Nở rộ dịch vụ đi chợ hộ, mua hộ… thời dịch COVID-19

Thông tin từ Grab cho biết ứng dụng này vừa triển khai thử nghiệm tính năng GrabMart tại TP.HCM. Tính năng này cho phép người dùng tìm kiếm, chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, nước uống đóng chai, rau củ quả... từ các cửa hàng tiện lợi, chuỗi bán lẻ, siêu thị liên kết.

Theo đó, người dùng chỉ việc ở nhà đặt mua, đơn hàng sẽ được gửi trực tiếp đến máy nhận đơn của các đơn vị liên kết. Tài xế chỉ việc nhận báo mã số đơn, nhận hàng và tiến hành giao mà không phải ghi nhớ đơn để mua hộ.

Chị Thanh Hoa, một người dùng, chia sẻ: “Tính năng này của Grab giải quyết được nỗi lo lắng hạn chế đến những nơi công cộng, điểm mua bán tiếp xúc đông người như chợ truyền thống, siêu thị của người tiêu dùng như tôi. Nhưng hiện tại các đơn vị siêu thị, cửa hàng tiện lợi liên kết chưa được nhiều, thêm nữa chưa có hỗ trợ mua đồ tươi sống… Như tôi ở Thủ Đức phải mua ở siêu thị cách đó gần 8 km”.

Không chỉ Grab, vào đầu tháng 3, ứng dụng gọi xe Be cũng nhanh chóng tung ra thị trường tính năng “Be đi chợ” với hóa đơn không quá 500.000 đồng. Khác với Grab, dịch vụ của Be lại đi theo mô hình tài xế là người mua hộ đơn hàng sau khi khách hàng nhập thông tin địa chỉ cửa hàng và sản phẩm muốn mua.

Ứng dụng Be mở dịch vụ đi chợ giùm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong mùa dịch. Ảnh: Be

Ứng dụng cũng có điểm trừ là người dùng phải nhập tay toàn bộ từ cửa hàng lựa chọn đến thức ăn muốn mua và bị giới hạn đơn hàng, trong khi người dùng trong mùa dịch có xu hướng mua hàng số lượng lớn để trữ và hạn chế đi mua sắm nhiều lần. 

Trước đó, vào tháng 2 năm nay, ứng dụng giao hàng AhaMove cũng nhanh chân ra mắt dịch vụ mua hộ. Tuy nhiên, sản phẩm mua hộ chỉ gói gọn là các loại khẩu trang, nước rửa tay, bình xịt khử khuẩn…, những sản phẩm hạn chế việc lây nhiễm COVID-19.

Hay trong hệ thống dịch vụ của siêu ứng dụng Gojek, công ty mẹ của GoViet, cũng xuất hiện dịch vụ đi siêu thị hộ Gomart. Mặc dù vậy, tại Việt Nam, GoViet chưa triển khai hoạt động này và vẫn chỉ phục vụ 3 nhu cầu gọi xe, giao đồ ăn và giao hàng.

Khảo sát mới nhất của Nielsen Việt Nam và Infocus Mekong Mobile Panel cho thấy dịch COVID-19 tác động mạnh đến xu hướng tiêu dùng của người Việt, nâng mức tiêu thụ một số ngành hàng. Đơn cử hơn 50% giảm tần suất đến siêu thị và các cửa hàng tạp hóa. Tỉ lệ này đối với các chợ truyền thống, chợ thực phẩm tươi còn lên đến hơn 60%.

Điều này đã giúp mua sắm trực tuyến tăng lên với hơn 25% người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn trước. Ông Mohit Agrawal, Giám đốc bộ phận thấu hiểu hành vi người tiêu dùng Nielsen, chia sẻ: “Người Việt hiện nay đang dành nhiều thời gian trên mạng và mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Việc này tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường trực tuyến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới