Tính đến tháng 12-2018, đội tàu biển Việt Nam có 1.593 tàu (trong đó tàu vận tải hàng hóa là 1.128 tàu) với tổng dung tích 4,8 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT.
Vận tải biển
Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD), năm 2018, đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 30 trên thế giới. Trong đó, số lượng tàu hàng tổng hợp có 819 tàu, chiếm tỷ trọng hơn 72,6%; tàu chở hàng rời có 99 tàu, chiếm 8,7%; tàu chở dầu có 150 tàu chiếm 13%; tàu chuyên dụng khí hóa lỏng có 16 tàu chiếm 1,4%; đội tàu container có 41 tàu chiếm 3,6%.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đội tàu container Việt Nam tăng trưởng khá tốt, số lượng tàu tăng từ 19 tàu trong năm 2013 lên 41 tàu trong năm 2018, tăng bình quân khoảng 20%/năm. Trong năm 2018, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện đạt 144,6 triệu tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 153.079 triệu tấn km, tăng 10,9% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 55,6% trong tổng lượng hàng hóa luân chuyển của tất cả các phương thức vận tải. Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển… Hàng hóa vận chuyển nội địa chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, lương thực, thiết bị máy móc, container, xăng dầu… Đội tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một số tàu hàng rời đã vận tải hàng hóa trên các tuyến Châu Âu.
So với tiềm năng của hệ thống sông ngòi tự nhiên nước ta, khả năng kết nối giữa hàng hải và đường thủy nội địa chưa được phát huy, do một số nguyên nhân như: thiếu các bến cảng chuyên dùng phục vụ cho việc kết nối; chiều cao tĩnh không của cầu, đường trên sông ảnh hưởng khả năng khai thác đường thủy; sự không đồng bộ giữa năng lực khai thác cảng thủy nội địa và cảng biển cả về trang thiết bị bốc dỡ, kho bãi…
Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014. Hệ thống cảng biển Việt Nam được phân chia thành 06 nhóm với 45 cảng biển đang hoạt động trong đó: 02 cảng biển loại IA (cảng cửa ngõ quốc tế); 12 cảng biển loại I; 18 cảng biển loại II và 13 cảng biển loại III.
Cảng biển loại IA gồm: Cảng Hải Phòng (Lạch Huyện) và Cảng Vũng Tàu (Cái Mép - Thị Vải) cho tàu công ten nơ 4.000 - 8.000 TEU, có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000 -180.000 tấn;
Cảng biển loại I gồm : Cảng Quảng Ninh, Cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), Cảng Nghệ An, Cảng Hà Tĩnh, Cảng Thừa Thiên Huế, Cảng Đà Nẵng, Cảng Dung Quất (Quảng Ngãi), Cảng Quy Nhơn (Bình Định), Cảng Khánh Hòa (Định hướng phát triển là cảng trung chuyển quốc tế - Loại IA), Cảng TP.HCM, Cảng Đồng Nai, Cảng Cần Thơ. Các cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 10.000 - 50.000 tấn.
Cảng biển loại II gồm: Cảng Thái Bình, Hải Thịnh (Nam Định), Quảng Bình, Quảng Trị, Kỳ Hà (Quảng Nam), Vũng Rô (Phú Yên), Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Năm Căn (Cà Mau) và Kiên Giang...
Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển của các phương tiện thủy nội địa năm 2018 ước đạt 171,6 triệu tấn, tăng 30,5% so với năm 2017, số lượt phương tiện ra, vào cảng đạt 30,2 nghìn lượt, tăng 39,4% so với năm 2017, trong đó phương tiện VR-SB đảm nhận vận chuyển là 35,2 triệu tấn, tăng 88% so với năm 2017 |