Bộ LĐ-TB&XH dự kiến trình Chính phủ sửa đổi quy định tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ này đề xuất nhóm thụ hưởng đợt này là doanh nghiệp giảm 10% lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) trở lên so với thời điểm tháng 4-2021. Số lao động bao gồm ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương. Thời gian doanh nghiệp tạm dừng đóng không quá 6 tháng kể từ lúc nộp hồ sơ đề nghị và tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phải giảm 20% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm cơ quan thẩm quyền công bố dịch thì mới được hưởng chính sách, song không quá 3 tháng từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét hưởng. Tuy nhiên, khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy 44% trong số 12.000 doanh nghiệp được khảo sát trả lời khó tiếp cận chính sách này.
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch COVID-19. Ảnh: V.LONG
Góp ý cho đề xuất trên, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu đồng ý với chủ trương tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cần quy định rõ đối tượng được hưởng.
Cụ thể, chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, khách sạn, nhà hàng, du lịch, giáo dục, văn hóa, thể thao hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Hoặc khu làm việc tập trung bị cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến hết tháng 4-2021.
“Các trường hợp còn lại tiếp tục được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định hiện hành”- BHXH Việt Nam góp ý.
Với điều kiện để được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất như đề xuất trên, BHXH Việt Nam dự báo khoảng 39 nghìn doanh nghiệp với khoảng 1,15 triệu lao động bị ảnh hưỏng. Số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất khoảng 8.450 tỉ đồng.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Trong đó 540 nghìn người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập.
Một số ngành bị ảnh hưởng mạnh như nghệ thuật, vui chơi giải trí (thu nhập của lao động bị giảm 5,2%), vận tải kho bãi (thu nhập của lao động giảm 2,7%), dịch vụ lưu trú, ăn uống (doanh thu giảm 3%), du lịch lữ hành (doanh thu giảm 60,1%)…
Nguyên nhân sụt giảm do yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 phải hạn chế, kiểm soát chặt đường biên giới giữa các nước đã gây ra khó khăn về nguyên liệu đầu vào, xuất khẩu hàng hoá, thiếu chuyên gia phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Với tình hình hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng nếu dịch kéo dài đến hết quý II/2020 số lao động bị tác động tiêu cực là trên 12 triệu người. Trong đó, đối tượng ảnh hưởng mở rộng thêm là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ, hoạt động làm thuê…
“Kịch bản dịch bệnh bùng phát rộng, ở nhiều khu công nghiệp và đô thị lớn, dự báo trên 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Song song đó, khoảng 4 triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất bị tác động trực diện, lao động làm việc trong tất cả các ngành, lĩnh vực đều bị tác động mạnh...” - Bộ LĐ-TB&XH dự báo.
Theo BHXH Việt Nam, sau một năm thực hiện Nghị quyết 42, quy định biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, cơ quan này đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với 1.846 doanh nghiệp cho 192.503 lao động, với tổng số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trên 786 tỉ đồng. |