Những tai biến khủng khiếp khi “sinh thuận tự nhiên“

Liên quan đến trào lưu sinh con "thuận theo tự nhiên" rộ lên gần đây, BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc BV Từ Dũ cho rằng đang có một sự ngộ nhận nguy hiểm khi nhiều người nghĩ sinh con tự nhiên tức là để quá trình mang thai diễn ra bình thường, tự mình sinh nở, không có sự kiểm soát của nhân viên y tế.

Theo BS Nhi, cuộc sinh nở nào cũng tiềm ẩn rất nhiều tai biến sản khoa không biết trước được. Do đó sản phụ cần được theo dõi kỹ từ lúc mang thai đến khi chuyển dạ và sau sinh.

"Tại bệnh viện, bác sĩ luôn hướng sản phụ chuyển dạ tự nhiên theo ngả âm đao. Tuy nhiên nếu sinh tự nhiên không được, bác sĩ bắt buộc phải dùng các biện pháp y khoa như tiêm thuốc giục sanh, mổ lấy thai...", BS Nhi nói.

BS Nhi cũng chỉ ra những tai biến sản phụ có thể gặp phải: “Cuộc thai nào cũng có thể ẩn chứa những tai biến như vỡ tử cung dẫn dến suy thai khiến thai tử vong. Mẹ bị vỡ tử cung khiến băng huyết sau sinh, thậm chí sinh xong, người mẹ cũng có thể gặp băng huyết nếu không được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, nếu không có nhân viên y tế hỗ trợ, người phụ nữ mang thai lần đầu rất dễ gặp phải chấn thương tầng sinh môn, gây rách trực tràng, bọng đái khiến nhiễm trùng. Di chứng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này của người phụ nữ”, BS Nhi khuyến cáo.

Về việc một bà mẹ ở Hưng Yên tự sinh con tại nhà và để nguyên bánh nhau theo "phương pháp liên sinh" gây xôn xao dư luận gần đây, BS Nhi cho rằng nếu bà mẹ cứ để bánh nhau ngày này qua ngày khác cho dây rốn tự rụng sẽ rất dễ gây nhiễm trùng cho bé vì bánh nhau chứa chủ yếu là máu.

Nếu như theo trào lưu sinh con tự nhiên, các bà mẹ chậm cắt rốn cho con, cho con da kề da thì tại bệnh viện, các nhân viên y tế vẫn thực hiện theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Việt Nam áp dụng là chậm kẹp cắt dây rốn trong vòng một phút đầu. Cho bé da kề da để cho bé quen với chủng vi trùng thường trú có lợi trên cơ thể mẹ.

“Thông thường, máu từ bánh nhau qua dây rốn vào cơ thể em bé có thể tiếp tục trong vòng 5 phút sau sinh, nhưng phần lớn lượng máu từ bánh nhau truyền sang, trong đó có lượng lớn tế bào gốc và sắt, là trong vòng một phút đầu. Các lợi ích của chậm kẹp cắt dây rốn đã được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học lớn và giá trị. Điều này không đồng nghĩa với việc không cắt dây rốn, để dây rốn và bánh nhau gắn liền với đứa bé trong khi đang phân hủy tự nhiên có thể khiến nhiễm trùng, gây tử vong cho trẻ”, BS Mỹ Nhi giải thích.

Cũng theo BS Nhi, ở vài quốc gia, sinh con tại nhà có thể được thực hiện nhưng có sự giám sát của hệ thống y tế, đó là ê kip lưu động hỗ trợ sinh tại nhà. Nếu không may cần can thiệp y khoa, sản phụ sẽ được chuyển đến bệnh viện ngay lập tức. “Tuy nhiên, việc này cũng hạn hữu chứ không phải là trào lưu như chúng ta nghĩ như hiện nay”, BS Nhi thông tin thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm