Ngày 17-4, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đang củng cố hồ sơ để xử lý hành vi nhuộm cà phê bằng pin rồi xuất bán ra thị trường đối với bà Nguyễn Thị Thanh Loan (chủ cơ sở kinh doanh nông sản ở xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp).
Đã bán ra thị trường hơn 3 tấn “cà phê pin”
Theo vị lãnh đạo PC49 Công an tỉnh Đắk Nông, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ tang vật, lấy mẫu đem giám định làm căn cứ xử lý đối với chủ cơ sở kinh doanh.
Trước đó, ngày 16-4, PC49 Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh này bắt quả tang cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan đang pha trộn tạp chất vào cà phê.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại kho của bà Loan chứa hàng chục tấn cà phê tạp, bên trong lẫn đất đá. Trong số này có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện hai chậu chứa 35 kg pin được đập vụn, một xô chứa lõi pin, một xô chứa nước màu đen và nắp pin với trọng lượng 10 kg.
Qua đấu tranh, chủ cơ sở khai đã mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê và cà phê vụn, sau đó mua các cục pin Con Ó về đập lấy lõi hòa với nước để nhuộm cà phê. Sau khi nhuộm, cà phê được sấy khô, đóng bao bán ra thị trường.
Chủ cơ sở còn khai từ đầu năm đến nay đã bán ra thị trường hơn ba tấn cà phê nhuộm đen bằng lõi pin.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Pin được đập lấy lõi để nhuộm cà phê tại cơ sở kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan. Ảnh: ĐD
Dấu hiệu phạm tội hình sự
Ngay sau khi báo chí thông tin vụ cà phê nhuộm lõi pin, dư luận đặc biệt quan tâm vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Nhiều bạn đọc yêu cầu phải xử nghiêm chủ cơ sở này; những người làm trong ngành pháp luật cũng yêu cầu cơ quan chức năng phải thu thập chứng cứ thật vững chắc để xử lý hình sự người vi phạm.
Luật sư (LS) Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) nói theo phụ lục 2 của Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT thì cà phê thuộc danh mục thực phẩm do Bộ NN&PTNT quản lý. Hành vi nhuộm pin cho cà phê có dấu hiệu của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, được quy định tại Điều 193 BLHS 2015.
“Nếu là pháp nhân thương mại thì tùy từng trường hợp có thể bị phạt tiền từ 1 tỉ đồng đến 18 tỉ đồng, hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ sáu tháng đến ba năm, hoặc bị đình chỉ vĩnh viễn nếu thuộc trường hợp tại Điều 79 BLHS 2015. Nếu là cá nhân thì tùy từng trường hợp có thể bị phạt tù 2-20 năm hoặc tù chung thân” - LS Quân nói.
Theo LS Quân, trường hợp qua điều tra mà không chứng minh được hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 6, 7 Điều 5 Nghị định 178/2013 (về xử phạt trong lĩnh vực thực phẩm). Theo đó, hành vi trên có thể bị phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng, đồng thời có thể bị phạt tiền bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm nếu mức phạt tiền quy định khung thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm…
Đồng tình với LS Quân, LS Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao và LS Chu Văn Hưng (cùng Đoàn LS TP.HCM) cho rằng hành vi của chủ cơ sở đã đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm. “Hành vi dùng vỏ cà phê, cà phê phế phẩm để trộn với pin... cho ra sản phẩm giống như bột cà phê thì đây là hành vi làm hàng giả là thực phẩm, cần phải xử nghiêm để răn đe người khác” - LS Hùng nêu ý kiến.
Phải xử nghiêm mới đủ sức răn đe
Tuy nhiên, phó chánh Tòa Hình sự TAND một tỉnh thì lại có quan điểm khác về tội danh trong vụ này. Theo vị này, hành vi nói trên có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm theo Điều 317 BLHS 2015. Theo đó, hành vi của chủ cơ sở chế biến cà phê đã sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm; tùy mức độ vi phạm mà người này có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng hoặc bị phạt tù 1-20 năm.
“Theo thông tin ban đầu trên báo, nếu qua giám định mà phát hiện trong cà phê thành phẩm có chứa chất cấm thì áp dụng tội danh này với chủ cơ sở là hoàn toàn phù hợp. Còn nếu không đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, hành vi của chủ cơ sở vẫn có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 BLHS 2015. Tội này thì nhẹ hơn nhưng căn cứ vào số tiền thu lợi bất chính, người phạm tội có thể bị phạt tiền tới 500 triệu đồng hoặc bị phạt đến năm năm tù” - vị phó chánh tòa hình sự nói trên bình luận.
Tuy vậy, vị phó chánh tòa hình sự cho rằng thông tin vụ việc ban đầu còn quá ít để có thể đánh giá chính xác hành vi của người vi phạm. “Hy vọng qua điều tra, cơ quan tố tụng sẽ chứng minh đầy đủ để có cơ sở xử lý người vi phạm đúng đắn về tội danh. Nhưng dù thế nào cũng cần xử nghiêm người vi phạm và lên án mạnh mẽ những hành vi tương tự gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người” - vị phó chánh tòa nêu quan điểm.
Cà phê nhuộm lõi pin tác hại lớn đến thần kinh ThS Hoàng Trọng Phú, giảng viên khoa Hóa ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho rằng trong quá trình tạo ra một viên pin khô như loại pin Con Ó, nhà sản xuất phải sử dụng hợp chất mangan dioxit (MnO2) màu nâu đen bao quanh lõi than chì vốn có tính dẫn điện để làm chất điện ly giải phóng nguồn điện cho lõi pin. Việc dùng lõi pin nhuộm cà phê ít nhiều sẽ làm cho lượng mangan dioxit đi vào cơ thể người sử dụng, tác động xấu đến hệ thần kinh. Để kiểm nghiệm hàm lượng mangan dioxit gây độc hại ở mức độ nào đối với sức khỏe người sử dụng thì cần phải kiểm nghiệm mẫu cà phê. PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) thì cho rằng pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào. Bộ Y tế đã có nhiều khuyến cáo về tác hại của mangan đối với sức khỏe con người và người thường xuyên tiếp xúc với mangan. Theo Bộ Y tế, dù không gây ra các tác động trực tiếp đến sức khỏe con người nhưng nếu tiếp xúc, ăn uống, sử dụng nguồn nước có nhiễm mangan trong thời gian dài cũng để lại những hậu quả xấu, đặc biệt là đối với hệ thần kinh… Mangan tuy không có khả năng gây đột biến cũng như hình thành các bệnh nguy hiểm như ung thư, không ảnh hưởng đến sinh sản… nhưng nó có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh, gây ra các độc tố hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng gần như bệnh Parkinson. Nếu lượng mangan hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch… Nhiễm độc mangan có thể gặp ở nhiều thể. Thể phổ biến nhất là thể thần kinh. Ngoài ra còn gặp các rối loạn nội tiết, huyết học, tiêu hóa, các tổn thương gan, thận, phổi, mũi họng. HOÀNG LAN |