Những siêu dự án ảo hàng tỉ USD ở Phú Yên

Vốn nằm trong nhóm tỉnh nghèo, Phú Yên đột ngột trở thành một hiện tượng khi nhảy lên đứng thứ hai cả nước về thu hút FDI với nhiều siêu dự án hàng tỉ USD. Mòn mỏi thời gian dài, những dự án khổng lồ không thấy triển khai hoặc lặng lẽ ra đi, không để lại dấu tích.

Hàng loạt siêu dự án... trên giấy

Năm 2006, UBND tỉnh Phú Yên quy hoạch toàn bộ diện tích của xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa với hơn 1.300 ha (cùng với 1.300 ha mặt nước) cho dự án Khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm do Công ty SP Chemicals Ltd (Singapore) đầu tư với tổng mức kinh phí lên đến 11 tỉ USD. Gần bốn năm người dân vùng quy hoạch khốn khổ với dự án treo này thì giữa năm 2009, Công ty SP Chemicals Ltd đột ngột ngừng triển khai dự án.

Những siêu dự án ảo hàng tỉ USD ở Phú Yên ảnh 1

Tập đoàn Galileo Investment Group, Inc. (Mỹ) từng quảng cáo rầm rộ về siêu dự án Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa.

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã tuyên bố thu hồi giấy chứng nhận đầu tư siêu dự án Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa do Tập đoàn Galileo Investment Group, Inc (Mỹ) đăng ký đầu tư với tổng mức 11,4 tỉ USD. Dự án này đã được tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư hồi tháng 10-2009 với tổng diện tích đất hơn 7.600 ha, với tham vọng xây dựng một siêu đô thị hiện đại trên nhiều lĩnh vực như công nghệ cao, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển điện ảnh, công nghệ thông tin... Tuy nhiên, từ khi được trao giấy chứng nhận đầu tư đến nay, tập đoàn không hề có động thái triển khai dự án, mặc dù tỉnh Phú Yên đã có nhiều văn bản lưu ý chủ đầu tư về tiến độ triển khai. Kiểm tra, cơ quan chức năng cho biết Tập đoàn Galileo Investment Group, Inc không đủ năng lực tài chính để đầu tư dự án trên.

Dự án “khủng” nhất từ trước đến nay ở Việt Nam có lẽ là dự án đặc khu kinh tế tại Phú Yên do Tập đoàn Sama Dubai - Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đăng ký đầu tư với với tổng mức hàng trăm tỉ USD. Dự án này dự kiến sẽ ngốn 238.000 ha đất, bao gồm toàn bộ thị xã Sông Cầu, huyện Đồng Xuân, phần lớn huyện Tuy An và một phần huyện Sơn Hòa, tương đương... 1/3 tỉnh Phú Yên! Và đến nay, dự án này cũng không thấy động tĩnh gì.

“Mù mờ” về nhà đầu tư

Một điểm chung của các siêu dự án trên là những người có trách nhiệm ở Phú Yên né tránh câu trả lời về năng lực tài chính của các nhà đầu tư với lý do: Không tham gia thẩm định dự án. Nhiều người thừa nhận không biết gì về các nhà đầu tư đăng ký số vốn hàng tỉ USD này hoặc thú thật: “Không có thông tin nên không dám đánh giá”. Ông Lê Văn Thành, Phó ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên, nói: “Thực sự chúng tôi không biết gì về họ”. Còn ông Lê Tấn Hổ, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phú Yên, cho biết: “Các dự án trên có vốn đầu tư lớn nên tỉnh trình lên Bộ KH&ĐT để bộ tổ chức thẩm định, thẩm tra với sự tham gia của nhiều bộ, ngành. Tỉnh chỉ tham gia rà soát thủ tục”. Ông Hổ cũng thừa nhận nắm rất ít thông tin về các nhà đầu tư trên.

Theo ông Võ Đình Tiến, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại Sở KH&ĐT Phú Yên, hiện các quy định về thẩm định dự án, thẩm tra năng lực nhà đầu tư thoáng hơn so với trước nên hàng loạt siêu dự án được cấp phép nhưng không triển khai! “Chúng tôi cũng không có nhiều thông tin về năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính của các nhà đầu tư” - ông Tiến nói.

Thiếu chặt chẽ trong thẩm định, thiếu thông tin về nhà đầu tư nên hàng loạt dự án khổng lồ ở Phú Yên vẫn tiếp tục... nằm trên giấy mà không ai biết nó trở thành hiện thực hay không.

Sau khi Công ty SP Chemicals Ltd. (Singapore) bỏ dự án Hạ tầng Khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm, tỉnh Phú Yên đề nghị công ty này hỗ trợ 25 tỉ đồng đối với những thiệt hại nhưng chưa có phản hồi.

Một “đại gia tỉ đô” khác cũng “mượn” tiền của tỉnh Phú Yên để xây tặng nhà tình thương cho hộ nghèo, đền bù cho vài hộ dân. Hiện nay, khi “đại gia” này đã bỏ chạy, tỉnh Phú Yên không biết đòi tiền ở đâu.

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm