Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, lại nằm trên tuyến đường hàng hải huyết mạch có lưu lượng tàu bè qua lại rất cao trên thế giới, nên có tiềm năng lớn trong việc phát triển kinh tế biển. Thực tế, trong những năm qua, ngành hàng hải đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường biển sẽ là tiền đề để phát triển bền vững kinh tế biển…
Tích cực đề xuất tham gia công ước bảo vệ môi trường biển
Tính đến nay, hệ thống cảng biển Việt Nam khá hoàn chỉnh từ Bắc vào Nam với 45 cảng biển, gồm 256 bến cảng/402 cầu cảng với tổng công suất thiết kế đạt 470 - 500 triệu tấn hàng/năm, đón nhận hơn 120 nghìn lượt tàu biển mỗi năm.
Với phương châm phát triển ngành Hàng hải Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã tích cực đề xuất tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hàng hải, trong đó có Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm dầu từ tàu (Công ước MARPOL).
Theo đó, với quy định của Công ước quốc tế, Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và các Công ước khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên, Ngành hàng hải đã triển khai thực hiện đồng bộ, phù hợp nội dung, định hướng các quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam và quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Làm gì để thực hiện tốt Công ước về bảo vệ môi trường biển ?
Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường biển trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết cần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong nước về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do tàu gây ra trong hoạt động hàng hải để triển khai đầy đủ, toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định Công ước MARPOL.
Cục Hàng hải Việt Nam đang có nhiều biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển.
Tổ chức triển khai việc kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho tàu theo yêu cầu và các phụ lục của Công ước MARPOL. Đồng thời, xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện nghĩa vụ kiểm tra nhà nước cảng biển đối với tàu biển mang quốc tịch nước ngoài ra vào cảng biển Việt Nam…
Xây dựng nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận tàu mang quốc tịch Việt Nam, thực hiện điều tra tai nạn, xử lý đầy đủ và kịp thời các trường hợp vi phạm…
Cùng với đó, cần thiết lập và thực hiện quy trình kiểm soát và theo dõi hoạt động của tàu thích hợp để hỗ trợ công tác điều tra tai nạn hàng hải liên quan đến sự cố ô nhiễm một cách nhanh chóng, chính xác.
Một công tác nữa được ngành hàng hải đề cập đó là tuyên truyền, phổ biến nội dung của Công ước MARPOL và các phụ lục của Công ước tới các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng hải và tàu thuyền hoạt động tại các cảng biển tại Việt Nam… Nghiên cứu, áp dụng các trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát, xử lý các chất thải phát sinh từ tàu…
Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam nhận định, việc triển khai tốt các quy định của Công ước MARPOL và các phụ lục của Công ước sẽ góp phần tăng cường bảo vệ môi trường biển Việt Nam và phù hợp với các chủ trương nêu tại Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Nghị quyết số 36/2018 Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Đây cũng là cơ sở pháp lý để thực hiện công tác kiểm tra nhà nước tại cảng biển, công tác tổ chức giám sát, điều tra, xử lý các vi phạm bảo vệ môi trường của các tàu biển, tạo thuận lợi cho các tàu Việt Nam hoạt động hàng hải trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Điều này là phù hợp với xu thế chung của ngành hàng hải thế giới, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế - quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực vận tải biển…”, lãnh đạo Cục Hàng hải nhấn mạnh.