Nóng Nga-Ukraine 17-5: Phía Nga nói Ukraine tấn công rát ở Donetsk; Anh, Hà Lan bàn gửi F-16 cho Ukraine

(PLO)- Phía Nga nói Ukraine tấn công rát ở Donetsk, phóng cả 350 lựu pháo vào tỉnh này; Hai bên hơn 44 lần giáp chiến trong ngày; Nga tuyên bố có thể triển khai vũ khí bất cứ đâu nếu cần; Anh và Hà Lan định lập liên minh giúp Ukraine nhận tiêm kích F-16.

Nga tố Ukraine bắn hơn 350 lựu pháo vào Donetsk; Hai bên hơn 44 lần giáp chiến

. Theo hãng tin Ukrinform, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết trong ngày 16-5 phía Nga tiếp tục tấn công các vị trí của quân Ukraine tại hướng các thành phố Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Maryinka (đều thuộc tỉnh Donetsk, vùng Donbass, miền đông Ukraine).

Bộ này cho biết có 44 đợt giáp chiến diễn ra tại mặt trận miền đông, trong đó đụng độ tại Bakhmut và Maryinka là ác liệt nhất. Theo Bộ này, các lực lượng Nga đã liên tục khai hoả súng cối, đại bác vào các khu định cư tại các tỉnh Chernihiv, Sumy, Kharkiv, Luhansk, Zaporizhia, Kherson,...

Theo Bộ Tổng tham mưu, Không quân Ukraine đã 13 lần tấn công vào cụm nhân lực và thiết bị quân sự của Nga, cũng như 3 lần tấn công vào các hệ thống tên lửa phòng không của đối phương. Trong khi đó, các đơn vị tên lửa và pháo binh Ukraine đã tấn công 5 cụm quân, 3 trạm tác chiến điện tử, 2 kho đạn dược và 1 kho nhiên liệu của Moscow.

Lực lượng phòng không Ukraine đánh chặn thành công tên lửa Nga dội vào Kiev đêm 16-5. Ảnh: REUTERS

Về vụ Nga tập kích Kiev trong đêm 16-5, theo đài CNN, lực lượng phòng không Ukraine đã đánh chặn thành công toàn bộ tên lửa mà Nga phóng vào thủ đô.

. Theo hãng thông tấn TASS, quan chức Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho biết quân đội Ukraine đã dội 20 quả pháo và vào vùng ngoại ô TP Alexandrovka (Donetsk) trong ngày 16-5. Phía Kiev đã dùng các hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) cho hoạt động nêu trên, theo DPR.

Bên cạnh đó, phía DPR cho hay toàn mặt trận Donetsk ngày 16-5 đã hứng đến 63 đợt pháo kích (với hơn 350 quả đạn pháo) từ phía Ukraine, chủ yếu gồm các thành phố Donetsk, Horlivka, Makiivka, Yasynuvata,... Các vụ pháo kích đã khiến 1 dân thường bị thương, 15 ngôi nhà và 6 cơ sở hạ tầng dân sự đã bị hư hại nghiêm trọng.

Chia sẻ với đài Radio Rossii cùng ngày, ông Andrey Marochko - một đại tá đã nghỉ hưu của lực lượng dân quân Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng - cảnh báo quân Ukraine sẽ sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công cả các vị trí của quân Nga cũng như dân thường trú tại vùng giao tranh.

Ông cho rằng tên lửa Storm Shadow là vũ khí rất nguy hiểm và sẽ cần thời gian để trang bị lại các phương tiện và huấn luyện quân đội để chống lại nó. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng về lâu dài, quân Moscow sẽ tìm ra cách đối phó với Storm Shadow, như cách mà họ đã làm với các hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS).

Nga tuyên bố có thể triển khai vũ khí bất cứ đâu nếu cần

Sau khi lên án hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (Hiệp ước CFE) không còn phù hợp, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga - ông Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow được tự do triển khai vũ khí ở bất cứ nơi nào cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia, theo TASS.

“Tài liệu này đã trở nên không còn phù hợp với chúng tôi vào năm 2007. Bây giờ, không có cam kết quốc tế nào có thể ngăn cản chúng tôi đặt vũ khí ở bất cứ nơi nào chúng tôi muốn để bảo vệ lợi ích quốc gia" - ông nói.

Ông Medvedev cũng cho biết thêm rằng Nga sẽ "tăng tối đa việc sản xuất vũ khí, thiết bị quân sự, cũng như các loại vũ khí hủy diệt".

Ở một diễn biến khác, tại phiên họp toàn thể của Hội nghị về giải trừ quân bị Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 16-5, ông Gennady Gatilov - đại diện thường trực của Nga tại LHQ - cho biết mối đe dọa từ chính sách quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ và Anh ở Ukraine đối với Nga là có thật.

“Mối đe dọa đối với an ninh của Nga từ sự phát triển quân sự trên lãnh thổ Ukraine là có thật và rất nghiêm trọng, tương tự như những gì chính Mỹ đã trải qua trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962” - ông nói.

Mỹ và các nước NATO đã cáo buộc việc Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là "sự gây hấn vô cớ". Tuy nhiên, ông Gatilov bác bỏ và khẳng định cáo buộc trên là sai sự thật. Ông nhấn mạnh Nga đã tính toán nhiều yếu tố an ninh khi quyết định phát động chiến dịch.

Ông nói rằng các nước NATO, Mỹ, Anh đã “theo đuổi chính sách công khai chống Nga từ rất lâu trước khi xảy ra chiến sự tại Ukraine”, chẳng hạn như việc London xây dựng căn cứ hải quân ở thành phố cảng Ochakov của Ukraine, NATO triển khai tập trận Sea Breeze vào mùa hè năm 2021, và Mỹ dùng không phận Ukraine để bay diễn tập oanh tạc cơ B-52.

Anh và Hà Lan định lập liên minh giúp Ukraine nhận tiêm kích F-16

Theo CNN, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đang nỗ lực xây dựng một "liên minh quốc tế" để giúp Ukraine nhận tiêm kích F-16.

Tiêm kích F-16. Ảnh: GETTY IMAGES

“Thủ tướng Sunak và Thủ tướng Rutte đã nhất trí sẽ hợp tác để xây dựng liên minh quốc tế nhằm cung cấp cho Ukraine năng lực tác chiến trên không, hỗ trợ mọi thứ từ đào tạo đến nhận tiêm kích F-16” - phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo sau cuộc họp của ông Rishi Sunak và ông Rutte ngày 16-5.

Ông Sunak cũng "nhắc lại niềm tin về vị trí xứng đáng của Ukraine trong NATO và các nhà lãnh đạo đã nhất trí về tầm quan trọng của việc các đồng minh cung cấp hỗ trợ an ninh lâu dài cho Kiev để đảm bảo họ có thể ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai", theo vị phát ngôn viên.

Phía Ukraine nhanh chóng bình luận về thông tin trên.

“Chúng tôi cần những chiếc F-16 và tôi rất biết ơn các đồng minh vì quyết định này” - ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới