng ôn luyện ngày đêm và nhờ một số thầy cô hướng dẫn thêm ngoài giờ lên lớp. Hy vọng năm nay tôi sẽ vượt qua kì thi và lấy được tấm bằng THPT để thuận lợi hơn trong công việc", chị Y nói.
Trong ngày thi 7-7, tỉnh Gia Lai có 13.839 thí sinh thi môn ngữ văn (vắng 41 thí sinh) và có 13.829 thí sinh thi môn toán (vắng 36 thí sinh); tỉnh Kon Tum, có 4.655/4.673 thí sinh thi môn ngữ văn (vắng 18), môn toán có 4.640/4.657 thí sinh (vắng 17). không có thí sinh, cán bộ coi thi vi phạm quy chế. Riêng tại Kon Tum, có hai thí sinh bị bệnh, nhập viện trước lúc thi sẽ được xem xét cho đặc cách tốt nghiệp.
Tại điểm thi Trường THPT Duy Tân (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cũng có một thí sinh đặc biệt là anh A Núp (39 tuổi, xã Đắk Nên, huyện Kon Plong). Anh Núp hiện là cán bộ xã này.
Anh Núp cho biết, trước đây do hoàn cảnh khó khăn nên phải nghỉ học sớm rồi đi nghĩa vụ quân sự. Sau khi ra quân, anh về xã Đắk Nên công tác và được tạo điều kiện đi học lớp bổ túc cho cán bộ. Mấy năm trước anh không đi thi được do bị bệnh, năm nay mới đăng ký thi.
Anh Núp tự tin nói: "Năm nay đề thi không quá khó, tôi làm được. Tôi tự tin bản thân có thể đạt từ 5 đến 6 điểm môn văn".