Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác nhận mới đây đã cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) lần đầu năm 2023 cho một số ngân hàng, dao động 8,3%-13,5%.
Trong đó có 7/8 ngân hàng nhận hạn mức thấp hơn năm ngoái. Cụ thể, HDBank được cấp room 11%, giảm so với mức 15% của năm 2022; ACB được cấp room tín dụng là 9,8%, so với năm ngoái là 10%; VIB là 9,5%, so với năm ngoái là 10%; TPBank là 9,1%, thấp hơn so với năm trước là 11,5%; VPBank và MBBank cùng ở tỉ lệ là 9%, so với năm trước là 15%. Thấp nhất là BIDV với mức 8,3%, giảm so với 10% của năm 2022. Riêng MSB được cấp 13,5%, cao hơn so với năm trước là 9,5%.
Nới room nhưng nhu cầu tín dụng không cao
Trao đổi với báo chí, đại diện NHNN cho biết cơ quan này dựa trên định hướng tăng trưởng để xem xét cấp hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng vào quý I. Sau đó sẽ thực hiện điều chỉnh để phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Dự kiến cả năm nay room tín dụng tăng trưởng khoảng 14%-15%. Con số này tăng nhẹ so với định hướng ban đầu của năm ngoái (14%).
Bên cạnh việc cấp room tín dụng đợt 1, NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm lãi suất huy động thêm 0,5%/năm để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Bởi giảm lãi suất cũng là một trong các tiêu chí để NHNN xem xét cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng vào những đợt tới.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động 0,2%-0,5% để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay. Ảnh: TL |
NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Các chuyên gia nhận định việc được cấp room tín dụng sẽ giúp ngân hàng đẩy mạnh vốn ra thị trường, hỗ trợ DN đang khát vốn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tăng trưởng tín dụng gần đây có xu hướng chậm lại, mà nguyên nhân chính do nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao. Đặc biệt, lãi suất cho vay hiện quá cao khiến các nhà sản xuất, kinh doanh không dám vay vốn.
Đã đến lúc hạ lãi suất thực
Từ sau tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn từ sáu tháng đến một năm với mức giảm 0,2-0,5 điểm phần trăm. Hiện tại, mức lãi suất phổ biến đối với kỳ hạn một năm dao động 8%-9,5%.
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng thương mại mới đây đã thống nhất sẽ giảm lãi suất huy động thêm tối đa khoảng 0,2%-0,5%/năm. Đây là động thái nhằm hạ chi phí đầu vào, có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, đến thời điểm này lãi suất cho vay thực tế vẫn quá cao, vượt quá sức chịu đựng của người dân và nhà kinh doanh. Thậm chí nhiều công ty làm ra chỉ đủ trả lãi vay cho ngân hàng.
Liên quan vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết hiện nay đã có một số ngân hàng thương mại được cấp room tín dụng mới, tuy nhiên điều quan trọng là các DN phản ánh vẫn đang phải chịu lãi suất 14%-15%. Đây được đánh giá là mức lãi suất cao và cần hạ nhiệt lãi suất.
“Hàng loạt ngân hàng đang đồng loạt hạ lãi suất đầu vào 0,2%-0,5%, từ đó tạo tiền đề để các ngân hàng có thể hạ lãi suất đầu ra cho phù hợp. Lãi suất cho vay hiện nay đã được thống nhất sẽ được giảm, cả lãi suất huy động cũng sẽ giảm” - ông Hùng nhấn mạnh.
Về chuyện nhiều DN cho biết đang gặp khó khăn với việc tiếp cận vốn, ông Hùng phân tích: Nếu dự án không hiệu quả thì dĩ nhiên là sẽ gặp khó khăn khi vay vốn. DN không có phương án kinh doanh để có khả năng trả nợ thì sao tiếp cận nguồn vốn được. Mặt khác, nếu DN gói nợ trước còn chưa trả được thì tiếp cận nguồn vốn mới cũng chưa chắc trả được.
“Vì vậy, bản thân DN cũng phải xem xét lại, vì về nguyên tắc ngân hàng muốn duy trì hoạt động thì cũng phải cho vay và hỗ trợ DN nếu họ gặp khó. Tuy nhiên, nếu DN gặp khó trong vấn đề điều kiện pháp lý thì ngân hàng sẽ hỗ trợ giải quyết, còn nếu DN không đủ điều kiện để trả nợ mà ngân hàng vẫn cho vay thì hậu quả ai chịu trách nhiệm?” - ông Hùng nói.
Lãi cao, doanh nghiệp ngại vay vốn
Theo báo cáo mới cập nhật của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong hai tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội và TP.HCM ước tính tăng lần lượt 2,0% và 0,4% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm trước.
Với quy mô tín dụng ở hai TP lớn này chiếm hơn 50% tổng quy mô tín dụng nền kinh tế, VDSC ước tính tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 2 đạt khoảng 1,1%, thấp hơn mức tăng 2,7% của cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do lãi suất cho vay hiện quá cao khiến các nhà sản xuất, kinh doanh không dám vay vốn.
Lãi suất sẽ giảm nhanh
Các ngân hàng không muốn cho vay với lãi suất cao vì nó làm khó tình hình tài chính của DN, từ đó gây rủi ro nợ xấu cho ngân hàng. Vì vậy, tới đây lãi suất huy động sẽ giảm theo cam kết của nhiều ngân hàng thương mại. Bản thân Ngân hàng OCB cũng đã bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ một số đối tượng khách hàng DN.
Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG,Tổng giám đốc Ngân hàng OCB