Nói là táo bạo, bởi vì ngoài Nhà hát Tuổi trẻ, các chương trình dành cho thiếu nhi vẫn được nhiều đơn vị tổ chức, nhưng để trở thành một chương trình định kỳ thì không phải đơn vị nào cũng dám làm và làm được.
Nghệ sĩ Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã trao đổi với Pháp Luật TP.HCM:
Hình ảnh trong vở diễn Con chim xanh.
Từ câu hỏi của phụ huynh
. PV: Nhà hát Tuổi trẻ vừa hoàn thành các đêm diễn cho thiếu nhi nhân ngày 1-6, phải chăng hiệu ứng từ chương trình này khiến cho Nhà hát tiếp tục đi xa hơn nữa ?
+ Giám đốc Chí Trung: Đó có thể nói là sự thành công của chúng tôi. Tính từ 20-5 cho đến 1-6 chúng tôi đã diễn được 59 suất, đó là một con số khổng lồ. Nhưng để đi đến quyết định làm một chương trình định kỳ cho thiếu nhi cũng bắt đầu từ câu hỏi của các phụ huynh.
. Anh có thể tiết lộ câu hỏi đó?
+ Các phụ huynh đã hỏi tôi: Anh ơi, chỉ có thế này thôi à, sao không diễn thường kỳ cho các cháu, nhất là các dịp hè? Nghe xong tôi thấy đó cũng là một ý tưởng hay, tôi liền họp bàn toàn bộ cơ quan và thống nhất, chúng ta có thể nhận bồi dưỡng thấp đi một chút, nhưng cố gắng để phục vụ định kỳ cho các cháu suốt ba tháng hè.
. Vậy ngoài các chương trình kịch hay chương trình ca múa nhạc cho thiếu nhi thì Nhà hát còn có “món” nào mới để thu hút các cháu không?
+ Tất cả buổi sáng chủ nhật các con đến đây và toàn bộ sảnh không gian này sẽ là một sân chơi của trẻ con, sẽ có những câu chuyện cổ tích, có những bài học, đồ chơi. Các con sẽ đi vào một đường hầm xung quanh nhà hát, chúng tôi sẽ biến nơi này thành hang động, lâu đài, những câu chuyện mà chúng tôi sắp kể và có nhân vật đứng đó, thậm chí có những con ma nhảy xổ ra dọa các con, có các lỗ để các con chui qua, lên thác xuống ghềnh, có cả những thác nước phụt vào người các con, gây hiếu kỳ. Sau đó các con lên bằng cửa sau hoặc cửa thoát hiểm.
Ở đó sẽ là một không gian với một khoảng trắng sáng mênh mông của giếng trời, tôi coi đó là thánh đường. Ngay ở ngoài chúng tôi sẽ làm một cái cửa đề là lâu đài và một câu: “Lâu đài chưa mở cửa”, các con phải đứng xếp hàng gào ba lần: “Lâu đài ơi mở cửa ra, thì mới được vào”. Bố mẹ cũng phải làm thế cùng các con. Xong chương trình, các con có thể xuống đây chơi tiếp. Bố mẹ nào không muốn xem cùng con, chúng tôi có thể trông hộ các cháu sau khi chương trình kết thúc một lúc.
“Nuôi trồng” khán giả nhí
. Chương trình dành cho thiếu nhi nghĩ dễ mà cũng rất khó. Theo anh, cái khó hiện nay là gì?
+ Ở Nhà hát Tuổi trẻ, hai năm nay chúng tôi đã siết chặt hơn các chương trình. Bởi vì chúng tôi quan niệm, thời làm nhom nhem, bật đèn sáng cho trẻ con vào qua lâu rồi. Bây giờ ngay cả các con vào siêu thị chọn đồ, tự các con cũng chọn được đồ mình thích, chứ đâu cần bố mẹ chọn nữa. Đó là một cái khác rất lớn.
. Còn thị trường thì sao thưa anh, hiện nay có rất nhiều đơn vị cả tư nhân lẫn nhà nước đều rất chú trọng chương trình cho trẻ em.
+ Theo tôi khi chúng ta bán món hàng đó cho thị trường bạn phải chấp nhận quy luật cung cầu của thị trường, đó là có cầu thì có cung. Cầu thì không phải cầu gì cũng được. Một buổi sáng bạn đi ăn sáng có hàng triệu hàng phở, bún, miến…nhưng bạn chỉ ăn được một, nhưng vấn đề hàng phở nào ngon để bạn quay lại tiếp, hàng phở nào một đi không trở lại. Nếu đưa một bát phở lai miến có tí bánh mỳ chấm thay quẩy có ăn được không?
Nhà hát Tuổi trẻ sẽ sáng đèn tất cả các sáng chủ nhật, bắt đầu từ 4-6 đến 27-8 để diễn cho thiếu nhi.
. Vậy còn cái khó nào ở tự thân của nhà hát đang gặp phải không ?
+ Một vấn đề luôn khó đó chính là tiền. Đây là vấn đề mà chúng tôi phải luôn cân đối. Tiếp đến là việc vào nhà hát xem các chương trình ca múa nhạc hay kịch vẫn chưa thành thói quen. Đây không phải là thực trạng chung của sân khấu phía Bắc hay phía Nam mà là của cả nước, thậm chí trên thế giới cũng gặp phải.
. Anh vừa nói đến khó khăn về kinh tế. Vậy nhưng trong tờ rơi tôi đang cầm thấy giá vé rất thấp. Chỉ từ 70 ngàn, thậm chí mua vé 4 vở còn được giảm 50% ?
+ Chúng tôi đẩy chất lượng cao lên nhưng giá thành lại giảm xuống. Bởi vì tôi coi khán giả nhí không phải là cấp thời mà tôi nuôi dưỡng tình yêu sân khấu từ thế hệ này cho tới thế hệ sau, để có khán giả cho mai sau. Hay nói cách khách, tôi đang “nuôi trồng” khán giả ngay từ bây giờ.
Các chương trình dành cho thiếu nhi định kỳ tại Nhà hát Tuổi trẻ sẽ bắt đầu vào 9g30 phút chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ ngày 4-6 đến 27-8 với các chương trình: Chương trình ca múa nhạc dành cho thiếu nhi: Cuộc phiêu lưu của gà trống choai; Cậu bé khổng lồ lạc vào hang kiến; Mảnh lego màu đỏ; Con chim xanh. |