Những uẩn khúc vụ tạt xăng đốt đoàn cưỡng chế

Vụ việc hộ ông Phạm Hoàng Kiếm, bà Lê Thị Hiến ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau tạt xăng, châm lửa đốt làm nhiều cán bộ trong đoàn cưỡng chế bị thương khiến dư luận xôn xao suốt tuần qua.         

Đêm cuối trong căn nhà bị cưỡng chế

Sau khi bị tạm giữ một ngày, Phạm Thị Phiếm, con gái vợ chồng bà Hiến, được cho về vì đang nuôi con nhỏ dưới ba tuổi. Phiếm về chăm con nhưng vẫn phải đến cơ quan công an thường xuyên để phục vụ việc lấy lời khai.

Nói về đêm cuối cùng trong căn nhà bị cưỡng chế, Phiếm cho biết: “Đêm đó, cha mẹ em cãi nhau. Cha em nói đoàn cưỡng chế sẽ đến và tiến hành việc cưỡng chế vào ngày hôm sau. Còn mẹ thì khẳng định việc cưỡng chế sẽ bị hoãn và vụ án sẽ được tái thẩm. Mẹ bảo nếu cha sợ thì cứ bỏ đi, để mẹ ở lại nhà liều chết một mình. Rồi em nghe cha mẹ bàn với nhau đuổi mấy đứa con đi để hai vợ chồng liều chết…”.

Sau đó, gia đình bà Hiến quyết định thà liều chết chứ không chịu mất đất. “Đất này là của ông cố để lại cho ông bà ngoại, rồi ngoại để lại cho mẹ em. Gia đình em chưa bán hay tặng cho ai nên không đành lòng rời khỏi mảnh đất của ông bà tổ tiên để lại. Cả nhà không cam tâm, nhất là mẹ. Bà nói thà chết trên thửa đất này còn có đạo lý hơn chứ mất nhà, mất đất, mất cả mồ mả tổ tiên rồi thì sống làm gì” - Phiếm rưng rưng nói.

Phiếm bảo rất khuya, trước khi ngủ vẫn thấy cha ngồi trong mùng soạn hồ sơ, mẹ thì nằm trên võng gác tay lên trán, mắt trân trân ngó lên trần nhà.

Thế rồi hôm sau, khi đoàn cưỡng chế đến, họ đã có hành vi chống đối nên sau đó bị bắt giữ…

Chị Phạm Thị Phiếm kể lại đêm cuối cùng trong căn nhà bị cưỡng chế. Ảnh: TRẦN VŨ

Rất đông phóng viên đến dự buổi họp báo về vụ đoàn cưỡng chế bị tấn công bằng xăng. Ảnh: TRẦN VŨ

Ngọn nguồn của sự bất bình

Phiếm cùng cha, mẹ và người anh của mẹ (trừ người anh thứ tám của bà Hiến - ông Lê Vũ Khi, hiện không có mặt tại địa phương) đều cho rằng gia đình mình bị oan ức trong chuyện tranh chấp đất đai.

Hồ sơ do những người này cung cấp cho thấy vợ chồng cụ Lê Thành Quảng, Thái Thị Ngà sống ở thửa đất này mấy mươi năm qua. Khu đất có diện tích 4.620 m2, có ao bờ, trồng dừa và tám ngôi mộ. Đất do cụ Ngà đứng tên trên toàn bộ diện tích.

Năm 2001, vợ chồng cụ Quảng có họp gia đình, ghi một tờ giấy tay với nội dung hai vợ chồng cụ và sáu người con còn lại (có chín con nhưng mất ba người) đồng thuận chia phần đất này cho con gái út là bà Lê Thị Hiến 3.160 m2 để bà sinh sống lâu dài. Phần còn lại, vợ chồng cụ ở, chưa chia cho ai. Cả sáu anh em đều đồng thuận và ký tên vì ai cũng có cuộc sống ổn định, chỉ còn bà Hiến là chưa có nơi ở.

Đến tháng 9-2013, khi cụ Quảng mất (cụ Ngà mất trước đó bảy năm), mâu thuẫn về đất đai bắt đầu diễn ra giữa ông Lê Vũ Khi và em gái ruột Lê Thị Hiến. Vụ việc được đưa ra chính quyền giải quyết nhiều lần, người dân địa phương hầu như ai cũng biết. Đến năm 2014, ông Khi đã làm được sổ đỏ đứng tên toàn bộ thửa đất này. Không lâu sau, ông này sang nhượng miếng đất trên cho người thứ hai, rồi người này sang nhượng lại cho người thứ ba.

Thua trắng trên sân luật

Tháng 7-2016, người thứ ba khởi kiện đòi bà Hiến phải dỡ nhà, trả lại phần đất 67,5 m2 mà nhà của bà cất trên đó. Nguyên đơn có giấy chủ quyền toàn bộ khu đất của cha mẹ bà Hiến, gồm 4.620 m2.

Ngày 12-7-2018, TAND huyện Cái Nước xét xử sơ thẩm, tuyên buộc vợ chồng bà Hiến phải dọn nhà đi, trả đất cho nguyên đơn. Vợ chồng bà Hiến kháng cáo muộn, quá thời hạn luật định nên bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

Trong vụ án này, vợ chồng bà Hiến không đồng ý dọn nhà, trả đất với lý do ông Lê Vũ Khi bán đất hứa cho 200 triệu đồng nhưng không thực hiện nên bà không đi. Bà không yêu cầu xem xét quá trình chuyển dịch tên chủ quyền sử dụng đất. Trong khi đó, chủ tịch UBND huyện Cái Nước xác định trước tòa toàn bộ quá trình chuyển quyền sử dụng của nguyên đơn là hợp pháp. Chính vì vậy, tòa đã không xem xét đến nguyên nhân sâu xa cũng như nguyện vọng của bà Hiến mà chỉ tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bà dỡ nhà, trả lại phần đất trên căn nhà ấy cho nguyên đơn.

Nhà bà Hiến đã được tháo dỡ hoàn tất trong ngày cưỡng chế 7-8. Ảnh: TRẦN VŨ

Sau khi án có hiệu lực, do bà Hiến không tự nguyện thi hành nên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Nước đã tổ chức cưỡng chế, để rồi xảy ra vụ gia đình bà Hiến tạt xăng, châm lửa làm bị thương nhiều người trong đoàn cưỡng chế.

Vì sao bà Hiến quyết giữ đất?

Theo ông Trần Thành Đoàn (Trưởng ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước), địa phương biết bà Hiến từng được cụ Ngà cho ba công đất nhưng chỉ viết giấy tay chứ không ra chính quyền làm thủ tục. Cuối năm 2013, cả nhà thống nhất cho ông Khi toàn bộ mảnh đất trên. Ông này đã làm sổ đỏ và sang bán hết cho người khác nên từ đó phát sinh mâu thuẫn với bà Hiến. Tuy nhiên, khi kéo nhau ra ấp giải quyết thì bà Hiến không đòi đất mà chỉ nói chuyện chia tiền với ông Khi.

Ông Trần Thành Đoàn khẳng định: “Tôi hòa giải cho hai anh em hoài. Lúc đầu bà Hiến đòi 500 triệu, sau đó giảm xuống 300 triệu. Trong khi đó thì ông Khi nhất quyết chỉ chia cho bà Hiến 200 triệu đồng. Ông này nói dứt khoát: “Chỉ chia 200 triệu đồng, không nhận thì nữa (lúc) ra tòa không được đồng xu”. Chuyện là vậy”.

Và quả nhiên, cho đến ngày bị cưỡng chế dỡ nhà để thi hành án, bà Hiến không nhận được đồng nào. Bốn anh em bà Hiến (trừ ông Khi), nhiều cán bộ ấp cũng xác định: Tầm cuối năm 2016, bà Hiến xuống nước chấp nhận lấy 200 triệu đồng. Nhưng khi ra xã nhận để có cán bộ chứng kiến thì ông Khi chỉ đưa bà 60 triệu đồng, hứa số còn lại đưa sau.

Bà Hiến không tin ông Khi nữa nên không nhận, bảo chỉ nhận khi đưa đủ một lần 200 triệu đồng. Bà cự tưng bừng với ông Khi và bỏ về sau khi tuyên bố “đất cha mẹ cho, tui chưa bán thì không ai đụng đến được; gia đình tui sẽ quyết tử giữ đất, giữ nhà”.

Nhiều cán bộ bị thương vẫn chưa về nhà

Sáng 7-8, đoàn cưỡng chế do Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Nước, Cà Mau chủ trì đến cưỡng chế tháo dỡ nhà ông Kiếm, bà Hiến để thi hành bản án có hiệu lực của TAND huyện Cái Nước. Trong lúc cưỡng chế, gia đình ông Kiếm đã phản ứng bằng việc tạt xăng vào đoàn cưỡng chế rồi châm lửa, dùng dao tấn công khiến 10 cán bộ bị thương. Đến nay, một số cán bộ vẫn đang điều trị tại bệnh viện vì bị bỏng.

Công an huyện Cái Nước đã khởi tố hai vụ án chống người thi hành công vụ và cố ý gây thương tích; tạm giữ năm người liên quan gồm ông Kiếm, bà Hiến, con trai, con rể và một người anh ruột của bà Hiến.

Những uẩn khúc vụ tạt xăng đốt đoàn cưỡng chế ảnh 4
Khu đất này có gần chục ngôi mộ của người thân, ông, bà của bà Hiến nên bà không muốn rời đi. Ảnh: TRẦN VŨ

Hy vọng vụ việc sẽ được xem xét toàn diện

Ngày 12-8, PV Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với lãnh đạo xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau về hồ sơ hưởng thừa kế của ông Lê Vũ Khi thì phát hiện dấu hiệu bất thường so với quy định lúc bấy giờ. Sau khi đối chiếu, ông Nguyễn Minh Khuôl (Phó Chủ tịch xã Thạnh Phú) và ông Lâm Việt Triều (Chủ tịch xã) cũng thừa nhận điều bất thường trên.

Cụ thể, ngày 26-12-2013, năm trong sáu anh em con cụ Ngà đến UBND xã để ký các thủ tục về di sản thừa kế. Theo quy định tại thời điểm đó, việc chuyển quyền sở hữu di sản thừa kế phải được niêm yết ít nhất 30 ngày, nếu không ai khiếu nại mới tiến hành thủ tục chuyển nhận di sản. Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau, tức đến ngày 6-1-2014, Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cái Nước đã chuyển quyền sử dụng toàn bộ diện tích 4.620 m2 đất (là di sản thừa kế) cho ông Khi.

Trong khi đó, từ khi thua kiện ở huyện Cái Nước, ngoài ông Khi thì tất cả anh em còn lại đều cho rằng cuối năm 2013 họ lên xã ký giấy từ chối nhận di sản là để ông Khi làm thủ tục tách đất cho bà Hiến. Họ phủ nhận việc cho ông Khi toàn bộ mảnh đất.

Được biết ngày 21-5-2019, TAND huyện Cái Nước, Cà Mau đã thụ lý vụ án do bà Lê Thị Hồng Nào, chị ruột bà Lê Thị Hiến, khởi kiện UBND xã Thạnh Phú. Bà Nào cho rằng mình có phần nên đề nghị tòa tuyên chia phần di sản thừa kế cho bà. Đồng thời, bà Nào yêu cầu tòa tuyên hủy toàn bộ giấy từ chối di sản thừa của những anh em khác đã ký năm 2013. Bà cho rằng ông Khi đã lừa dối các anh em trong nhà nên những tờ từ chối di sản thừa kế đó là vô hiệu.

Hy vọng từ vụ kiện này, tòa sẽ xem xét toàn bộ vụ việc một cách khách quan, đầy đủ hơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm