Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những bí mật đằng sau nhân vật game huyền thoại này và lý do nó có sức hút mạnh mẽ đến vậy trong suốt gần 30 năm qua.
1. Nhím Sonic ban đầu là một chú thỏ
Đầu thập niên 1990, hãng Sega tìm kiếm một tựa game mới nhằm cạnh tranh với Super Mario Bros của đối thủ Nintendo. Lập trình viên Yuji Naka ấp ủ một trò chơi đơn giản với nhân vật mang hình dạng một cục bóng lăn trong các đường ống.
Hãng Sega lên ý tưởng về nhân vật là một chú thỏ với đôi tai dài có khả năng cầm và ném các vật dụng để tiêu diệt kẻ thù.
Nhím hay thỏ thì trông Sonic vẫn dễ thương như thường.
Tuy nhiên, các lập trình viên cho biết việc cho nhân vật có khả năng cầm nắm đồ vật quá phức tạp để thiết kế trò chơi. Đồng thời, việc này làm giảm nhịp độ và khiến trò chơi trở nên nhàm chán.
Họ đề xuất sử dụng hình thức lăn và dùng thân thể làm vũ khí. Ý tưởng này dẫn tới hai loài động vật là nhím và tatu (một loài thú có mai, chuyên ăn côn trùng). Cuối cùng, hãng Sega chọn nhím và Sonic the Hedgehog ra đời.
2. Sonic không phải cái tên đầu tiên
Sau khi thống nhất chọn loài nhím, hãng Sega phân vân trong việc đặt tên cho nhân vật chính. Nhiều ý kiến cho rằng thị trường Mỹ ít biết về loài nhím nên cần chọn một cái tên thật nổi bật và khác biệt.
Một kỹ sư trong đội ngũ phát triển game đề xuất Mr. Needlemouse, đây chính là tên gọi của loài nhím được dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh.
Cái tên Sonic nhận được nhiều hưởng ứng, Mr. Needlemouse đi vào quên lãng cho tới khi Sega đặt lại tên này cho dự án phát triển phần 4 của trò chơi vào năm 2019.
3. Cảm hứng từ chuột Mickey
Để tạo sự thân thiện với người chơi, tạo hình của Sonic lấy cảm hứng từ nhiều nhân vật quen thuộc trong văn hóa đại chúng. Phần đầu chịu ảnh hưởng từ nhân vật mèo Felix trong phim hoạt hình cùng tên.
Trong khi đó, phần thân được vay mượn từ tạo hình chuột Mickey, nhân vật nổi tiếng của hãng Disney. Đôi giày của Sonic lấy cảm hứng từ giày nhảy của “ông hoàng nhạc pop” Michael Jackson, với màu đỏ từ trang phục của ông già Noel. Màu lông xanh đại diện cho màu chủ đạo của logo hãng Sega.
Tính cách Sonic lấy cảm hứng từ chiến dịch bầu cử của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, thường được biết đến với thái độ “có thể làm được” với mọi việc.
4. Sonic từng có bạn gái tên Madonna
Trong quá trình xây dựng nguồn gốc cho nhân vật, đội ngũ tại Sega từng viết nhiều câu chuyện về Sonic. Một trong số đó là việc Sonic là trưởng ban nhạc rock với các thành viên gồm vẹt (thường bị nhận nhầm là gà), khỉ, thỏ và cá sấu với vai trò vũ công. Sonic có bạn gái là người thật, tên Madonna.
Một số câu chuyện khác thì lại nhắc đến Sonic như thú nuôi trong một gia đình tại Mỹ, được tuyển vào sở cảnh sát địa phương sau khi cậu bị phát hiện sở hữu siêu tốc độ.
Các câu chuyện này dù không được sử dụng trong loạt trò chơi điện tử nhưng đã góp phần ảnh hưởng tới các ấn phẩm truyện tranh về nhân vật Sonic sau này.
5. Truyện tranh về Sonic lập kỷ lục Guinness
Năm 2008, loạt truyện về nhân vật nhím Sonic của hãng Archie sở hữu bản quyền lập kỷ lục loạt truyện dựa trên game duy trì lâu nhất, từ năm 1993. Tuy nhiên, hãng đột ngột ngừng phát hành năm 2017 vì tranh chấp bản quyền.
Hãng Sega sau đó bán lại quyền sở hữu loạt truyện tranh cho Nhà xuất bản IDW, mời nhiều nhân viên trong đội ngũ sáng tạo cũ sang làm việc.
Tuy nhiên, đội ngũ quyết định phát triển mạch truyện sang hướng khác, rời xa bản gốc. Trên mạng Internet, nhiều người hâm mộ lập diễn đàn Sonic the Comic Online, tự sáng tác các phần tiếp theo của loạt truyện cũ.
Một ấn phẩm giới hạn của bộ truyện tranh Sonic.
Sau nhiều năm thai nghén, nhím Sonic đã có bản chuyển thể điện ảnh, do hãng Paramount phát hành vào cuối tháng 2 vừa qua. Tác phẩm xoay quanh hành trình tìm hiểu cuộc sống mới trên Trái đất của chú nhím Sonic có khả năng chạy ở tốc độ siêu thanh.
Cậu sát cánh cùng cảnh sát trưởng Tom nhằm chống lại âm mưu của gã ác nhân tiến sĩ Dr. Robotnik.