Nhà nước có nhiều chương trình, biện pháp xây dựng, quản lý, phát triển thương hiệu cho nông sản. Thế nhưng thương hiệu chỉ mạnh khi được dùng thường xuyên trên thị trường, có mặt trên bao bì, trên nông sản, cho người tiêu dùng nhìn thấy, ghi nhớ, chứ không phải nằm trong kế hoạch.
Trong khi đó, thực tế là người sản xuất, DN mua bán nông sản thì không thích dùng thương hiệu!
Cân ký cho tiện!
Ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, cho biết tuy vải thiều Thanh Hà đã được cấp chỉ dẫn địa lý từ năm 2007 nhưng đến nay cũng chỉ khoảng 10% lượng vải thiều được gắn logo, dùng bao bì có thiết kế chung, logo chung... Trong đó, chủ yếu là vải thiều bán tại cửa hàng do hiệp hội tổ chức hoặc bán vào các siêu thị lớn.
Ông Bát cũng cho biết nếu muốn dùng logo thì phải cho chùm quả vào túi nylon có đục lỗ cho thoáng khí. Bỏ túi này vào hộp giấy, trên hộp cũng có logo và phải dán băng keo qua mặt hộp, gỡ ra là rách logo ngay. Làm như thế là để cho người khác khỏi lấy logo này dùng lại, giả mạo vải khác thành vải Thanh Hà.
Ông Bát khẳng định túi vải thiều có bao bì, có logo cao giá cao hơn 3.000-4.000 đồng so với vải bán thô. Thế nhưng người dân ít muốn dùng logo chỉ dẫn địa lý. Ông Bát giải thích: “Họ bán theo tạ, theo tấn cho tiện, cho nhanh, không thích phải dùng bao bì lỉnh kỉnh”.
Thanh long xuất đi Trung Quốc hoặc bán trên thị trường nội địa đều không chú trọng đến bao bì hay nhãn hiệu. Ảnh: CTV
Nếu không làm bao bì thì có cách nào dùng logo thương hiệu không? Theo ông Bát, trước đây hiệp hội cũng đã tính đến việc treo, mắc logo vào chùm quả (thường là một chùm 2 kg). Tuy nhiên, nếu làm thế thì người khác lại có thể gỡ dây logo ra, buộc vào chùm quả khác không phải vải thiều Thanh Hà. Vì vậy mà cần phải có bao bì.
Có mà không quý
Trong nhiều loại sản vật có danh, có tiếng đã được cấp chỉ dẫn địa lý thì thanh long Bình Thuận có vẻ nổi bật bởi lẽ sản phẩm này được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và đang đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu, Hoa Kỳ.
Thế nhưng ông Vũ Vệ Yên, Thư ký Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cho biết việc đăng ký bảo hộ cho thanh long Bình Thuận ở nước ngoài cũng là do các cơ quan quản lý đốc thúc chứ không phải từ chủ động của DN!
Ông Yên cho biết ngay cả việc đăng ký và tham gia sử dụng chỉ dẫn địa lý này cho quả thanh long bán trong nước, DN cũng chưa quan tâm. Thanh long Bình Thuận đã thiết kế được logo riêng nhưng bảo họ dán cái logo này lên thùng hàng, họ còn chẳng thèm làm!
Về lý do DN không muốn dùng logo chỉ dẫn địa lý, ông Yên cho biết là DN thấy… tốn tiền và tốn công làm bao bì cho nông sản!
Vậy thanh long xuất khẩu mang nhãn gì? Ông Yên cho biết DN cứ ghi đơn giản là “Product of Vietnam” (sản phẩm của Việt Nam), còn hàng xuất đi Trung Quốc hay bán cho thị trường nội địa thì nhiều DN cứ bán quả không thôi, chẳng có bao bì hay nhãn mác gì.
Quả thật, hiện nay thanh long Bình Thuận được bày bán khắp nơi, thế nhưng mặt mũi logo chỉ dẫn địa lý này ra sao thì người tiêu dùng ít thấy!
Ông Yên kể thêm một câu chuyện mà ông gặp trong quá trình hỗ trợ làm nhãn hiệu. Khi hiệp hội và các đơn vị hỗ trợ bảo rằng sẽ mang hồ sơ đến tận nhà của chủ DN để DN điền thông tin vào đơn, sẽ được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu riêng. Thế nhưng nhiều DN bảo rằng “thôi, khi nào tôi rảnh, tôi đến”.
Bởi vậy, ông Yên cho biết thông tin về đăng ký thương hiệu ở nước ngoài thì nghe rộn ràng lắm nhưng thực tế chỉ có bốn DN thực dùng chỉ dẫn địa lý này.
Dùng nhiều mới có tiếng
Thế nhưng cũng có thương hiệu nông sản được DN quan tâm muốn dùng. Ví dụ như chè Thái Nguyên. Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, cho biết hiện có 482 tổ hợp tác, hợp tác xã, DN được cấp quyền sử dụng chung nhãn hiệu tập thể “Thái Nguyên” cho chè (trà). Chè sấy khô thường được cho vào túi nylon hoặc túi giấy, trên túi có dán logo “Thái Nguyên” đúng mẫu chung. Ngoài ra, DN cũng có thể có thêm nhãn hiệu riêng của mình. Bà Ngà khẳng định hội quản lý, phân phát các logo “Thái Nguyên” này cho các đơn vị sử dụng. Đơn vị không nằm trong tập thể sẽ không có logo mà dùng nên không có chuyện giả mạo được. Hiện nay việc đăng ký và sử dụng logo chè Thái Nguyên là miễn phí, bà Ngà cho biết.
Công bằng mà nói, tập quán đóng túi chè khô đã giúp thương hiệu chè có giá trị. Chè khô cần được đóng túi cho khô ráo, giữ hương vị, màu sắc… Khi đã đóng túi, có bao bì thì việc dùng nhãn hiệu mới trở nên cần thiết, quan trọng. Tương tự, nước mắm Phan Thiết đã có tiếng từ lâu đời, nay cũng đã được công nhận là chỉ dẫn địa lý và được DN nước mắm quý trọng. Một lý do khá đơn giản là vì nước mắm muốn bán ra chợ, vào siêu thị… thì phải đóng chai, đóng chai thì mới quan tâm trình bày nhãn mác!
Giảm tiện lợi, tăng giá bán Tập quán lâu đời ở ta là mua bán trái cây không quan tâm bao bì, nhãn mác. Giả như có bao bì thì bán trong cửa hàng, trong siêu thị, với người mua thì phức tạp, vì không tiện đường để mua hàng. Vào cửa hàng, siêu thị thì lại tăng thêm chi phí bảo quản, giá đắt hơn. Ông LƯU ĐỨC THANH, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý |
QUỲNH NHƯ