Theo dòng thời sự

Nỗi ám ảnh những người hùng U-23 về CLB ngồi dự bị

(PLO)- Trở về sau khi kết thúc những trận đấu rất ấn tượng tại vòng chung kết U-23 châu Á, đa phần các cầu thủ U-23 Việt Nam (VN) đều có chung tâm trạng vui, buồn lẫn lộn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau phần trình diễn ấn tượng được giới chuyên môn và người hâm mộ đón nhận là những lo lắng và e ngại khi trở lại CLB và tiếp tục kiếp dự bị hoặc được cho các CLB khác mượn hệt như trước khi họ lên tập trung U-23 VN.

Bốn năm trước ở Thường Châu, HLV Park Hang-seo dù chưa được tin tưởng lớn nhưng trong tay ông đã có những cầu thủ trụ cột ở CLB thi đấu V-League như Quang Hải, Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng và đám trẻ nhà bầu Đức đã chinh chiến nhiều ở trong nước lẫn quốc tế. Trong khi với ông Gong Oh-kyun thì đa phần là các cầu thủ chưa tìm được chỗ đứng ở V-League hoặc còn vất vả với cuộc đua ở giải hạng Nhất.

Trong số này chỉ có mỗi đội trưởng Việt Anh còn có suất ra sân thường xuyên trong màu áo CLB Hà Nội. Ảnh: ANH THỎA

Trong số này chỉ có mỗi đội trưởng Việt Anh còn có suất ra sân thường xuyên trong màu áo CLB Hà Nội. Ảnh: ANH THỎA

Ông Gong trong cuộc tuyển người chuẩn bị cho vòng chung kết U-23 châu Á buộc phải thực hiện kiểu “lọt sàng xuống nia” bằng cách tuyển một danh sách rất dày gồm những cầu thủ “đá được” trong độ tuổi cho phép. Song song với việc HLV Park Hang-seo rèn đội U-23 cho SEA Games 31, ông Gong vẫn kiên trì với lứa cầu thủ đủ tuổi còn lại và cả những cầu thủ tuổi 19, 20, 21 vừa đoạt Cúp U-23 Đông Nam Á tại Campuchia lẫn các cầu thủ bị thầy Park loại khỏi danh sách U-23 dự SEA Games.

Nếu ở SEA Games 31, giới chuyên môn rất hay bàn về danh sách +3 (ba cầu thủ trên 23 tuổi: Hùng Dũng, Tiến Linh, Hoàng Đức) mà bỏ ra thì U-23 VN không biết sẽ đá kiểu gì. Nhưng ở Uzbekistan chẳng có cầu thủ nào ngoài 23 tuổi cả mà bóng đá VN vẫn tạo nên những dấu ấn rất lớn. Thậm chí có những cầu thủ tuổi đời 19, 20 như Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường hay Lương Duy Cương… vẫn thể hiện tốt bên cạnh những đàn anh. Từ thể lực, sức mạnh, ý chí, tinh thần và cả kỹ thuật, mỗi cá nhân trong tập thể U-23 đều cho thấy họ là những cầu thủ rất tiềm năng.

Đã có không ít cái tên bước ra ánh sáng chỉ sau thời gian rèn giũa và thi đấu tại Uzbekistan. Những cầu thủ được xem là phát hiện mới, là hiện thân của một thế hệ tài năng mà khi vòng chung kết U-23 châu Á chưa diễn ra, giới chuyên môn còn than thở bóng đá VN ở giai đoạn cạn kiệt tài năng.

Hóa ra tài năng không thiếu nhưng cái thiếu lớn nhất chính là ở giải trong nước, giải vô địch quốc gia, các cầu thủ trẻ thường không có đất hoặc không được “đặt đúng chỗ”, tạo điều kiện để thể hiện.

Nghịch lý của bóng đá VN là có giai đoạn dài khan hiếm tài năng trẻ khi các CLB thiếu quan tâm đến công tác đào tạo. Đến nay, khi các lò đào tạo mọc lên như nấm và các CLB đều chú trọng tuyến hai thì lại nảy sinh một căn bệnh vì thành tích nên có quá nhiều tài năng trẻ không được ra sân để chen chân thi thố với các đàn anh ở V-League. Trong khi đó hệ thống giải trẻ VN thì số trận thi đấu mỗi năm có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Trách nhiệm này ngoài các CLB vì đặt nặng thành tích ra cần có một “chính sách” để các tài năng trẻ không bị nhốt mãi trên ghế dự bị. Như một số quốc gia sẵn sàng đưa vào quy định bắt buộc các trận đấu giải chuyên nghiệp phải có bao nhiêu cầu thủ trẻ ra sân. Điều mà bóng đá VN đã từng nghĩ đến nhưng chưa bao giờ thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm