LTS: Một bạn là cựu sinh viên khoa Giáo dục học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM khái quát nhiều câu chuyện đáng tiếc giữa mối quan hệ thầy trò trong môi trường giáo dục qua văn phong khá hóm hỉnh.
Báo Pháp Luật TP.HCM xin lược trích bài viết trên tinh thần giữ lại văn phong, cùng lời chia sẻ của bạn, rằng đó như là một lời trách nhẹ nhàng gửi tới những người liên quan. “Vì thực sự trong lòng mình rất trăn trở những chuyện đó, mong nó đừng có lặp lại” - bạn chia sẻ.
Bạo lực học đường luôn là vấn đề trăn trở xã hội. Ảnh minh họa
Hiếm có khi nào cuộc lộn xộn liên quan tới giáo dục lại nhiều như năm nay. Ngoài việc hàng loạt gạch đá mang tên “công luận” rót xuống các “cao điểm” như điểm thi THPT, cải cách chữ Quốc ngữ… thì ở tầm thấp hơn, cuộc ăn miếng trả miếng giữa học sinh và giáo viên cũng diễn ra cực kỳ sôi động.
"Tiếng kèn hiệu" đáng chú ý đầu tiên là hồi tháng 4, một cô giáo ở Hải Phòng buộc học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng. Gần như liền ngay đó, “phe” giáo viên bị đáp trả khi học sinh cấp 3 tại Quảng Bình vì bị nhắc nhở xóa hình xăm đã chặn đường, "tiễn" thầy nhập viện bằng hung khí mang trong người.
“Đừng tưởng ta đây nao núng” - các thầy cô có lẽ nghĩ thế nên lập tức “mở mặt trận” trên Đắk Lắk. Nạn nhân của đợt tấn công lần này là cậu học trò lớp 1, bị sưng vếu tai và xịt máu mũi do bàn tay hộ pháp của thầy.
Chưa kịp “ăn mừng thắng lợi”, những người thực hiện “sứ mệnh đưa đò” lập tức nhận gáo nước lạnh vì thông tin trước đó có học sinh lớp 8 ở Bến Tre trong lúc thiếu kiềm chế đã bóp cổ một nữ giáo viên dạy Anh văn.
Tại một tỉnh phía Nam khác là Long An, “mặt trận” này báo về thành tích một cô giáo buộc học sinh quỳ cả tiết học giữa lớp...
Tới lúc này thì kịch tính được đẩy lên cao do xuất hiện phụ huynh “tham chiến”, ùn ùn kéo nhau tới trường bắt cô giáo thực hiện “trả nợ quỳ”.
Ngôi trường nơi giáo viên phạt học sinh hơn 200 cái tát. Ảnh minh họa
Thế chân vạc được định hình và y xì như tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa khi liên minh phụ huynh - học sinh hợp lại. Và cho tới nay, thành tích tốt nhất của phụ huynh là tới trường học ở Bạc Liêu bắt đền chiếc quần short của con họ bị sơ tán từ bàn giáo viên xuống thùng rác.
“Tranh thủ lúc liên minh này chưa vững”, cô giáo ở Quảng Bình lập tức buộc một măng non đất nước hứng hơn 300 cái bạt tai. Theo đà tấn công, nữ giáo viên ở Hà Nội cũng “khai hỏa” tương tự… “Đột phá” liên tục và biến ảo, hiệu trưởng Trường THCS ở Phú Thọ biến một loạt học sinh nam là nạn nhân của hành vi dâm ô…
Bị nhận những đòn choáng váng, phe học sinh cũng có những “đáp trả xứng đáng”. Đòn “hồi mã thương” được cho là hiệu quả khi học sinh cấp 3 tại Bình Định ngáng cầu thang nhà trường, “tặng” thầy của mình giấy chẩn đoán của bệnh viện, ghi rõ đa chấn thương vùng mặt, lưng bởi chân, tay, gậy…
Cuộc chiến vẫn căng thẳng và dù sắp hết năm 2018 nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại...
Một bài báo đưa hai thông tin trái ngược (thầy đánh trò và trò đánh thầy) nhưng cùng bản chất là sự đáng tiếc trong môi trường học tập.
Chưa biết thắng bại thuộc bên nào nhưng điều nhận thấy rõ nhất là những vị trọng tài khả kính của chúng ta, lãnh đạo ngành giáo dục, đã rất mệt. Thông tin bên lề cho biết lần đầu tiên các vị phải giơ tay ra dấu hiệu muốn thay còi. Lý do, thổi rát quá, còi trục trặc.
Còn mấy ngày nữa là cuối năm, nhiều người run sợ chờ đợi cái gọi là kịch tính phút 90 và càng thấp thỏm lo lắng hơn nếu năm tới 2019 câu chuyện lộn xộn này chưa chịu dừng lại.