Nợ mình khó trả

Chuyện xảy ra năm cuối ở ký túc xá. Một ngày đi tập quân sự cùng các bạn về, P. phát hiện mất chỉ vàng mà cha mẹ cho để mua xe đạp đi làm sau khi tốt nghiệp. Sự nghi ngờ dồn cho S. - bạn cùng phòng bị ốm, không đi tập. P. đề nghị bạn trong phòng cho khám tư trang. Cuộc khám xét không kết quả nhưng qua thái độ phủ nhận thảng thốt của S., mọi người đinh ninh S. giả ốm để ăn cắp. Năm đó, trong lúc P. và các bạn phấn khởi nhận quyết định phân công công tác thì S., dù học lực rất khá đã không được xét tốt nghiệp với lý do có hành vi đạo đức xấu, không trung thực.

Thời gian trôi, S. bặt tăm. Một ngày sau khi nghỉ hưu, P. nhận được lá thư và chiếc hộp đựng chỉ vàng. Thư viết: “Anh P. thân mến, tôi xin được gửi trả anh chỉ vàng tôi đã lấy cách đây mấy chục năm. Tôi sẽ đến gặp anh để xin thứ tội. Kính”. Lá thư không chữ ký khiến ông già P. trào nước mắt, thấy thương người bạn sinh viên nghèo nhất lớp năm xưa: Cha mất sớm, mẹ tần tảo nuôi năm đứa con ăn học; có lẽ vậy mà trong phút không làm chủ, S. đã thành kẻ cắp. P. nôn nao chờ gặp S. để nói lời cảm thông. Nhưng xuất hiện trước P. sau đó không phải S. mà H. - một bạn năm xưa khác, rất thành công. P. vui mừng kể H. nghe việc S. trả vàng và hứa gặp xin lỗi. H. bỗng nhiên bật khóc, thú nhận chính ông là người đã ăn cắp vàng của P. để mua xe đạp. Rằng mấy chục năm qua ông dằn vặt, ăn năn…

Hai người bạn già quyết định đi tìm S., để biết sau khi bị nhà trường gửi công văn đến địa phương thông báo đạo đức xấu, S. đã xin đi miền núi khai hoang, trốn sự khinh bỉ của làng xóm. Hiện gia đình S. có trang trại nuôi bò lớn ở một vùng heo hút. P. kể khi gặp lại cả ba đều khóc, H. xin được tạ lỗi bằng cách kể sự thật cho vợ con S. nghe để họ hãnh diện về người thân nhưng S. gạt đi, bởi “Chưa bao giờ họ tin tôi là kẻ cắp”. Ngày chia tay, thấy H. cứ day dứt không biết làm sao trả hết nợ, S. khuyên bạn: “Nói ra sự thật tội lỗi là ông đã trả hết nợ. Mà thực ra ông nợ chính ông nhiều hơn nợ tôi. Nợ người dễ trả hơn nợ chính mình”.

Nợ người dễ trả hơn nợ chính mình. Câu chuyện của người viết không quen làm chị nhớ câu chuyện em kể nhân một lần đến sửa sang nhà cửa. Quê miền Trung, thợ xây dựng hành nghề ở Pháp, Quên có tên thật là Quang nhưng tính hay quên nên đồng nghiệp gọi trại trêu thành Quên. Quang vui vẻ chấp nhận, thậm chí giờ gọi Quang em cũng không phản ứng! Đúng là Quên hay quên rất nhiều thứ nhưng câu chuyện “mất mấy ngàn ơ” thì em nhớ mãi, thậm chí “thấy sướng”. Chuyện rằng cách đây hai năm, nhóm lao động của Quên được một gia đình Việt Nam thuê cải tạo khuôn vườn. Nhà sang vườn rộng nên ba anh em phải làm việc khá lâu. Quên nói trong khá lâu đó, ngày nào mấy anh em cũng lủi thủi ăn trưa, nghỉ ngơi giữa nắng; vợ chồng chủ nhân đồng hương - mà cả nhóm thân kính gọi cô chú - ngoài giao tiếp lạnh lẽo công việc chưa một lần mời nước hay mời họ vô nhà cho mát... Việc xong, khi khách hàng trả thù lao, ông thợ cả Quên trả lời đĩnh đạc: “Không đồng hương cũng đồng loại nhưng cô chú quá coi thường tụi cháu. Cháu xin tặng cô chú số tiền công đó để cô chú hiểu lòng tự trọng của người nghèo”. Kể với chị, Quên vẫn còn hể hả: “Chú ấy giật mình xin lỗi nhưng em vẫn bỏ đi. Chú nói sẽ mang tiền tới nhà nhưng em không cho địa chỉ. Chú cố gắng gửi qua người giới thiệu em cho chú nhưng em cũng không nhận. Tụi em đã quên số tiền bị mất đó nhưng chú ấy thì nhớ hoài”.

Nhớ hoài - tên thứ nợ không dễ trả…

Đạo diễn VIỆT LINH (từ Pháp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm